Thị trường dầu mỏ trầm lắng trước thềm cuộc họp của OPEC

11:40' - 01/06/2024
BNEWS Chốt phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tháng 7/2024 đã giảm 24 xu Mỹ, tương đương 0,3%, xuống còn 81,62 USD/thùng.

Giá dầu thế giới đi xuống trong phiên giao dịch ngày 31/5, do các nhà đầu tư đã thu hẹp giao dịch để chờ thêm thông tin về cuộc họp của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, diễn ra ngày 2/6.

 

Chốt phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tháng 7/2024 đã giảm 24 xu Mỹ, tương đương 0,3%, xuống còn 81,62 USD/thùng. Giá dầu loại này giao kỳ hạn tháng 8/2024 có tính thanh khoản cao hơn, giảm tới 77 xu Mỹ, tương đương 0,8%, dừng ở mức 81,11 USD/thùng. Trong khi, dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 92 xu Mỹ, tương đương 1,2%, có giá bán 76,99 USD/thùng.

Tính chung cả tuần, giá dầu Brent Biển Bắc giảm tổng cộng 0,6% và giá dầu WTI giảm 1%. Hôm đầu tuần (27/5) giá dầu Brent Biển Bắc “neo” trên mốc 82 USD/thùng sau khi giảm 2,2% trong tuần trước và chạm mức thấp nhất kể từ đầu tháng Hai.

Một ngày sau đó, giá cả hai loại dầu chuẩn phổ biến nhất thế giới đều phục hồi nhẹ, nhưng tiếp tục đi xuống hôm 29/5 do lo ngại nhu cầu xăng của Mỹ yếu đi và số liệu kinh tế dưới kỳ vọng có thể khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) duy trì lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn.

Chuyên gia cao cấp Matt Smith tại công ty phân tích dữ liệu thị trường Kpler cho biết: “Đã có sự lo lắng trước cuộc họp của OPEC vào cuối tuần này”. Ông nói thêm, phần lớn các nhà đầu tư dự đoán OPEC sẽ tiếp tục gia hạn lệnh cắt giảm sản lượng cho tới cuối năm nay.

Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) hôm 31/6 cho biết sản lượng dầu thô của nước này đã tăng lên mức cao nhất của năm vào tháng Ba, trong khi sản phẩm nhiên liệu được cung cấp, đại diện cho nhu cầu, giảm 0,4% xuống còn 19,9 triệu thùng mỗi ngày.

Trong những tuần gần đây, thị trường dầu mỏ thế giới liên tục chịu áp lực do ước đoán Fed sẽ không sớm cắt giảm lãi suất. Điều này gây hạn chế nhu cầu dầu và thu hẹp nguồn cung.

Các nhà đầu tư đang theo dõi sát sao Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân lõi (PCE) của Mỹ, thước đo lạm phát ưa thích của Fed, dự kiến công bố ngày 31/5 (theo giờ Mỹ), và chỉ số giá tiêu dùng mới nhất của khu vực đồng euro (Eurozone), một dữ liệu quan trọng trước cuộc họp chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) diễn ra vào ngày 6/6.

Các nhà phân tích tại công ty môi giới tài chính ActivTrades cho biết, xu hướng tìm tới các tài sản rủi ro của các nhà đầu tư đã bị giảm bớt do triển vọng nới lỏng chính sách tiền tệ ở Mỹ và châu Âu bị trì hoãn.

Dự báo trong những tuần tới, cả hai loại dầu chuẩn chính trên các thị trường đều hướng tới mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 12/2023.

Các nhà phân tích của ngân hàng Citi nhận định: “Mùa du lịch Hè của Mỹ đã bắt đầu, kể từ Lễ Tưởng niệm ngày 27/5, với những dấu hiệu ban đầu cho thấy hoạt động đi lại nhộn nhịp hơn – nhưng việc sử dụng nhiên liệu có vẻ trầm lắng hơn, có thể là do hiệu quả sử dụng năng lượng đã tăng lên đáng kể”.

Ông John Kilduff, đối tác tại công ty quản lý tài sản Again Capital, cho biết: “Giá xăng dự kiến sẽ giảm, nhưng việc các nhà máy lọc dầu nỗ lực tăng công suất đã làm cạn kiệt lượng dầu tồn kho” và “nhu cầu xăng vẫn đang ở mức khá tốt, ước tính đã tăng lên gần 9,5 triệu thùng/ngày”.

Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết trong bản báo cáo phát hành ngày 31/5 rằng các công ty năng lượng Mỹ giữ số giàn khoan dầu và khí đốt ổn định ở mức 600 trong tuần tính đến ngày 31/5. Cụ thể, số giàn khoan dầu đang hoạt động giảm 1 giàn xuống 496 giàn trong tuần này, trong khi số giàn khoan khí đốt đang hoạt động tăng 1 giàn lên 100 giàn.

Trong cả tháng Năm, tổng số giàn khoan đang hoạt động của Mỹ đã giảm tháng thứ ba liên tiếp, ít hơn 13 giàn so với tháng Hai.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục