Thị trường bán lẻ trước sức ép doanh nghiệp ngoại Bài 3: Sản xuất "bắt tay" với phân phối

13:06' - 06/07/2016
BNEWS Việc xuất hiện ngày càng nhiều những nhà bán lẻ nước ngoài lớn tại thị trường sẽ giúp người tiêu dùng Việt Nam có nhiều sự lựa chọn hơn.
Khách chọn mua hàng tại siêu thị Coopmart, TP. Bạc Liêu. Ảnh: Vũ Sinh-TTXVN

Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc người tiêu dùng trong nước sẽ khó có cơ hội tiếp cận hàng hóa mang thương hiệu Việt.

Đã đến lúc các nhà bán lẻ và nhà sản xuất trong nước phải nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và phải liên kết mới giữ được khách hàng.

Tạo sự khác biệt cho hàng hóa

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, trong tương quan trên bàn đàm phán giữa nhà phân phối và nhà sản xuất, thế mạnh luôn nghiêng về phía chủ động và lợi thế hơn.

Muốn chiếm thế chủ động, sản phẩm hàng hóa của nhà sản xuất không chỉ đảm bảo chất lượng mà còn phải có tính độc đáo và khác biệt, được người tiêu dùng thừa nhận, lúc này nhà sản xuất không sợ lệ thuộc vào bất kỳ kênh phân phối nào.

Tuy nhiên, ông Hòa cho rằng, các doanh nghiệp trong nước phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, để làm được điều này cần có vai trò hỗ trợ của Nhà nước thông qua cơ chế kiểm tra kiểm soát thị trường, đặc biệt là việc cạnh tranh không lành mạnh giữa hàng hóa nước ngoài và hàng hóa trong nước đang diễn ra trong các siêu thị nước ngoài.

Đồng thời nhà nước có thể có những chính sách can thiệp nếu các doanh nghiệp lợi dụng ưu thế thị phần của mình để phân biệt đối xử hay để gây sức ép với doanh nghiệp khác.

Qua sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp Việt với doanh nghiệp ngoài nước thời gian qua ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, các doanh nghiệp trong nước đang có hướng vươn lên, đạt tiêu chuẩn cao để cạnh tranh, như mặt hàng nhựa có các doanh nghiệp nhựa Duy Tân, Đại Đồng Tiến... không chỉ đẩy lùi các mặt hàng nhựa Thái Lan mà còn lấn sân qua các thị trường Campuchia, Myanmar.

Rõ ràng các doanh nghiệp này biết đầu tư máy móc thiết bị, chọn ra những sản phẩm tốt vẫn có thị trường để hoạt động, cạnh tranh được với hàng ngoại nhập.

Gốc rễ của vấn đề là sản phẩm làm ra phải được người tiêu dùng chấp nhận nên theo ông Hưng, các doanh nghiệp trong nước cần đánh giá lại sản phẩm của mình, từ chất lượng sản phẩm, bao bì, giá cả phải cạnh tranh được với các yêu cầu khắc nghiệt của thị trường.

Để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy quản trị, tăng cường đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, tận dụng lợi thế hiểu biết nhu cầu của người Việt, từ đó đưa ra sản phẩm phù hợp, giá cả cạnh tranh để hàng hóa có thể vào được các kênh phân phối trong và ngoài nước; đồng thời chủ động tìm hướng mới, tìm ngách riêng, một hướng đi khác biệt.

Vai trò của Nhà nước sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội địa mở rộng mặt bằng, phát triển mạng lưới, đầu tư đổi mới công nghệ để tạo ra những sản phẩm chất lượng, có tính cạnh tranh cao.

Tập trung và triển khai đề án phát triển ngành bán lẻ Việt Nam trong đó hình thành những doanh nghiệp bán lẻ chủ lực, đủ lực để phát triển và thậm chí có thể tham gia vào quá trình mua bán và sáp nhập, đóng vai trò dẫn dắt và hỗ trợ cho vấn đề khởi nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ.

Liên kết để giữ thị trường

Để giữ thị trường, ngoài việc tạo sự đột phá, khác biệt cho sản phẩm, việc liên kết giữa nhà bán lẻ và nhà sản xuất sẽ giúp cả hai bên kịp thời khắc phục những khó khăn và tìm được tiếng nói chung là điều rất cần thiết trong lúc này.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Tổng giám đốc Sài Gòn Co.op cho biết, dù đang chịu nhiều áp lực cạnh tranh trên thị trường bán lẻ nhưng đơn vị luôn cam kết đồng hành và liên kết với các nhà sản xuất hàng Việt, hiện có trên 90% hàng hóa tại hệ thống siêu thị Co.opmart là của doanh nghiệp trong nước.

Saigon Co.op cũng tiếp tục nghiên cứu và phát triển nhanh loại hình thương mại điện tử, các cửa hàng tiện lợi để phát triển mạng lưới ngày càng sâu rộng cùng với doanh nghiệp sản xuất Việt đứng vững trên thị trường.

“Với làn sóng hàng hóa ngoại vào thị trường nội địa, Saigon Co.op cũng sẽ có chọn lọc, với những hàng hóa cùng chủng loại, cùng chất lượng, cùng giá trị sử dụng chúng tôi sẵn sàng ưu tiên hàng Việt, hoặc trong quá trình trưng bày, quảng bá để người tiêu dùng tiếp cận được nhanh nhất đối với hàng Việt”, bà Thủy khẳng định.

Việc liên kết giữa nhà bán lẻ và nhà sản xuất sẽ giúp cả hai bên khắc phục những khó khăn, Ảnh: Vũ Sinh-TTXVN

Hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng đang tính đến việc liên kết để tự xây dựng điểm bán hàng tránh phụ thuộc, hay liên kết với nhà phân phối để tìm giải pháp tối ưu.

Chẳng hạn như Bibica hiện đang sở hữu 125.000 điểm bán hàng và vẫn phát triển tốt nhờ vào kênh bán hàng không qua siêu thị. Bibica cho biết sẽ sẵn sàng ngồi lại với các doanh nghiệp để hình thành một công ty về phân phối.

Ông Trương Phú Chiến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bibica cho rằng, các doanh nghiệp ở những ngành hàng khác nhau vẫn có thể cùng xây dựng hình thành một hệ thống phân phối để đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng.

Từ đó, mỗi nhà phân phối có thể phối hợp với nhau trên một hệ thống quản lý và trên một phương tiện vận chuyển sẽ giúp giảm chi phí và doanh nghiệp kiểm soát được hệ thống phân phối, khả năng bán hàng của mình, thậm chí sẽ nắm bắt được thị hiếu nhu cầu của người tiêu dùng một cách trực tiếp ở khắp các tỉnh thành.

Đó là lợi thế rất lớn nếu các doanh nghiệp nhỏ biết liên kết lại với nhau.

Mới đây tập đoàn Vingroup ký kết hợp tác với 250 doanh nghiệp sản xuất, cung ứng hàng hóa cho hệ thống bán lẻ của Vingroup trên toàn quốc.

Đây được xem là động thái tích cực giữa nhà sản xuất và nhà phân phối Việt.

Trước sức ép cạnh tranh ngày càng lớn, việc các doanh nghiệp liên kết, san sẻ lợi ích để hỗ trợ nhau phát triển là điều rất cần thiết trong điều kiện doanh nghiệp trong nước chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn và các công ty thành viên sẽ triển khai các gói giải pháp hỗ trợ như ưu đãi về phân phối, tăng cường hiện diện thương hiệu của doanh nghiệp trong hệ sinh thái hàng hóa, dịch vụ của Vingroup.

Riêng các doanh nghiệp cung ứng thực phẩm sẽ được hưởng chiết khấu 0% khi tiêu thụ hàng hóa qua hệ thống bán lẻ của tập đoàn.

Tuy nhiên, để tham gia chương trình các sản phẩm phải là sản phẩm sạch, an toàn, phải được các hệ thống kiểm định chất lượng công nhận và chứng minh được nguồn gốc…

Ngoài ra, Công ty cổ phần Thế giới di động cũng là một điển hình của thương hiệu bán lẻ, phân phối Việt khi liên tục mở rộng mạng lưới với tốc độ khá nhanh trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt hiện nay.

Hiện Thế giới di động đã phủ sóng thị trường đến mọi miền của đất nước với hơn 600 điểm bán.

Kế hoạch phát triển trong năm 2016, Thế giới di động đặt ra mục tiêu 850 – 1.000 điểm bán trên cả nước.

Sự mở rộng mạng lưới không chỉ giúp người tiêu dùng các vùng miền có điều kiện tiếp cận những sản phẩm công nghệ mới mà còn khẳng định sự phát triển ổn định, bền vững của doanh nghiệp này, khẳng định doanh nghiệp Việt vẫn có cơ hội chiếm lĩnh thị trường và niềm tin đối với người tiêu dùng trong nước./.

Xem thêm:

Thị trường bán lẻ trước sức ép doanh nghiệp ngoại: Bài 1: Khi doanh nghiệp ngoại lấn sân

Thị trường bán lẻ trước sức ép vốn ngoại Bài 2: Vì sao thị trường nông thôn bị bỏ trống

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục