Thị trường bất động sản cần “thông” để khỏe

16:21' - 16/07/2024
BNEWS Để thị trường bất động sản Việt Nam thực sự ổn định và phát triển trở lại cần thiết phải “thông cầu, thông cung”. Gỡ được điểm tắc nghẽn này, đưa cung – cầu gặp nhau sẽ giúp thị trường “đổi sắc”.

Các bộ Luật: Đất đai năm 2024, Nhà ở năm 2023, Kinh doanh bất động sản năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, sớm hơn 5 tháng so với quyết định trước đó. Khi các bộ luật này có hiệu lực thực thi, tâm lý "chờ đợi" sẽ được tháo bỏ, giúp thị trường “khỏe” và phát triển ổn định.

Theo PGS. TS Trần Đình Thiên - thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng để thị trường bất động sản Việt Nam thực sự ổn định và phát triển trở lại, rất cần một chữ “thông” trong đó đặc biệt cần thiết phải “thông cầu, thông cung”. Gỡ được điểm tắc nghẽn này, đưa cung – cầu gặp nhau sẽ giúp thị trường “đổi sắc”.

Chuyên gia này cũng đề xuất những giải pháp cấp bách; trong đó, đầu tiên phải phải giải quyết nhanh và dứt điểm vướng mắc về thể chế để không kìm hãm nhịp phục hồi của thị trường.

 

Việc tiếp theo cần làm là “thông” các nguồn lực và có biện pháp thúc đẩy, tạo cơ hội để cả doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và khách hàng, nhà đầu tư có cơ hội tiếp cận nguồn vốn thuận lợi với mức lãi suất thật sự hỗ trợ, tạo động cơ tăng trưởng và phát triển mới.

Cùng đó, cần xem xét giải pháp cải thiện mức lương tối thiểu để người dân có cơ hội tăng thu nhập, từ đó cầu cũng tăng lên. Đồng thời, tiếp tục thực hiện giải pháp thu hút dòng đầu tư để duy trì và thúc đẩy phân khúc bất động sản công nghiệp, thương mại và du lịch, nghỉ dưỡng– ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Đặc biệt, theo ông Thiên, quan trọng nhất là các giải pháp này cần được thực hiện một cách đồng bộ. Nút thắt nào có cơ hội được giải tỏa thì giải tỏa ngay để tránh mất đà phục hồi của thị trường; trong đó, khơi thông vốn cho thị trường bất động sản chính là khâu trọng yếu.

Liên quan đến thời hạn hiệu lực sớm của các luật “xương sống” liên quan đến bất động sản, Tiến sỹ Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết luật để đảm bảo những quy định này sớm đi vào thực tế.

Có như vậy, việc đẩy sớm thời gian có hiệu lực của các bộ luật mới thực sự có ý nghĩa. Bên cạnh đó, cần sớm có giải pháp phục hồi thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhằm giảm áp lực về tài chính cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản; sớm có giải pháp phát triển nhà ở xã hội như chỉ đạo của Ban Bí thư; sớm bắt tay xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin để đất đảm bảo có đủ căn cứ định giá đất và các hoạt động liên quan khác...

Đồng quan điểm, Tiến sỹ Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cũng cho rằng, cần phải hoàn thiện pháp lý với quy trình, thủ tục tinh giản, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể hoạt động trên thị trường tiếp cận nhưng vẫn đảm bảo là công cụ để quản lý, giám sát hoạt động của thị trường.

Đối với các chính sách hỗ trợ tài khóa, tiền tệ đang chưa được như kỳ vọng, đặc biệt, hỗ trợ chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội cần được phân bổ công bằng cho các lĩnh vực kinh doanh; trong đó có doanh nghiệp chủ đầu tư dự án và nhà đầu tư thứ cấp trên thị trường.

Về phía doanh nghiệp cũng cần nỗ lực tái cấu trúc, phát triển bất động sản hợp túi tiền, nhu cầu của người dân. Đặc biệt, phân khúc nhà ở xã hội, cần có cái nhìn mới, theo hướng là kết cấu hạ tầng quan trọng của quốc gia – ông Võ Trí Thành đề xuất.

Để các bộ luật vừa được thông qua thực sự đem lại tác động tích cực cho thị trường bất động sản Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong lưu ý, các văn bản hướng dẫn Luật phải thật sự “chất lượng”, cụ thể, chi tiết, đảm bảo thuận lợi để các đối tượng tiếp cận và thực hiện theo. Các cơ quan chức năng cần hiểu đúng để có thể vận dụng chính xác trong quá trình thực hiện.

Cần đảm bảo sự công khai, tính minh bạch trong quá trình triển khai và tiếp tục đón nhận ý kiến phản biện từ đối tượng để hoàn thiện. Từ đó, đảm bảo tính hiệu quả trong quá trình thực thi. Đồng thời, cần nghiêm minh, nếu phát hiện sai phạm phải xử lý đúng và kịp thời.

Các chuyên gia cùng chung nhận xét, thời gian tới, quan trọng nhất là tiếp tục củng cố niềm tin của người dân; tăng tính hấp dẫn của các sản phẩm bất động sản và cần có chính sách hỗ trợ tốt hơn với phân khúc nhà ở xã hội.

Khi các bộ luật có hiệu lực thực thi, tâm lý "chờ đợi" sẽ được tháo bỏ. Các chủ thể trên thị trường bắt đầu "rục rịch" chuyển động. Doanh nghiệp phát triển bắt đầu “cuộc đua” gỡ nút thắt cùng cơ quan quản lý Nhà nước. Các chủ đầu tư cũng tự tin hơn với việc tung hàng mới ra thị trường. Cùng đó, nhà đầu tư có niềm tin trở lại; môi giới, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới cũng thay đổi và đáp ứng các quy định mới…

Theo đánh giá của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, trên nền tảng sự ổn định về tăng trưởng của nền kinh tế, thị trường bất động sản quý II nói riêng và nửa đầu năm 2024 nói chung tiếp tục ghi nhận những kết quả phục hồi tích cực.

Từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn đang bám sát tiến trình phục hồi với một số điểm sáng nổi bật như: nhiều dự án nhà ở mới được mở bán, có kết quả giao dịch tốt trên 70%; giá căn hộ chung cư tại hai đô thị đặc biệt liên tục thiết lập mặt bằng cao.

Nhà ở xã hội, nhà ở giá bình dân vốn đã “nóng” lại càng trở nên cấp thiết khi xảy ra hàng loạt vụ hỏa hoạn tại các khu chung cư mini, khu nhà trọ. Đất nền một số khu vực “nóng” nhưng cũng có một số khu vực có dấu hiệu “thổi giá”. Sức hấp dẫn của bất động sản công nghiệp ngày càng được khẳng định, xuất hiện nhiều doanh nghiệp có tiềm lực muốn “lấn sân”…

Bất động sản đóng góp tới 12 - 14% GDP, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của hơn 40 ngành nghề và có mối liên quan chặt chẽ với sự phát triển của ngành xây dựng, là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế. Do đó, việc thúc đẩy thị trường bất dộng sản cũng là chìa khóa hỗ trợ ổn định và tạo động lực tăng trưởng kinh tế cả năm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục