Thêm một công trình cung cấp điện năng trong mùa nắng nóng 2023

14:36' - 23/06/2023
BNEWS Việc đưa vào vận hành Dự án đã góp phần đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho khu vực tỉnh Hưng Yên, tạo ra mối liên kết mạnh giữa các khu vực trong hệ thống điện.

Sáng nay (23/6), tại Trạm biến áp 220 kV Yên Mỹ (Hưng Yên) đã diễn ra lễ gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 15 năm thành lập Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia - EVNNPT (1/7/2008 - 1/7/2023) và đại hội công đoàn EVNNPT lần thứ IV, nhiệm kỳ 2023-2028.

Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (NPMB) được EVNNPT giao quản lý đầu tư xây dựng dự án Trạm biến áp (TBA) 220 kV Yên Mỹ và đấu nối. Dự án được phát lệnh khởi công ngày 29/12/2019, hoàn thành đóng điện đưa vào vận hành ngày 11/3/2023 sau 14 tháng thi công.

 

Ông Phùng Bảo Anh, Phó Giám đốc NPMB cho biết, trong quá trình thực hiện dự án, mặc dù tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng, thi công xây lắp, cung cấp vật tư thiết bị bị ảnh hưởng rất nhiều do đại dịch COVID-19 trên địa bàn cả nước, đặc biệt giãn cách kéo dài trên địa bàn các xã Hoàn Long, Đồng Than, tỉnh Hưng Yên, nhưng với quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, NPMB đã chỉ đạo các phòng chuyên môn cử đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm, có trách nhiệm ngày đêm bám sát công trình, nghiên cứu và đề xuất nhiều giải pháp khoa học, khắc phục khó khăn, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các nhà thầu tham gia dự án tập trung nhân lực, vật lực, đẩy nhanh tiến độ thi công, đóng điện đưa dự án vào vận hành đúng tiến độ yêu cầu.

Ông Phùng Bảo Anh cho hay, trong quá trình thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, NPMB đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh Hưng Yên, sự ủng hộ và vào cuộc kịp thời của UBND huyện Yên Mỹ và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của UBND các xã Hoàn Long, Đồng Than cũng như sự ủng hộ của đại bộ phận các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án.

Đặc biệt, đội ngũ các nhà thầu Tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công xây lắp, nhà thầu cung cấp vật tư thiết bị, thí nghiệm hiệu chỉnh, đơn vị quản lý vận hành có năng lực chuyên môn, chuyên nghiệp, nhiệt tình với công việc, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành dự án theo yêu cầu của chủ đầu tư.

Mặc dù vậy, theo ông Bảo Anh, Dự án triển khai trong giai đoạn đại dịch COVID-19, giãn cách xã hội kéo dài trên địa bàn xã Hoàn Long và Đồng Than nên tiến độ bàn giao mặt bằng bị kéo dài. Bên cạnh đó, hiện trạng sử dụng đất của các hộ dân có sự sai lệch so với bản đồ địa chính, bản đồ trích lục dẫn đến việc xác định diện tích thửa đất của các hộ dân bị kéo dài.

Dự án được xây dựng tại địa bàn giáp ranh khu vực Hà Nội, giáp huyện Văn Giang (giá đất đền bù của Văn Giang cao hơn với địa bàn Yên Mỹ) nên khi vận động để người dân nhận tiền đền bù gặp rất nhiều khó khăn. Trong quá trình giải phóng mặt bằng, vẫn còn một số hộ dân chây ỳ, đòi hỏi những quyền lợi không đúng theo quy định, chậm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công...

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện dự án, NPMB phải phối hợp với Sở Giao thông vận tải Hưng Yên, Sở Công Thương, UBND huyện Yên Mỹ, UBND xã Đồng Than xử lý vướng mắc liên quan đến quy hoạch đường Vành đai 4 Thủ đô nên cũng bị ảnh hưởng một phần tiến độ.

Xác định trước những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án, NPMB đã rà soát chi tiết từng hạng mục, từng công việc để kịp thời đưa ra giải pháp xử lý đảm bảo tiến độ, chất lượng công việc. Theo đó, NPMB yêu cầu cán bộ đền bù bám địa bàn, phối hợp chặt chẽ, liên tục, hiệu quả với các cấp chính quyền tại địa phương; đi sâu tìm hiểu nguyên nhân, tâm tư, nguyện vọng của những hộ dân có khiếu nại để sớm giải quyết các vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, quản lý chặt chẽ hợp đồng cung cấp vật tư thiết bị; đôn đốc, hỗ trợ nhà thầu trong quá trình thực hiện hợp đồng để đảm bảo cung cấp hàng hóa đúng tiến độ hợp đồng; Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với nhà thầu để xử lý các phát sinh trên công trường.

Đặc biệt, NPMB tập trung đôn đốc các nhà thầu thi công các hạng mục của dự án theo tiến độ được duyệt. Trong quá trình thi công xây dựng, đôn đốc tư vấn giám sát kiểm soát chặt chẽ tiến độ, chất lượng, khối lượng và an toàn lao động vệ sinh môi trường;  Phối hợp chặt chẽ với tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế và các nhà thầu để kịp thời đưa ra giải pháp xử lý phát sinh trong quá trình thi công.

Dự án TBA 220 kV Yên Mỹ được đưa vào quy hoạch theo Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) và Quyết định số 4016/QĐ-BCT ngày 23/10/2017 của Bộ Công Thương về việc phê duyệt “Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016-2025 có xét đến năm 2035”.

Công trình có quy mô lắp đặt 2 máy biến áp 220 kV, công suất 250 MVA. Giai đoạn 1, lắp đặt 1 máy 220 kV, công suất 250 MVA. Trạm được đấu nối với hệ thống điện Quốc gia bằng đường dây 220 kV mạch kép dài 1,72 km đấu transit trên đường dây 220 kV Thường Tín - Phố Nối. Tổng mức đầu tư gần 273,4 tỷ đồng.

Tại lễ gắn biển, ông Nguyễn Tuấn Tùng, Chủ tịch HĐTV EVNNPT khẳng định: Việc đưa vào vận hành Dự án đã góp phần đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho khu vực tỉnh Hưng Yên, tạo ra mối liên kết mạnh giữa các khu vực trong hệ thống điện, tăng khả năng vận hành an toàn và ổn định cho hệ thống điện Quốc gia.

Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Tùng, sau 15 năm kể từ khi thành lập EVNNPT, EVNNPT đã hoàn thành đưa vào vận hành 662 công trình lưới truyền tải điện với nhiều dự án trọng điểm để giải tỏa công suất các nhà máy điện, đảm bảo cấp điện cho Thủ đô Hà Nội, miền Nam và các khu vực kinh tế trọng điểm trên cả nước; trong đó có nhiều dự án quan trọng do NPMB thực hiện như: Các đường dây 500 kV Sơn La - Hòa Bình - Nho Quan, Sơn La - Lai Châu, Quảng Ninh - Thường Tín, Tây Hà Nội - Thường Tín, Hiệp Hòa - Đông Anh; các TBA 500 kV như: Quảng Ninh, Tây Hà Nội, Đông Anh...

Hiện hệ thống truyền tải điện Quốc gia đã vươn tới tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước và kết nối với các nước trong khu vực (Trung Quốc, Lào, Campuchia) với tổng chiều dài đường dây tăng 2,45 lần (từ 12.015 km lên 29.431 km), tổng số trạm biến áp tăng 2,72 lần (từ 68 TBA lên 185 TBA), tổng dung lượng máy biến áp tăng 4,7 lần (từ 25.644 MVA lên 120.500 MVA). EVNNPT đã truyền tải tổng sản lượng điện là 2.180 tỷ kWh, với tốc độ tăng trưởng bình quân 7,74%/năm, qua đó đã góp phần quan trọng cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục