Thị trường châu Á phiên 2/4: Giá dầu tăng nhờ triển vọng nhu cầu cải thiện từ Mỹ và Trung Quốc

17:44' - 02/04/2024
BNEWS Trong phiên chiều 2/4 tại châu Á, giá dầu Brent tăng 58 xu Mỹ, lên 88 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI tăng 58 xu Mỹ, lên 84,29 USD/thùng, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 27/10 trong phiên trước.
*Giá dầu tăng nhờ tín hiệu tích cực từ kinh tế Mỹ và Trung Quốc

Giá dầu tại thị trường châu Á đi lên trong phiên giao dịch 2/4 nhờ những dấu hiệu cho thấy nhu cầu có thể cải thiện Trung Quốc và Mỹ, hai quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, cũng như mối lo ngại ngày càng tăng về xung đột ngày càng leo thang ở Trung Đông.

 
Chiều phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 6/2024 tăng 58 xu Mỹ, lên 88 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ giao tháng 5/2024 tăng 58 xu Mỹ, lên 84,29 USD/thùng, sau khi đạt mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 27/10 trong phiên trước đó.

Ông Yeap Jun Rong, chiến lược gia thị trường IG cho biết: “Các chất xúc tác giúp nâng đỡ giá dầu tiếp tục tăng lên, với điều kiện kinh tế mạnh hơn dự kiến ở Trung Quốc và Mỹ mang đến triển vọng nhu cầu lạc quan hơn. Trong khi căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông tiếp tục nóng lên”.

Hoạt động sản xuất trong tháng 3/2024 ở Trung Quốc đã tăng trưởng lần đầu tiên sau 6 tháng và hoạt động này tại Mỹ cũng tăng trưởng lần đầu tiên sau 1 năm rưỡi.  Điều này có thể dẫn đến nhu cầu dầu tăng trong năm nay. Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và là nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, trong khi Mỹ là nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.

Căng thẳng ở Trung Đông kéo dài làm dấy lên lo ngại về tác động đến nguồn cung dầu. Các nhà phân tích của ANZ nói: “Cho đến nay, thị trường năng lượng không lo lắng về sự gián đoạn nguồn cung khi cuộc xung đột vẫn được kiềm chế. Tuy nhiên, sự tham gia của Iran có thể khiến nguồn cung dầu của nước này bị đe dọa”.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, được gọi là OPEC+, sẽ tổ chức một cuộc họp trực tuyến của Ủy ban giám sát chung cấp bộ trưởng vào ngày 3/4 để đánh giá thị trường và việc thực hiện cắt giảm sản lượng của các thành viên.

*Giá vàng neo dưới mức cao kỷ lục

Phiên 2/4, giá vàng tại thị trường châu Á dao động dưới mức cao kỷ lục vừa đạt được trong phiên trước đó, giữa bối cảnh đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tiếp tục tăng mạnh sau khi dữ liệu kinh tế mạnh mẽ của Mỹ làm dấy lên hoài nghi về việc liệu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thực hiện ba lần cắt giảm lãi suất trong năm nay hay không.

Cuối phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,2%, lên mức 2.253,94 USD/ounce, thấp hơn  mức cao nhất mọi thời đại là 2.265,49 USD/ounce vừa đạt được vào phiên 1/4. Giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ tăng 0,8% lên 2.274,60 USD/ounce.

Ông Tim Waterer, nhà phân tích thị trường trưởng tại KCM Trade, nói: “Vàng đã đạt được mức giá cao kỷ lục mới, mặc dù xu hướng này đi kèm với một số điều kiện mua quá mức, dẫn đến sự giảm nhẹ. Tuy nhiên, những đợt giảm giá gần đây của vàng về bản chất là không lớn do những người mua tiềm năng đang chờ đợi để có cơ hội gia nhập thị trường tốt hơn”.

Mức tăng của vàng đã bị hạn chế phần nào khi đồng USD đạt mức cao nhất trong 4 tháng rưỡi, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đang giao dịch gần mức cao nhất trong hai tuần, sau khi dữ liệu cho thấy hoạt động sản xuất của Mỹ tăng lần đầu tiên trong 1 năm rưỡi vào tháng 3/2024.

Theo Công cụ FedWatch của CME Group, các nhà giao dịch đã giảm tỷ lệ đặt cược về việc cắt giảm lãi suất của Fed trong tháng 6/2024 xuống 59% sau dữ liệu này.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cuối tuần trước cho biết dữ liệu lạm phát mới nhất của Mỹ không làm suy yếu triển vọng cơ bản của Fed, song cho biết rằng với nền kinh tế đang trên đà vững chắc, Mỹ có thể “không cần phải vội vàng cắt giảm lãi suất”.

Cũng trong phiên này, tại thị trường Việt Nam, chiều 2/4, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 79,30 - 81,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

*Chứng khoán châu Á khởi sắc

Chứng khoán châu Á tăng điểm trong phiên giao dịch chiều 2/4, giữa bối cảnh đồng USD tăng giá, giữ cho đồng yen bám sát mức giá 152 yen/USD, khiến các nhà giao dịch lo ngại về khả năng Chính phủ Nhật Bản can thiệp vào thị trường.

Kết thúc phiên này, tại thị trường Tokyo của Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 35,82 điểm, tương đương 0,09%, lên 39.838,91 điểm.

Tại thị trường Seoul của Hàn Quốc, chỉ số Kospi đóng cửa tăng 5,30 điểm, tương đương 0,19%, lên 2.753,16 điểm, nhờ cổ phiếu công nghệ tăng mạnh trong bối cảnh đồn đoán gia tăng rằng Fed sẽ đẩy lùi thời gian cắt giảm lãi suất.

Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 2,4%, lên 16.931,52 điểm. Tuy nhiên, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 0,1%, xuống 3.074,96 điểm.

Tại thị trường Việt Nam, chốt phiên 2/4, chỉ số VN-Index tăng 5,52 điểm lên 1.287,04 điểm. HNX-Index cũng đóng cửa trong sắc xanh, tăng 3,01 điểm lên 245,9 điểm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục