Thị trường nhà ở Trung Quốc có thể xấu hơn trong năm nay

08:19' - 22/05/2024
BNEWS Cuộc thăm dò của hãng tin Reuters cho thấy giá nhà ở Trung Quốc sẽ giảm với tốc độ nhanh hơn trong năm nay do hoạt động đầu tư và bán bất động sản ngày một suy yếu.
Theo kết quả thăm dò, giá nhà mới tại Trung Quốc sẽ giảm 5% vào năm 2024, cao hơn đáng kể so với mức giảm 0,9% được đưa ra trong cuộc khảo sát trước đó vào tháng Hai. Giá có thể không thay đổi vào năm 2025, trái ngược so với dự báo tăng 0,5% trước đó.

 
Ngoài ra, kết quả thăm dò cho thấy doanh số bán bất động sản tại Trung Quốc có thể giảm 10% vào năm 2024, cao hơn mức dự báo sụt giảm 5,0% trong cuộc khảo sát trước đó. Đầu tư dự kiến cũng sẽ giảm 10,0% thay vì mức dự kiến giảm 6,1% trong cuộc thăm dò hồi tháng Hai.

Cuộc thăm dò được Reuters tiến hành từ ngày 10-17/5. Nhiều khả năng các chuyên gia được khảo sát ít cân nhắc tới thông báo của Trung Quốc hôm thứ Sáu tuần trước (17/5) về các biện pháp hỗ trợ nhằm ổn định thị trường bất động sản.

Trung Quốc cam kết tạo điều kiện tài trợ lên tới 1.000 tỷ NDT (138 tỷ USD) và giảm bớt các quy định thế chấp, trong khi việc chính quyền các địa phương chuẩn bị mua “một số” căn hộ chưa bán được. Nhiều nhà phân tích cho rằng đây là những động thái mạnh mẽ nhất của chính phủ nhằm hỗ trợ lĩnh vực này vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại.

Tuy nhiên, vẫn còn câu hỏi về các biện pháp mới nhất, đặc biệt là về việc thực thi và làm thế nào chính phủ có thể giúp giải quyết lượng nhà ở dư dôi trị giá hàng nghìn tỷ USD.

Kể từ khi thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng vào năm 2021, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ nhằm củng cố nhu cầu. Nhưng chúng chưa mang lại nhiều tác dụng.

Nhà phân tích cấp cao Xingping Wang của Fitch Bohua (công ty con tại Trung Quốc của cơ quan xếp hạng tín dụng toàn cầu Fitch Ratings) cho biết vẫn có khả năng Chính phủ Trung Quốc sẽ đưa ra các chính sách hỗ trợ mới nhằm kích thích doanh số bán nhà trong thời gian ngắn. Điều này sẽ giúp hạn chế tình trạng sụt giảm về doanh số bán bất động sản tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục