Thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam: Dần hoàn thiện để nâng vị thế

20:10' - 30/08/2024
BNEWS Việt Nam đang là thị trường giao dịch hàng hóa có tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực.

Sau hơn một thập kỷ hình thành và phát triển, thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam đã trải qua những bước tiến dài, ngày càng khẳng định vị thế của mình trên bản đồ quốc tế. Đến nay, thị trường đã phát triển mạnh mẽ, mở rộng không chỉ về quy mô mà còn về chất lượng và tầm ảnh hưởng. Đây là minh chứng cho sự đổi mới và hội nhập mạnh mẽ của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu.

 

*Giao dịch sôi động, thu hút dòng tiền

Theo thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), trong 8 tháng năm 2024, có gần 5.000 tài khoản giao dịch được mở mới, nâng tổng số tài khoản trên thị trường lên gần 35.000 tài khoản. Dòng tiền liên tục đổ về thị trường, giúp giá trị giao dịch trung bình đạt hơn 5.000 tỷ đồng/ngày. Trong đó, ngày 19/4, MXV ghi nhận giá trị giao dịch lớn nhất tại Việt Nam từ trước tới nay, đạt gần 11.000 tỷ đồng.

Ông Đặng Việt Hưng, Tổng giám đốc MXV cho biết: “Sau 6 năm được Bộ Công Thương cho phép liên thông giao dịch với thế giới, thị trường đã được “cởi trói” và có những bước phát triển mạnh mẽ. Với định hướng tự chủ về hạ tầng công nghệ, MXV đã liên tục nâng cấp hệ thống giao dịch, cải tiến các tính năng tự động hóa, giúp các doanh nghiệp và nhà đầu tư nâng cao hiệu quả khi giao dịch liên thông với thế giới. Hệ thống M-System được các chuyên gia quốc tế đánh giá là một trong những nền tảng tốt nhất về giao dịch hàng hóa trong khu vực. Hệ thống có thể đáp ứng khối lượng giao dịch cao gấp hàng chục lần so với hiện nay, mà vẫn đảm bảo sự ổn định và thông suốt”.

Năm 2021, giao dịch hàng hóa chủ yếu là sân chơi của các nhà đầu tư lớn do mức ký quỹ của các hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn đều rất cao. Có những thời điểm, mặt hàng có ký quỹ thấp nhất tại MXV cũng yêu cầu số vốn đầu tư trên 30 triệu đồng/hợp đồng. Tuy nhiên, kể từ sau khi MXV triển khai giao dịch các hợp đồng năng lượng mini và micro từ tháng 11/2021, giao dịch hàng hóa đã trở nên phù hợp hơn với các tài khoản có số vốn nhỏ. Điều này giúp giao dịch hàng hóa trở thành một kênh đầu tư phổ biến hơn, kéo dòng tiền đổ về thị trường.

Kết quả giao dịch của các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước đang ngày càng tốt hơn, là hệ quả của cả một quá trình hình thành và phát triển thị trường một cách bài bản, quy mô và chuyên nghiệp, ông Đặng Việt Hưng cho biết thêm.

Từ năm 2023, MXV đã tập trung nghiên cứu và tạo nền móng xây dựng các Sàn Giao dịch hàng hóa chuyên biệt đối với các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như cà phê, cao su, điện... Đây là một trong những kế hoạch trọng tâm của MXV trong giai đoạn 2023 – 2028, giúp phát triển thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế. 

“Các Sàn Giao dịch hàng hóa chuyên biệt sẽ giúp giải quyết nhiều bài toán đối với từng mặt hàng cụ thể. Nhưng tựu chung lại, sẽ giúp hoạt động sản xuất và thương mại của Việt Nam trở nên minh bạch, hiện đại, tạo tiền đề cho sự phát triển đột phá trong tương lai. MXV sẽ tích cực phối hợp với các đối tác để từng bước đưa các Sàn Giao dịch hàng hóa chuyên biệt vào vận hành”, ông Đặng Việt Hưng khẳng định.

Sau thời gian dài cùng nghiên cứu và hợp tác, MXV và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã đi đến giai đoạn thử nghiệm hệ thống Sàn Giao dịch cao su Việt Nam. Trong quý III/2024, MXV và VRG sẽ phối hợp hoàn thiện các quy trình, quy định phục vụ việc giao dịch sản phẩm cao su Việt Nam. Dự kiến quý IV/2024, mặt hàng này sẽ chính thức được niêm yết và giao dịch.

Sàn Giao dịch cao su sẽ giúp giá mua bán được minh bạch, công khai; giúp các doanh nghiệp mở rộng, tạo thêm các mối liên kết trong ngành; nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm cao su Việt Nam. Phương thức giao dịch hiện đại, nhanh chóng, chính xác sẽ từng bước giúp thị trường cao su trong nước bắt kịp tốc độ phát triển của thị trường thế giới.

Ngoài ra, kể từ tháng 8/2023, MXV đã phối hợp cùng Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng các sở, ngành khác tại TP. Hồ Chí Minh để xây dựng Sàn Giao dịch thịt heo TP. Hồ Chí Minh.

Ông Đặng Việt Hưng cho biết: “Mô hình Sàn Giao dịch với công nghệ và cách vận hành hiện đại này được kỳ vọng sẽ giúp cả người chăn nuôi và người tiêu dùng không bị thao túng giá, quyền lợi được bảo vệ; chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm được nâng cao. Đồng thời quy mô ngành công nghiệp chăn nuôi của TP. Hồ Chí Minh sẽ từng bước đi vào chiều sâu”.

*Nâng cao vị thế

Để nâng cao vị thế của Việt Nam trên thị trường giao dịch hàng hóa quốc tế, MXV đã tích cực hợp tác với các đối tác là các Sở Giao dịch, Tập đoàn công nghệ, tài chính hàng đầu thế giới. Các đối tác đều khẳng định Việt Nam đang là thị trường giao dịch hàng hóa có tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực, đồng thời ghi nhận rằng thành công này là kết quả của quá trình tổ chức hoạt động một cách bài bản và chuyên nghiệp.

Từ năm 2023, MXV và Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago (CME Group) đã thống nhất chiến lược phát triển nguồn nhân lực đạt tiêu chuẩn quốc tế cho thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam thông qua việc tổ chức các hội thảo chuyên biệt thường niên. Theo đó, CME Group đã cử các chuyên gia hàng đầu thế giới đến chia sẻ, cập nhật các thông tin, xu hướng giao dịch mới nhất trên thị trường giao dịch hàng hóa thế giới đến tất cả các chuyên gia, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, đại diện CME Group cũng đã có những buổi làm việc tích cực với Bộ Công Thương để hoạch định chiến lược phát triển cũng như chia sẻ, tham vấn về khung hành lang pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thị trường.

Cùng đó, vào tháng 4/2024, MXV đã có chuyến thăm và làm việc với các Sở Giao dịch hàng hóa lớn tại Trung Quốc, bao gồm Sở Giao dịch Hàng hóa Đại Liên (DCE), Sở Giao dịch Kỳ hạn Thượng Hải (SHFE) và Sở Giao dịch Vàng Thượng Hải (SGE). Các đối tác đều khẳng định, với quan hệ song phương Việt Nam – Trung Quốc đang được Chính phủ hai nước thúc đẩy một cách toàn diện, việc hợp tác với MXV sẽ là chiến lược trọng tâm của các Sở Giao dịch hàng hóa tại Trung Quốc trong thời gian tới. Đặc biệt, với vị thế là Sở Giao dịch hàng đầu tại thị trường sản xuất thịt heo lớn nhất trên thế giới, Sở DCE đã hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm để MXV có thể tổ chức và vận hành thật tốt Sàn Giao dịch thịt heo tại TP. Hồ Chí Minh.

So với quãng thời gian 14 năm hình thành, thị trường giao dịch hàng hóa mới chỉ thực sự phát triển kể từ năm 2018 tới nay. Nghị định 51/2018/NĐ-CP đã tháo nút thắt quan trọng nhất khi cho phép thị trường Việt Nam được giao dịch liên thông với các Sở Giao dịch trên thế giới. Đây là bước ngoặt giúp hoạt động giao dịch trở nên minh bạch và chuyên nghiệp, thu hút sự đầu tư rất lớn từ các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước. 

Tuy vậy, đại diện MXV cho hay, trong một thị trường liên thông với toàn thế giới, các chính sách được đặt ra cần phải bắt kịp với diễn biến trên toàn cầu. Bên cạnh đó, sự đồng bộ trong chính sách cũng là một yêu cầu tất yếu, không chỉ riêng quy định về tổ chức hoạt động của MXV mà còn của các bộ ngành khác có liên quan như chính sách thuế, chế độ hạch toán kế toán, quy định về quản lý ngoại hối hay các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia bảo hiểm giá nguyên liệu.

"Với vai trò là Cơ quan quản lý Nhà nước liên quan đến hoạt động giao dịch hàng hóa, Bộ Công Thương luôn bám sát hoạt động để có những chính sách kịp thời với diễn biến thị trường, phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế, nhưng vẫn đảm bảo công tác Quản lý Nhà Nước đối với hoạt động này", ông Đặng Việt Hưng cho biết. 

Hiện nay, Bộ Công Thương đang triển khai xây dựng Nghị định mới, thay thế cho Nghị định 158/2006/NĐ-CP và Nghị định 51/2018/NĐ-CP. Nghị định này sẽ được điều chỉnh phù hợp với thực tiễn để hoạt động giao dịch hàng hóa thực sự được "cởi trói" và phát triển đúng với tiềm năng của thị trường, là bệ phóng giúp nền kinh tế Việt Nam vươn tầm trong khu vực và quốc tế. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục