Thế khó chồng khó của các doanh nghiệp trong "cơn cuồng phong” Corona

05:30' - 08/02/2020
BNEWS “Cơn lốc” dịch bệnh do virus Corona không chỉ gây thiệt hại về người mà còn gián tiếp gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế Trung Quốc nói riêng và cả kinh tế thế giới nói chung.
Biểu tượng Apple tại cửa hàng ở Brussels, Bỉ. Ảnh: AFP/ TTXVN. Ảnh: TTXVN phát

Và việc các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, có thể cảm nhận rõ nét tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới chỉ là vấn đề thời gian.

* Các thị trường bán lẻ điêu đứng 

Theo hãng tin CNN dẫn lời các chuyên gia kinh tế, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể giảm tới 2 điểm phần trăm trong quý đầu tiên của năm 2020, do sự bùng phát của dịch bệnh, tương đương với 62 tỷ USD.

Trong khi đó, trên quy mô toàn cầu, các chuyên gia cho rằng nếu phần lớn các ngành công nghiệp Trung Quốc vẫn bị đình trệ trong thời gian tới – một khả năng rất cao – thì các nhà bán lẽ, hãng sản xuất ô tô và nhà sản xuất ở Phương Tây, vốn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc, sẽ bắt đầu cảm thấy thiếu hụt nguồn cung.

Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa tiêu dùng cho mùa Hè tới, thời hạn chót để các nhà máy Trung Quốc bắt đầu gia tăng sản xuất là vào ngày 15/3. Trong trường hợp những nhà máy này vẫn tiếp tục “đóng băng” cho đến ngày 1/5, các thị trường bán lẻ sẽ ngay lập tức rơi vào tình trạng tê liệt khi mùa tựu trường và mùa Thu năm 2020 đến.

Ông Steve Pasierb, Giám đốc điều hành (CEO) của Hiệp hội ngành công nghiệp sản xuất đồ chơi, cho biết: “Tình hình hiện nay hoàn toàn không ổn định”, và hậu quả có thể sẽ rất lớn nếu bất ổn này tiếp diễn trong nhiều tháng.

* Hiệu ứng domino đối với các ngành công nghiệp sản xuất

Trong khi đó, phần lớn các hoạt động tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, nơi khởi nguồn của Corona và cũng là nơi loại virus chủng mới này đang hoành hành mạnh mẽ nhất, đã bị phong tỏa. Bên cạnh Vũ Hán là một số các thành phố lân cận, khiến hơn 50 triệu người và rất nhiều nhà máy bị cô lập.

Vũ Hán là “thủ phủ” của ngành công nghiệp sản xuất ô tô Trung Quốc. Cho đến nay, các nhà sản xuất ô tô của Mỹ vẫn chưa phải thu hẹp quy mô sản xuất vì sự thiếu hụt các phụ tùng có xuất xứ Trung Quốc.

Tuy nhiên, Giáo sư danh dự tại Khoa Quản lý chuỗi cung ứng của Đại học bang Michigan David Closs, cho biết đây chỉ là chuyện sớm muộn. Theo chuyên gia này, khả năng cầm cự chỉ có thể kéo dài trong từ hai đến ba tuần tới.

Báo cáo của nhóm nghiên cứu IHS Markit cho biết, việc đóng cửa một phần thành phố Vũ Hán đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất các tấm màn hình TV, khiến những sản phẩm này tăng giá đột ngột. Vũ Hán hiện sở hữu 5 nhà máy sản xuất màn hình tinh thể lỏng, còn được gọi là LCD, và màn OLED.

Cả hai sản phẩm này đều được sử dụng cho màn hình tivi và máy tính xách tay. Ngoài ra, Trung Quốc cũng là nơi đóng góp đến hơn 50% sản lượng toàn cầu trong lĩnh vực màn hình hiển thị.

David Hsieh, một nhà phân tích tại IHS Markit, cho biết trong một báo cáo rằng các nhà máy này đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt cả nhân lực lẫn các thành phần sản xuất chính khi họ thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Đây cũng là nguyên nhân khiến các sản phẩm màn hình hiển thị tăng giá mạnh.

Trong khi đó, nhà sản xuất điện thoại Motorola, cũng có một cơ sở ở Vũ Hán, đã tỏ ra lạc quan khi cho rằng những tác động của dịch bệnh do virus Corona gây ra sẽ được hạn chế giữa bối cảnh chuỗi cung ứng của hãng trên toàn cầu rất linh hoạt và hãng cũng sở hữu nhiều nhà máy trên khắp thế giới.

Trong một tuyên bố chính thức, đại diện Motorola cho biết, ưu tiên của hãng hiện giờ là đảm bảo là phúc lợi cho các nhân viên địa phương.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành Apple Tim Cook đã nói với các nhà phân tích vào tuần trước rằng nhiều nhà thầu của Apple tại Trung Quốc đã buộc phải kéo dài thời gian đóng cửa đối với các nhà máy trong kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán vừa qua.

CEO Tim Cook cho biết, Apple đang tìm cách giảm thiểu sự gián đoạn nguồn cung giữa bối cảnh một số nhà cung cấp của hãng đều có vị trí ở tỉnh Hồ Bắc, nơi dịch bệnh do virus Corona bùng phát. Trong khi đó, hầu hết linh kiện của sản phẩm iPhone và các thiết bị khác đều được sản xuất tại Trung Quốc.

* Tác động về kinh tế vĩ mô

Trong khi đó, các nhà kinh tế đang cân nhắc hạ triển vọng kinh tế Trung Quốc. Hai chuyên gia Tommy Wu và Louis Kuijs của hãng nghiên cứu Oxford Economics đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2020 từ 6% xuống còn 5,4%.

Theo các chuyên gia, phần lớn những thiệt hại sẽ được cảm nhận rõ rệt nhất trong ba tháng đầu năm 2020. Tuy nhiên sau đó, khả năng xảy ra những tác động nghiêm trọng và kéo dài hơn vẫn là có thể.

Các khó cho các nhà dự báo chính là sự tồn tại nhiều yếu tố khó lường. Không ai biết đợt bùng phát này sẽ kéo dài bao lâu hay thiệt hại sẽ là bao nhiêu, và các nhà hoạch định chính sách sẽ đối phó với mối đe dọa này như thế nào.

Nhìn lại sự bùng phát của Hội chứng Viêm Đường hô hấp cấp (SARS) hồi năm 2003, một số chuyên gia cho rằng sự kiện này đã khiến kinh tế Trung Quốc tê liệt trong vài tháng đầu năm.

Tuy nhiên, những thiệt hại đã nhanh chóng giảm đi và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng trưởng bùng nổ trở lại vào cuối năm, qua đó giúp nền kinh tế thế giới gần như “bình an vô sự”.

Tuy nhiên, thời thế đã thay đổi theo chiều hướng không mấy thuận lợi. Trong giai đoạn những năm 2000, Trung Quốc là “thiên đường” của hàng hóa giá rẻ toàn cầu - ví dụ như đồ chơi và giày thể thao.

Tuy nhiên giờ đây, nền kinh tế này đã chuyển sang sản xuất các bộ phận máy móc và thiết bị điện tử tinh vi như màn hình LCD, chiếm đến 16% sản lượng kinh tế toàn cầu, tăng đáng kể so với con số chỉ 4% của năm 2003.

* Khó chồng khó

Trong khi đó, Phil Levy, chuyên gia kinh tế trưởng của công ty vận tải hàng hóa Flexport và từng là cố vấn kinh tế trong Chính quyền của cựu Tổng thống George W. Bush, cho biết ông cảm thấy bất ngờ về cách mà Mỹ phản ứng trước dịch bệnh virus Corona, cụ thể là việc hoãn các chuyến bay giữa Mỹ và Trung Quốc Đại lục trong nhiều tuần.

Theo ông, động thái này của phía Washington không chỉ gây ảnh hưởng đến khách du lịch, sinh viên và các doanh nhân, mà còn gây ra tình trạng gián đoạn cho các dòng luân chuyển hàng hóa.

Cuộc khủng hoảng về dịch bệnh virus Corona chủng mới diễn ra vào thời điểm đặc biệt khó khăn của các nhà máy Trung Quốc. Cuộc chiến thương mại kéo dài 19 tháng với Mỹ - trong đó Chính quyền Tổng thống Trump đã áp thuế đối với 360 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc - đã khiến các tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ tìm kiếm những lựa chọn thay thế nguồn hàng đến từ Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, dịch bệnh do virus Corona gây ra, cùng với những quan ngại rằng căng thẳng thương mại và địa chính trị Mỹ - Trung sẽ tiếp tục tồn tại, đã cho các tập đoàn đa quốc gia thêm một lý do để giảm sự phụ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Mặc dù vậy, hoàn toàn từ bỏ thị trường Trung Quốc không phải là quyết định dễ dàng. Tại đây có các nhà cung cấp chuyên biệt, họ tập trung tại các trung tâm sản xuất và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà máy có được những bộ phận linh kiện khi cần.

Jay Foreman, Giám đốc điều hành của Basic Fun - một công ty sản xuất đồ chơi có trụ sở tại Boca Raton, bang Florida, cho biết trong kịch bản lạc quan nhất, ông hy vọng các nhà máy của Trung Quốc sẽ tiếp tục sản xuất vào đầu tháng Tư tới. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cảnh báo rằng sự chậm trễ có thể kéo dài đến sau ngày 1/5./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục