Thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ cùng lên điểm

08:26' - 06/07/2017
BNEWS Giá cổ phiếu ngành công nghệ được xem là một điểm sáng trên bản đồ chứng khoán ngày 5/7.

Thị trường chứng khoán toàn cầu đi lên trong phiên ngày 5/7, song nhìn chung vẫn đang chịu áp lực do những lo ngại về việc CHDCND Triều Tiên tuyên bố đã thử nghiệm thành công công nghệ đưa đầu đạn quay trở lại khí quyển trong lần phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hôm 4/7. Tuy nhiên, giá cổ phiếu ngành công nghệ lại là một điểm sáng trên bản đồ chứng khoán.

Thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ cùng lên điểm. Ảnh minh họa: TTXVN
Giá cổ phiếu của các “đại gia” ngành công nghệ, trong đó có Amazon, Alphabet- công ty mẹ của Google, và Microsoft đều tăng hơn 1% trong bối cảnh giới đầu tư tiếp tục tận dụng sự suy yếu thất thường trong lĩnh vực này.

Thông tin trên đã giúp đưa chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,7% lên 6.150,86 điểm và chỉ số S&P 500 tăng 0,2% lên 2.432,54 điểm. Tuy nhiên, chỉ số công nghiệp Dow Jones hạ 0,1% xuống 21.478,17 điểm.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu chỉ tăng điểm nhẹ. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 giao dịch tại London (Anh) nhích 0,1% lên 7.367,60 điểm, còn chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) và chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) cũng có cùng tăng 0,1% lên lần lượt là 12.453,68 điểm và 5.180,10 điểm. Tuy nhiên, chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 hạ 0,1% xuống 3.479,21 điểm.

Những lo ngại về Triều Tiên đã gây sức ép lên các nhà đầu tư. Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) Nikki Haley tuyên bố những hành động gây bất ổn của Triều Tiên đang làm tiêu tan hy vọng về một giải pháp ngoại giao và có thể buộc Mỹ phải sử dụng hành động quân sự.

Bà Haley cho biết thêm trong vài ngày tới, Mỹ sẽ đề xuất một số biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên. Bà Haley nhấn mạnh rằng vụ thử tên lửa hôm 4/7 của Bình Nhưỡng rõ ràng là hành vi leo thang quân sự, đồng thời cảnh báo Washington sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp, kể cả sức mạnh quân sự nếu cần thiết, để tự bảo vệ nước Mỹ cũng như các đồng minh.

Chuyên gia phân tích Naeem Aslam thuộc Think Markets nhận định: căng thẳng địa chính trị vẫn là một mối đe dọa chính đối với sự ổn định toàn cầu và tình hình kinh tế và các nhà đầu tư sẽ không bỏ qua yếu tố này.

Bên cạnh đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản cuộc họp mới nhất cho thấy sự bất đồng giữa các nhà hoạch định chính sách về thời điểm nâng lãi suất vào năm tới và khung thời gian để giảm dần khoản tiền đầu tư vào trái phiếu hàng nghìn tỷ USD mà Fed đang nắm giữ.

Xem thêm:

>>>Chương trình tên lửa của CHDCND Triều Tiên

>>>Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên: Ba nước lớn nhất trí có biện pháp cứng rắn

>>>Dự kiến sự kiện kinh tế từ ngày 5/7-14/7

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục