Thế giới đứng trước nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính

16:17' - 04/09/2018
BNEWS Cựu Thống đốc Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), ông Jean-Claude Trichet, cảnh báo nợ nần chồng chất đang khiến hệ thống tài chính thế giới “dễ bị tổn thương” như tình trạng cách đây 10 năm.

Nhìn lại cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2008, cựu Thống đốc Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) từ năm 2003-2011, ông Jean-Claude Trichet khẳng định mức nợ cao của các nền kinh tế phát triển là yếu tố chính gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008.

Tốc độ tăng nợ, đặc biệt là nợ tư nhân, của các nền kinh tế phát triển đã chậm lại, nhưng bù lại nợ của các nền kinh tế mới nổi lại tăng nhanh.

Ông Trichet cho rằng “điều này khiến toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu dễ bị tổn thương ít nhất là như năm 2008, nếu không muốn nói là hơn thế".

Tương tự, chuyên gia Aaron Klein thuộc Viện nghiên cứu Brookings cho rằng nền kinh tế thế giới đã và đang hồi phục trong khoảng thời gian 10 năm, song vẫn có nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng khác dù chưa biết rõ nguyên nhân.

Về phần mình, chuyên gia về rủi ro chính trị Ian Bremmer thuộc Tập đoàn Eurasia bày tỏ nghi ngờ liệu các cường quốc thế giới ngày nay có phản ứng hiệu quả như năm 2008 hay sau các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ hay không.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 được cho là cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái năm 1930. Hậu quả là hàng chục triệu người mất nhà ở, hàng trăm triệu người mất việc làm và hàng nghìn tỷ USD tài sản bị đánh mất. Sau 10 năm, nền kinh tế thế giới vẫn bị ám ảnh bởi “bóng ma khủng hoảng”./.

>>>Eurozone có rút được bài học lớn từ khủng hoảng nợ Hy Lạp?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục