Thị trường dầu mỏ thế giới khép lại tuần giao dịch đầy biến động

12:20' - 04/06/2016
BNEWS Trong phiên cuối cùng khép lại tuần giao dịch đầy biến động, giá dầu thế giới đi xuống sau khi có tin số lượng giàn khoan tại Mỹ tăng và số liệu kém khả quan phát đi từ thị trường lao động nước này.
Giá dầu WTI chấm dứt chuỗi ngày tăng đầy ấn tượng. Ảnh: Reuters
Trong phiên cuối cùng khép lại tuần giao dịch đầy biến động, giá dầu thế giới đi xuống sau khi có thông tin số lượng giàn khoan tại Mỹ tăng lên và số liệu kém khả quan phát đi từ thị trường lao động nước này làm giới đầu tư lo ngại về triển vọng của nhu cầu năng lượng. 

Mặt khác, sự kiện chi phối diễn biến trên thị trường “vàng đen” trong tuần này là cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), vừa diễn ra tại Vienna ở Áo. Kết quả cuộc họp đúng như dự đoán của giới phân tích: Các quốc gia thành viên OPEC không tìm được tiếng nói chung trong việc đưa ra một mức trần sản lượng. 

Trong phiên 4/6, giá dầu được hưởng lợi nhờ đồng USD yếu đi sau khi Mỹ thông báo số lượng việc làm mới trong tháng Năm tăng chậm nhất trong gần sáu năm qua. Tuy nhiên, giá vàng đen quay đầu giảm vào cuối phiên, do thông báo trên "gửi đi" tín hiệu tiêu cực đối với nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Bên cạnh đó, tâm lý thị trường càng dè dặt sau khi có thông tin tính tới ngày 4/6, số lượng giàn khoan dầu khí đang hoạt động tại Mỹ đã tăng 9 giàn so với tuần trước đó, lên 325 giàn khoan, theo công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes. 

Cụ thể, khép lại phiên cuối tuần, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 7/2016 giảm 55 xu Mỹ, tương đương 1,1%, xuống 48,62 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 8/2016 cũng hạ 40 xu (hay 0,8%), xuống 49,64 USD/thùng. 

Tính chung cả tuần này, giá dầu ngọt nhẹ WTI và dầu Brent lần lượt hạ 1,4% và 0,6%. Đây cũng là tuần ghi dấu tuần giảm giá đầu tiên của dầu WTI trong suốt một tháng qua. 

Các chuyên gia nhận xét số liệu việc làm yếu có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trì hoãn kế hoạch tăng lãi suất và làm giảm giá trị của đồng bạc xanh, một yếu tố có lợi cho giá dầu. Tuy nhiên, triển vọng ảm đạm của cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới có thể ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ, trong khi quyết định không khống chế sản lượng của các quốc gia thành viên OPEC sẽ tiếp tục gây áp lực lên giá “vàng đen”. 

Theo các nhà phân tích, bất chấp việc không đạt được sự đồng thuận về chính sách chung, cả Iran và Saudi Arabia đều đạt được những mục tiêu của hai nước này tại cuộc họp lần này. Sản lượng dầu của Iran vẫn không bị giới hạn, trong khi chính sách của Saudi Arabia để cho thị trường tự cân bằng cung cầu vẫn được thực hiện.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục