Thị trường dầu mỏ trồi sụt trước hoài nghi về một thỏa thuận cắt giảm sản lượng

06:09' - 22/02/2016
BNEWS Thị trường năng lượng trồi sụt bất nhất trong suốt tuần qua, khi giới đầu tư thấp thỏm chờ đợi thông tin từ các cuộc đàm phán giữa các nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới.
Thị trường dầu mỏ trồi sụt trước hoài nghi về một thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Ảnh: channelnewsasia

Thị trường năng lượng trồi sụt bất nhất trong suốt tuần qua, khi giới đầu tư thấp thỏm chờ đợi thông tin từ các cuộc đàm phán giữa các nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới về việc tiến tới một thỏa thuận chung nhằm ổn định thị trường “vàng đen” đang dôi dư.

Mặc dù đi lên trong phiên đầu tuần (ngày 15/2) nhờ hy vọng vào một giải pháp kiềm chế nguồn cung dầu mỏ sẽ được đưa ra tại cuộc họp không chính thức giữa Nga, Saudi Arabia, Venezuela và Qatar vào ngày 16/2 ở thủ đô Doha của Qatar.

Tuy nhiên, giá dầu thế giới đã quay đầu giảm ngay trong phiên giao dịch sau đó, khi Nga và Saudi Arabia nhất trí giữ nguyên sản lượng khai thác dầu thô ở mức như tháng Một vừa qua với điều kiện các nhà sản xuất lớn khác cũng phải tuân theo quyết định này nhằm ổn định thị trường dầu mỏ thế giới.

Tuyên bố trên cho thấy khả năng tìm được giải pháp cho bài toán dôi dư nguồn cung dai dẳng vẫn còn rất xa vời.

Nếu cuộc họp tại Doha được đánh giá là chưa làm hài lòng thị trường bởi giới đầu tư “vàng đen” kỳ vọng về động thái cắt giảm chứ không phải "đóng băng" mức trần sản lượng, thì ngay trong ngày 17/2, một cuộc gặp khác giữa Bộ trưởng Dầu mỏ Iran, Bijan Zanganeh và đại diện của một số nước thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) lại diễn ra tại Tehran nhằm thuyết phục nước chủ nhà tham gia một thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu để cứu vãn giá thành của mặt hàng này.

Thông tin này đã giúp thị trường năng lượng phục hồi, và dù không nhận được bất cứ cam kết cắt giảm sản lượng nào từ Iran, song theo chuyên gia John Kilduff từ Again Capital, cuộc đàm phán trên cho thấy các nhà sản xuất dầu mỏ đã sẵn sàng ngồi lại để bàn về kế hoạch hạn chế nguồn cung, và điều này có thể thúc đẩy một thỏa thuận cắt giảm sản lượng trong thời gian tới.

Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu không duy trì được lâu, khi mà "vàng đen" liên tiếp giảm trong hai phiên giao dịch cuối tuần, giữa bối cảnh thị trường ngày càng hoài nghi về triển vọng đàm phán giữa các "ông lớn" trong ngành dầu mỏ thế giới xung quanh vấn đề hạn chế sản lượng.

Ngày 18/2, Ngoại trưởng Saudi Arabia, Adel al-Jubeir, cho biết quốc gia sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới này chưa sẵn sàng cho bất kỳ kế hoạch cắt giảm sản lượng nào.

Động thái này đã "dội gáo nước lạnh" vào những hy vọng mong manh của giới đầu tư về sự thu hẹp nguồn cung sau thỏa thuận “đóng băng” sản lượng mà nước này đạt được với Nga và một số nhà sản xuất dầu mỏ khác.

Ngoài ra, tình trạng thừa mứa nguồn cung dầu còn trở nên căng thẳng hơn sau khi Bộ Năng lượng Mỹ (DoE) cho hay kho dầu dự trữ của nước này trong tuần kết thúc ngày 12/2 đã tăng thêm 2,1 triệu thùng, trong khi dự trữ xăng và các chế phẩm dầu mỏ khác cũng đầy lên.

DoE cũng đưa ra cảnh báo về việc giá dầu trong trung hạn sẽ còn chịu nhiều áp lực hơn từ các nhà sản xuất ở vùng Vịnh Mexico khi những nước này cho biết sẽ tiếp tục nâng sản lượng trong vòng hai năm tới bất chấp giá dầu sụt giảm.

Bộ này dự báo, sản lượng trung bình tại các nước khu vực này sẽ đạt tới mức 1,63 triệu thùng/ngày trong năm nay và tăng lên mức 1,91 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2017.

Mặc dù báo cáo hàng tuần của công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho thấy lượng giàn khoan đang hoạt động của Mỹ đã giảm tuần thứ chín liên tiếp trong tuần này, song thông tin đó không đủ để giúp thị trường thay đổi cục diện.

Kết thúc phiên cuối tuần ngày 19/2, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 3/2016 giảm 1,13 USD, xuống 29,64 USD/thùng.

Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 4/2016 cũng mất 1,27 USD, xuống 33,01 USD/thùng. Như vậy, tính chung cả tuần qua, giá dầu ngọt nhẹ WTI chỉ tăng nhẹ 0,7%, còn giá dầu Brent hạ 1,1%.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục