Thêm thu nhập nhờ nghề truyền thống thời vụ dịp Tết

17:30' - 08/02/2016
BNEWS Nghề làm bánh tráng, làm cốm gạo, cốm bắp dịp Tết đã giúp người dân ở vùng nông thôn huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang có thêm nguồn thu nhập để chuẩn bị một cái Tết đầm ấm cho gia đình.
Gia đình bà Trương Thị Nga ở huyện Châu Thành (Hậu Giang) có nghề làm bánh tráng hơn 15 năm nay. Ảnh: Xuân Dự/TTXVN

Khoảng hơn 2 tháng trước Tết, gia đình bà Trương Thị Nga ở xã Đông Phú đã tất bật người làm bánh tráng các loại để cung cấp cho người dùng trong dịp Tết, giúp tăng thêm thu nhập.

Bà Nga cho biết, trước đây bà đi làm tại một cơ sở và được dạy cách làm bánh nên mỗi dịp tết bà lại làm bánh tráng nhúng dùng để cuốn gỏi, cuốn cá, cuốn thịt và bánh tráng dừa, bánh tráng ngọt là những loại bánh tráng thường hay được mọi người sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán.

Bánh tráng phơi trên các tấm đan bằng lá dừa nước để giữ hình tròn, không có vết lồi lõm. Ảnh: Xuân Dự/TTXVN

Tuy chỉ làm trong dịp Tết nhưng bánh tráng của bà Nga được nhiều người biết đến hơn 15 năm nay do bánh có độ dày, mỏng phù hợp tùy theo từng loại, được tráng trên bếp củi, bánh tráng ra được đặt trên các tấm đan bằng lá dừa nước và phơi nắng trên các giàn cao.

Mỗi ngày gia đình bà Nga làm khoảng 1.000 bánh, bán theo chục (10 cái), bánh tráng nhúng có giá 12.000 đồng/chục, bánh tráng ngọt bán với giá 30.000 đồng/chục, bánh tráng dừa có giá lên đến 50.000 đồng/chục.

Bánh tráng của bà được nhiều người dân trong vùng tìm đến mua để dùng và thương lái ở các nơi mua về cung cấp cho đầu mối ở tỉnh Hậu Giang, thành phố Cần Thơ, mang lại thu nhập khoảng 200.000 đồng/ngày cho một người làm, còn gia đình bà Nga có thu nhập khoảng 15 triệu đồng trong một vụ làm bánh tráng dịp Tết.

Phơi bánh tráng trên giàn cao ven kênh để bánh khô giòn, giữ được lâu. Ảnh: Xuân Dự/TTXVN

Trong khi đó, vào những ngày này, căn bếp nhà bà Nguyễn Thị Cúc (xã Phú An) luôn đỏ lửa cho vụ làm cốm gạo, cốm bắp chuẩn bị cho dịp Tết.

Cũng như nhiều cơ sở làm cốm gạo, cốm bắp khác, nguyên liệu làm cốm gạo, cốm bắp truyền thống của gia đình bà gồm có gạo, bắp, đường, gừng, mạch nha, lạc, vừng nhưng do kinh nghiệm hơn 30 năm trong nghề nên bà Cúc có những bí quyết mang lại đặc trưng cho sản phẩm truyền thống của gia đình.

Bà Cúc cho biết, cốm gạo, cốm bắp đều có lạc, vừng, nhưng bà cho thêm lạc, vừng nhiều hơn các nơi khác để tạo độ thơm cho cốm, cho thêm nước cốt dừa trong quá trình làm nước đường tạo nên độ béo và mùi thơm.

Cốm mới làm ra ăn ngay thì dẻo và thơm, càng để lâu thì cốm càng trở nên giòn hơn, có thể sử dụng hơn 20 ngày.

Lúc nông nhàn thì làm khoảng 80 gói/ngày, dịp Tết thì làm hơn 150 gói/ngày, bán với giá 6.000 đồng/gói đối với cốm bắp và 12.000 đồng đối với cốm gạo, thu nhập trong mỗi vụ Tết từ 8 - 12 triệu đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục