Thị trường lao động Mỹ tiếp tục khởi sắc

08:46' - 01/04/2022
BNEWS Bộ Lao động Mỹ cho biết số người Mỹ nhận trợ cấp thất nghiệp thường xuyên đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong hơn 5 thập niên qua.

Ngày 31/3, Bộ Lao động Mỹ cho biết số người Mỹ nhận trợ cấp thất nghiệp thường xuyên đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong hơn 5 thập niên qua, cho thấy thị trường lao động của nền kinh tế đầu tàu thế giới tiếp tục khởi sắc.

 

Số liệu được bộ trên công bố cho thấy trong tuần kết thúc vào ngày 19/3, số người nhận trợ cấp thất nghiệp được bảo hiểm, đã được điều chỉnh theo mùa, là 1,307 triệu người, mức thấp nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 27/12/1969, khi con số này là 1,304 triệu người.

Con số trên cho thấy thị trường lao động Mỹ đã phục hồi mạnh mẽ như thế nào sau khi tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên mức chưa từng có kể từ cuộc suy thoái khi đại dịch COVID-19 bùng phát cách đây 2 năm.

Cũng theo bộ trên, sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong 5 thập niên trong tuần kết thúc vào ngày 19/3, số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước đã tăng 14.000 người lên 202.000 người, cao hơn một chút so với dự báo của các nhà phân tích.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đặt ra mối đe dọa đối với thị trường lao động khi gây ra gián đoạn chuỗi cung ứng và giá xăng tăng cao. Tuy nhiên, các nhà kinh tế vẫn lạc quan về thị trường lao động và nền kinh tế sẽ sớm thoát khỏi tác động này.

Vào cuối tháng 1, có 11,3 triệu công việc được tuyển dụng tại Mỹ, với 1,8 công việc tuyển dụng cho 1 người thất nghiệp. Mức chênh lệnh giữa nhu cầu lao động và nguồn cung này đang thúc đẩy việc tăng lương, do vậy, góp phần làm tăng lạm phát ở nước này.

Cùng ngày, Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo cho thấy trong tháng 2 vừa qua. người tiêu dùng nước này đã chi tiêu ít hơn và tiết kiệm nhiều hơn trong bối cảnh giá một loạt hàng hóa tăng vọt ngay cả khi thu nhập của họ tiếp tục tăng.

Cụ thể, Chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) đã tăng 0,2% trong tháng trước, thấp hơn dự đoán của các nhà phân tích và "yếu" hơn nhiều so với mức tăng 2,7% đã được điều chỉnh vào tháng 1.

Thu nhập tăng 0,5% do tiền lương tăng nhưng giá hàng hóa lại tăng 0,6% so với tháng 1 và 6,4% so với tháng 2/2021, trong đó giá năng lượng và thực phẩm tăng mạnh nhất. Cụ thể, giá thực phẩm tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá năng lượng tăng vọt 25,7%.

Các chuyên gia cho rằng kết quả mới nhất trên có thể là chỉ dấu cho khả năng FED sẽ tăng lãi suất nhiều lần trong năm nay để khống chế giá cả leo thang.

Nhà kinh tế Lydia Boussour tại Oxford Economics nhận định người tiêu dùng Mỹ sẽ phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn trong những tháng tới khi giá cả của các mặt hàng như thực phẩm, năng lượng hay tiền thuê nhà tăng cao, khiến họ phải thắt chặt chi tiêu và chuyển sang tiết kiệm.

Tuy nhiên, lương tăng, tỷ lệ thất nghiệp thấp và tiền tiết kiệm được tích lũy có thể bù đắp một phần chi phí phát sinh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục