Thế khó của Tổng thống Mỹ sau thượng đỉnh Helsinki

18:21' - 20/07/2018
BNEWS Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga diễn ra tại thủ đô Helsinki của Phần Lan đã kết thúc từ hôm 16/7, nhưng bầu không khí rối loạn và sôi sục ở Washington sau cuộc gặp thì chưa hề có dấu hiệu sớm chấm dứt.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) bắt tay Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) tại Helsinki ngày 16/7. Ảnh: TTXVN phát

Sóng gió đã xuất hiện ngay sau những tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong cuộc họp báo kéo dài 45 phút vào cuối cuộc gặp, nhưng “cơn cuồng phong” chỉ thực sự nổi lên khi người đứng đầu nước Mỹ trong những ngày kế tiếp liên tục đưa ra những tuyên bố trái ngược nhau về nội dung và kết quả cuộc gặp.

Có thể nói cuộc gặp thượng đỉnh được dư luận quốc tế trông đợi như một cơ hội làm tan băng quan hệ lạnh giá giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới, lại đang làm chính trường Mỹ chao đảo và rạn nứt hơn bao giờ hết.

Trên thực tế thì những “đợt sóng ngầm” đã âm ỉ từ trước cuộc gặp lịch sử này. Không phải ngẫu nhiên mà ngay trước thềm cuộc gặp, Bộ Tư pháp Mỹ đã chính thức buộc tội 12 công dân Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, đồng thời nhà chức trách Mỹ cũng bắt giữ một công dân Nga với cáo buộc hoạt động gián điệp. Kèm theo đó là những lời kêu gọi Tổng thống Trump không nên tin tưởng Nga và cân nhắc hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Putin.

Một mặt, những động thái này được cho là đã “làm khó” Tổng thống Trump trước cuộc gặp, mặt khác, đây được coi như một sức ép mạnh mẽ rằng người đứng đầu nước Mỹ phải duy trì lập trường cứng rắn với Nga.

Rõ ràng một số thế lực trên chính trường Mỹ muốn ông Trump sử dụng cuộc gặp này như một cơ hội để chất vấn người đồng cấp Nga về cáo buộc liên quan sự can thiệp của Moskva vào cuộc bầu cử ở Mỹ.

Trong trường hợp này, những tuyên bố của Tổng thống Trump cho rằng những cáo buộc của cộng đồng tình báo Mỹ nhằm vào Nga là “sai lầm” và chính là nguyên nhân phá hỏng quan hệ giữa hai nước trong thời gian qua, chẳng khác gì “đòn đánh” trực tiếp gây những căng thẳng trên chính trường Mỹ.

Việc Tổng thống Trump xúc tiến cuộc gặp lịch sử với người đồng cấp Nga Putin từng được đánh giá là cách để ông chủ Nhà Trắng “ghi điểm” trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ. Với những gì Tổng thống Trump làm được từ khi nhậm chức tháng 1/2017, dư luận Mỹ có thể khắc họa hình ảnh một tổng thống kiên quyết bảo vệ lợi ích “Nước Mỹ trước tiên”, song cũng có cách tiếp cận khôn khéo để “hóa giải” những “mối quan hệ thù địch”, mà cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng 6 và nay là cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga, là những ví dụ điển hình.

Tuy nhiên, việc ông Trump khi về nước sau cuộc gặp ở Helsinki phải đối mặt với làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ truyền thông, các chính trị gia, giới lập pháp và kể cả các thành viên trong đảng Cộng hòa, cho thấy ông đã không thành công.

“Sai lầm”, “điều đáng hổ thẹn”, “không thể chấp chận được”, những ngôn từ gay gắt được các nghị sĩ Mỹ sử dụng khi đề cập tới “màn thể hiện” của ông Trump tại thượng đỉnh Helsinki, càng làm lộ rõ một thực tế rằng vấn đề liên quan Nga luôn là chủ đề gây tranh cãi tại Mỹ. Phản ứng của chính giới Mỹ cũng phản ánh những mâu thuẫn dai dẳng trong nội bộ nước Mỹ trong những vấn đề chủ chốt.

Những tuyên bố theo kiểu “chữa cháy” của ông Trump sau đó, đảo ngược nhiều phát ngôn về cuộc gặp thượng đỉnh Nga- Mỹ, chẳng những không xoa dịu được tình hình, ngược lại còn làm xấu thêm hình ảnh của một nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới vốn nổi tiếng với quyết định bất ngờ, những tuyên bố gây sốc...

Trước hội nghị, giới phân tích đã lo ngại rằng việc xem mình là “một nhà đàm phán đại tài”, vội vã tìm kiếm một kết quả để có thể tuyên bố về một cuộc gặp thành công, là một trong những rủi ro lớn nhất mà ông Trump phải đối mặt và trên thực tế mọi chuyện đã diễn ra như vậy.

Những tuyên bố của Tổng thống Trump còn làm dấy lên nhiều mối lo ngại và hoài nghi, rằng liệu có phải do bị Nga nắm giữ thông tin tình báo bất lợi mà ông chủ Nhà Trắng chịu bị Moskva “thao túng”.

Nội dung cụ thể những gì Tổng thống Trump đã thảo luận với Tổng thống Putin tại cuộc họp kín kéo dài hơn 90 phút chỉ với sự tham gia của phiên dịch và không có bất kỳ cố vấn nào, hay vấn đề an ninh của Mỹ giờ đây có được đảm bảo hay không, cũng đang bị đặt câu hỏi.

Có nhiều ý kiến cho rằng đằng sau quyết tâm mạnh mẽ cải thiện mối quan hệ với Nga là những toan tính chính trị của Tổng thống Trump.

Để đổi lấy một thỏa thuận ngầm mang tính chiến lược với kế hoạch kéo Nga vào một liên minh trong một số hồ sơ lớn, như vấn đề hạt nhân Triều Tiên, Trung Quốc hay Iran, mà Tổng thống Trump chấp nhận quan điểm của ông Putin trong nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến chỉ trích ông Trump đã đánh đổi lợi ích của nước Mỹ trong mối quan hệ với Nga.

Thái độ của chính giới Mỹ đối với cuộc gặp là “điềm báo” cho thấy mọi thỏa thuận giữa Nga và Mỹ tại cuộc gặp, kể cả trong các vấn đề liên quan lợi ích hai bên, đều rất khó được thực hiện.

Bản thân Tổng thống Trump từng hứng “búa rìu dư luận” khi trong thời gian tranh cử khi có những tuyên bố bày tỏ “cảm tình” với Tổng thống Nga Putin hay ngỏ ý muốn cải thiện quan hệ với Nga. Đây cũng những là yếu tố bị các đối thủ chính trị của ông khai thác để chỉ trích.

Hơn thế nữa, cuộc điều tra ở Mỹ về cáo buộc Nga can thiệp vào chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ vẫn được triển khai theo hướng Moskva “xâm nhập” các máy tính chủ của ứng cử viên đối lập Hillary Clinton và đảng Dân chủ để tạo lợi thế cho Tổng thống Trump, giúp ông đắc cử. Chính điều này càng khiến ông Trump “khó ăn khó nói” hơn trong các vấn đề liên quan tới Nga.

Sau những chính sách gây tranh cãi gần đây liên quan đến vấn đề nhập cư hay thuế quan, dường như cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ đang đẩy Tổng thống Trump vào tình thế khó khăn khi áp lực đối với ông ngày càng dồn dập. Điều này càng gây bất lợi khi mà người đứng đầu nước Mỹ đang tìm cách thu phục lá phiếu của cử tri cho các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang tới gần.

Nhiều chính trị gia còn cho rằng sau cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Nga, Tổng thống Trump đang làm “suy yếu nước Mỹ trở lại”.

Tranh cãi trên chính trường Mỹ xung quanh “chủ đề Nga” đang đẩy những người ủng hộ ông về phía đảng Dân chủ và điều này khiến quyền kiểm soát của đảng Cộng hòa ở cả Hạ viện và Thượng viện đang bị lung lay.

Diễn biến này chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới cũng như cuộc bầu cử năm 2020 mà Tổng thống Trump đã ngỏ ý tái tranh cử./.

>>>Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà Trắng đưa ra tuyên bố mâu thuẫn về Nga

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục