The Economist: Thế giới không nên quay lưng với toàn cầu hóa

05:30' - 08/04/2021
BNEWS Thế giới cần tránh hoảng loạn và quay lưng lại với toàn cầu hóa vì điều này không chỉ gây ra tác hại lớn mà còn tạo ra những mối nguy hiểm mới không lường trước được.

Kể từ đầu những năm 1990, các chuỗi cung ứng đã được vận hành để tối đa hóa hiệu quả. Các công ty đã tìm cách chuyên môn hóa và tập trung nhiệm vụ cụ thể ở những nơi mang lại hiệu quả kinh tế lớn. Tuy nhiên, giờ đây ngày càng có nhiều lo lắng rằng giống như một con tàu quá lớn để chèo lái, chuỗi cung ứng đã trở thành một nguồn nguy hiểm.            

Ngày 24/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh đánh giá lại mức độ an toàn của các dây chuyền cung ứng của Mỹ trong 100 ngày. Ngày 9/3, Liên minh châu Âu (EU) cho biết họ sẽ tăng gấp đôi thị phần sản xuất chip của mình trên thế giới, lên 20% đến năm 2030 sau khi cam kết sẽ tự cung tự cấp pin vào năm 2025.

Năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát động chiến lược "tuần hoàn kép", nhằm bảo vệ nền kinh tế Trung Quốc trước áp lực từ bên ngoài. Những cam kết như vậy là mập mờ, nhưng việc ưu đãi việc làm và sản xuất trong nước cũng như hứa hẹn trợ cấp có thể đánh dấu thời điểm thế giới chuyển hướng, rời xa thương mại tự do và thị trường mở.            

Có thể thấy, trong khi chiến đấu với đại dịch, chính phủ ở khắp nơi cũng phải đối mặt với căng thẳng địa chính trị gia tăng, buộc họ phải chuyển từ ưu tiên hiệu quả sang câu thần chú mới là tính kiên cường và tự lực.

Tuy nhiên, theo tạp chí The Economist của Anh, thế giới cần tránh hoảng loạn và quay lưng lại với toàn cầu hóa vì điều này không chỉ gây ra tác hại lớn mà còn tạo ra những mối nguy hiểm mới không lường trước được.

Vì sao quay lưng với toàn cầu hóa?

Một lời phàn nàn chống lại toàn cầu hóa là toàn cầu hóa đã tập trung hoạt động sản xuất và xóa bỏ các kho dự trữ đệm. Thật vậy, các chuỗi cung ứng chứa đựng những nỗ lực tinh vi nhất của con người. Iphone phụ thuộc vào mạng lưới sản xuất của Apple trải rộng ở 49 quốc gia trong khi Pfizer, một nhà sản xuất vaccine hàng đầu, có đến hơn 5.000 nhà cung cấp.

Hậu quả là, việc không ngừng theo đuổi tính hiệu quả đã dẫn đến tình trạng lượng hàng sẵn có trong kho thấp. Điều này được thể hiện rõ nét nhất vào lúc đại dịch bắt đầu lây lan, khi cử tri và các chính trị gia đã bất ngờ trước việc các quốc gia tranh giành nhau khẩu trang và bộ xét nghiệm do nước ngoài sản xuất. 

Trong khi đó, công ty tư vấn McKinsey ước tính rằng có khoảng 180 sản phẩm xuất khẩu do một quốc gia nắm giữ độc quyền. Ví dụ, hơn một nửa số chip tiên tiến được sản xuất tại một vài nhà máy ở Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc, Trung Quốc chế biến 72% chất coban sử dụng trong pin cho xe ôtô điện của thế giới…

Sự phụ thuộc như vậy sẽ đặc biệt nguy hiểm khi tình hình địa chính trị trở nên đối đầu hơn. Tình trạng sa sút của các quy tắc thương mại quốc tế khiến các quốc gia lo ngại hơn khi phụ thuộc vào nhau. Trong thời kỳ đại dịch, các quốc gia đã áp dụng trên 140 biện pháp hạn chế thương mại cụ thể và nhiều quốc gia đã âm thầm thắt chặt việc sàng lọc đầu tư nước ngoài. 

Sau khi bỏ qua các vấn đề như làm thế nào để đánh thuế các công ty công nghệ khổng lồ ở nước ngoài và có đánh thuế đối với hàng nhập khẩu sử dụng nhiều carbon hay không, các quốc gia có xu hướng tự giải quyết các vấn đề của mình.

Khi cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng, nguy cơ bị cấm vận hay thậm chí xung đột quân sự ngày càng tăng lên. Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã làm suy yếu cơ chế thương mại toàn cầu và tân Tổng thống Joe Biden nhiều khả năng sẽ không chi quá nhiều vốn liếng chính trị cho việc xây dựng lại hệ thống này.

Có phải lựa chọn khôn ngoan?         

Tuy nhiên, sự nghiêng sang phương án tự cung tự cấp như vậy chưa chắc đã là lựa chọn khôn ngoan. Lý do là các chuỗi cung ứng nội địa do chính phủ quản lý thậm chí còn kém linh hoạt hơn các chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Khi nhu cầu tăng cao trong đại dịch, sản lượng khẩu trang của Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần. Sau cơn hoảng loạn mua đậu và mỳ ống, chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu trị giá 8.000 tỷ USD đã nhanh chóng thích ứng giúp hầu hết các siêu thị luôn có hàng.

Ngoài ra, trong khi vẫn còn những tranh luận gay gắt về việc phân phối, các mạng lưới toàn cầu có thể cung cấp 10 tỷ liều vaccine trong năm nay. Điều này cho thấy rằng mặc dù phương án tự túc nghe có vẻ an toàn, song các chính trị gia và cử tri phải lưu ý rằng các bữa ăn, điện thoại, quần áo và các mũi vaccine của họ đều là sản phẩm của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngoài ra, một chính sách tự túc cuối cùng sẽ gây bất lợi cho các quốc gia quá nhỏ hoặc nghèo để có thể làm chủ các ngành công nghiệp tiên tiến. Nếu sản xuất tập trung ở trong nước, ngay cả các nền kinh tế lớn cũng sẽ phải chịu những cú sốc nội địa, việc vận động hành lang và những thiếu sót của các nhà sản xuất, như việc Mỹ phát hiện ra với Intel.            

Cuối cùng, tính kiên cường không phải đến từ sự tự tin mà từ các nguồn cung ứng đa dạng và sự thích ứng bất biến của khu vực tư nhân với các cú sốc. Theo thời gian, các công ty toàn cầu sẽ điều chỉnh để đối phó với các mối đe dọa dài hạn, bao gồm cả căng thẳng Mỹ-Trung và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, bằng cách dần thay đổi địa điểm đầu tư mới.

Tuy nhiên, cũng giống như toàn cầu hóa tạo ra sự cởi mở, xu hướng bảo hộ và trợ cấp ở một quốc gia sẽ lan sang các quốc gia tiếp theo. Và đây có lẽ không phải là điều mà cả thế giới chờ đợi trong tương lai gần./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục