Thị trường nông sản tuần qua: Giá cà phê giảm mạnh

16:42' - 20/09/2020
BNEWS Tuần qua (ngày 14/9 đến 19/9), giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long, giá tiêu ở Tây Nguyên có xu hướng ổn định. Tuy nhiên, giá cà phê lại giảm khá mạnh từ 1.300-1.400 đồng/kg, so với cuối tuần trước.

Thị trường nông sản trong nước:

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá lúa tươi thường tại tỉnh dao động từ 5.800 - 6.100 đồng/kg, tương đương tuần trước; các loại lúa chất lượng ổn định, cụ thể Jasmine từ 6.100 - 6.300 đồng/kg, lúa OM từ 5.950 - 6.300 đồng/kg.

Về gạo, giá gạo thường từ 10.00 - 11.500 đồng/kg, gạo Jasmine từ 15.000 - 15.500 đồng/kg, gạo trắng thông dụng 11.500 đồng/kg, gạo Nhật 22.500 đồng/kg…

Theo nhận định của các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh, xuất khẩu gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long, hiện giá lúa ở mức cao, tạo cơ hội tốt cho nông dân cũng như đơn vị chế biến xuất khẩu gạo.

Hiện lúa Hè Thu thu hoạch sắp hết mùa, lúa Thu Đông sớm chỉ mới bắt đầu thu hoạch ở một số địa phương nên nguồn cung trong nước giảm, trong khi các nước nhập khẩu gia tăng dự trữ do ảnh hưởng của dịch COVID-19… Từ đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng lên và dự báo tiếp tục tăng cao thời gian tới.

Một số địa phương trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã bắt đầu thu hoạch lúa Thu Đông sớm. Năng suất lúa tươi đạt trên 6 tấn/ha, tăng khoảng 0,6 tấn/ha so với cùng kỳ năm 2019. Giá lúa cũng ở mức cao, OM 5451 bán với giá 5.600 - 5.700 đồng/kg; Ðài thơm 8 có giá 5.900 đồng/kg; nếp 6.000 đồng/kg…  Được mùa, được giá nên lợi nhuận trồng lúa năm nay cao hơn so với vụ mùa năm trước.

Thời gian tới, lúa Thu Đông ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ thu hoạch rộ, cung cấp sản lượng lớn cho tiểu thương, doanh nghiệp thu mua xuất khẩu.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103/2020/NĐ-CP quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo thơm sang thị trường này.

Kỳ vọng các doanh nghiệp nhanh chóng tận dụng những ưu đãi mà Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đem lại với hạn ngạch 80.000 tấn gạo các loại; trong đó có 30.000 tấn gạo thơm.

Bị tác động mạnh khi tâm lý đầu cơ trở nên tiêu cực trước biến động thất thường của thị trường tài chính thế giới và tin đồn nguồn cung dư thừa khiến giá cà phê trên thị trường giảm. Ở trong nước, giá cà phê cũng lao dốc theo.

Theo Diễn đàn của người làm cà phê, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên ngày 19/9 giảm xuống dao động trong khung 31.900 – 32.300 đồng/kg. Với mức giá này, giá cà phê đã giảm khá mạnh, khoảng 1.300 - 1.400 đồng/kg so với cuối tuần trước.

Có lẽ bởi giá cộng với nguồn cung khan hiếm, khi các thương nhân đang chờ đợi mùa vụ mới bắt đầu vào tháng tới nên giao dịch mặt hàng này khá trầm lắng.

Tại cảng Tp. Hồ Chí Minh, giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.482 USD/tấn, với mức chênh lệch cộng 90 – 100 USD/tấn theo giá kỳ hạn tháng 1/2021 tại London.

Việt Nam đã chính thức xuất khẩu cà phê sang thị trường EU theo Hiệp định EVFTA. Theo Hiệp định EVFTA, toàn bộ các sản phẩm cà phê bao gồm chưa rang, đã rang, các loại cà phê chế biến đều được xóa bỏ thuế về 0%.

Đồng thời, EU cam kết bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho cà phê Việt Nam. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho ngành cà phê Việt Nam tại thị trường EU.

Với lợi thế này, cùng với việc ngành cà phê Việt Nam sẽ đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của thị trường EU, đặc biệt các tiêu chuẩn về chất lượng và phát triển bền vững, cà phê Việt Nam sẽ “cất cánh” xa hơn, trở thành điểm tham chiếu cho cà phê Robusta toàn cầu.

Về tiêu, theo Tin Tây Nguyên, giá tiêu tại khu vực trọng điểm Tây Nguyên giao dịch ở quanh mức 47.500 – 50.000 đồng/kg, tương đương với tuần trước. Ngưỡng cao nhất tại Bà Rịa – Vũng Tàu đã chạm mức 50.000 đồng/kg. Gia Lai chốt mức thấp nhất là 47.500 đồng/kg.

Thị trường nông sản thế giới:

Trên thị trường nông sản Mỹ: trong phiên giao dịch ngày 18/9, tại Sàn giao dịch nông sản Chicago (CBOT) của Mỹ, giá hầu hết các mặt hàng nông sản đều tăng, dẫn đầu là lúa mì.

Cụ thể, giá ngô giao tháng 12/2020 tăng 3,25 xu Mỹ (tương đương 0,37%) lên 3,405 USD/bushel khi đóng cửa.

Trong khi đó, giá lúa mỳ giao tháng 12/2020 chốt phiên với mức tăng 18,75 xu Mỹ (3,37%) lên 5,75 USD/bushel. Giá đậu tương giao tháng 11/2020 tiến 15 xu (1,46%), lên 10.435 USD/bushel khi kết thúc phiên giao dịch (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Theo công ty nghiên cứu thị trường AgResource (có trụ sở tại Chicago), việc Trung Quốc tiếp tục mua đậu tương của Mỹ trong khi năng suất đậu tương lại thiếu chắc chắn đã giúp giá mặt hàng nông sản này tăng cao. Nông dân tại khu vực Biển Đen không sẵn sàng bán ra giữa bối cảnh tình trạng hạn hán nghiêm trọng kéo dài và thời gian gieo hạt tối ưu cho lúa mì vụ đông sẽ khép lại vào đầu tháng Mười.

AgResource cho biết, Trung Quốc đã đảm bảo có thêm 132.000 tấn đậu tương và 210.000 tấn ngô được giao cho nước này trong giai đoạn 2020-2021.

Về thị trường gạo châu Á: nhu cầu gạo từ các nhà xuất khẩu gạo lớn của châu Á giảm trong tuần này. Bangladesh ngừng nhập khẩu gạo ngay cả khi nguồn cung của nước này không đạt mục tiêu đề ra do lũ lụt phá hủy mùa màng.

Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ trong tuần này tăng lên 387-394 USD/tấn từ mức 383-389 USD/tấn của tuần trước đó.

Tính tới tuần trước, nông dân Ấn Độ đã trồng lúa trên 40,2 triệu ha đất, tăng 7,6% so với một năm trước. Tại nước láng giềng Bangladesh, nơi đang phải vật lộn với nguồn cung gạo cạn kiệt và giá gạo nội địa tăng đột biến do lũ lụt và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, lượng thu mua gạo trong nước của Bangladesh đã giảm gần 1 triệu tấn so với mục tiêu 1,95 triệu tấn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục