Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa giảm mạnh, giá cà phê có xu hướng tăng

10:32' - 20/06/2021
BNEWS Trong tuần qua, giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng giảm mạnh, đặc biệt ở những địa phương bước vào thu hoạch lúa Hè Thu.

Trong khi đó, giá cà phê trong nước không có biến động mạnh, giao dịch chủ yếu quanh mốc 34.000 đồng/kg.

Về tình hình giá lúa tại thị trường trong nước, theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, giá lúa ở một vài địa phương bước vào thu hoạch lúa Hè Thu có sự giảm mạnh.

Tại Cần Thơ, lúa Jamine giảm 400 đồng/kg còn 6.500 đồng/kg, lúa OM 4218 giảm 300 đồng/kg còn 6.300 đồng/kg, lúa IR 50404 cũng giảm 300 đồng/kg còn ở mức 6.100 đồng/kg.

Hiện nông dân tại thành phố Cần Thơ bắt đầu bước vào vụ thu hoạch lúa Hè Thu năm 2021 trong bối cảnh giá lúa trên thị trường đang có chiều hướng giảm, dẫn đến lợi nhuận ít hơn cùng kỳ năm trước.

Trong khi, vụ Hè Thu năm nay gặp phải thời tiết nắng nóng kéo dài, dịch bệnh khiến lúa giảm năng suất, cộng thêm giá các loại phân bón tăng mạnh từ đầu năm dẫn đến chi phí sản xuất tăng.

Vụ Hè Thu 2021, nông dân trên địa bàn thành phố Cần Thơ xuống giống hơn 75.000 ha lúa, vượt 4,1% so với kế hoạch. Dự kiến sẽ có 70% diện tích lúa Hè Thu của địa phương được thu hoạch xong trong tháng 6.

Còn tại An Giang, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, giá lúa tươi như: IR50404 từ 5.200 - 5.400 đồng/kg, Đài thơm 8 từ 5.900 – 6.000 đồng/kg, OM 5451 là 5.400 -5.500 đồng/kg, lúa Nhật từ 7.500 - 7.600 đồng/kg. Với giá lúa tươi hiện nay so với cuối tháng 5 đã giảm từ 500 – 700 đồng/kg.

Trong khi đó, giá lúa khô trên địa bàn tỉnh trong tuần qua vẫn giữ ổn định. Cụ thể, giá lúa khô IR 50404 là 7.000 đồng/kg, Nàng Nhen từ 11.500 – 12.000 đồng/kg.

Tại An Giang giá một số mặt hàng gạo  có sự ổn định. Giá gạo thường dao động từ 11.500 – 12.500 đồng/kg, gạo Nhật là 17.000 đồng/kg, nếp từ 14.000 – 15.000 đồng/kg, gạo Jasmine 14.000 đồng/kg, riêng gạo Hương Lài 17.000 đồng/kg.

Tại Sóc Trăng, giá lúa vẫn ổn định, như: Đài thơm 8 là 8.400 đồng/kg; ST24 là 8.400 đồng/kg; RVT là 7.450 đồng/kg, OM 4900 là 8.200 đồng/kg…

Về mặt hàng cà phê, giá cà phê ở khu vực Tây Nguyên trong tuần qua không có nhiều biến động, tăng/giảm nhẹ từ 100 - 200 đồng/kg so với cuối tuần trước.

Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, giá cà phê tại Lâm Đồng từ 33.100 – 33.200 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg so với cuối tuần trước; tại Kon Tum, Gia Lai, giá cà phê cùng 34.000 đồng/kg.

Theo tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực lên thị trường cà phê EU trong ngắn hạn. Dự báo giá cà phê sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới do nguồn cung hạn chế khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến hoạt động thông quan hàng hóa.

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang EU trong ngắn hạn sẽ gặp khó khăn do diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19. Về dài hạn, dung lượng thị trường nhập khẩu cà phê của EU rất lớn, do đó, ngành hàng cà phê Việt Nam còn nhiều cơ hội để khai thác thị trường tiềm năng lớn này.

Trong khi giá lúa ở trong nước giảm thì trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu của nhiều nước cũng cùng xu hướng này.

Cụ thể, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ trong tuần này giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 5/2021 do đồng rupee yếu đi. Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được giao dịch ở mức từ 374 - 379 USD/tấn, giảm so với mức từ 379 - 383 USD/tấn trong tuần trước, do đồng rupee mất giá xuống mức thấp nhất trong hơn một tháng qua.

Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm từ 455 - 484 USD/tấn trong tuần trước giảm xuống còn từ 440 - 486 USD/tấn trong tuần này. Nhiều nhà giao dịch cho rằng nguồn cung được dự báo gia tăng nhờ các trận mưa, đã ảnh hưởng xấu đến giá gạo. Ngoài ra, một số nhà giao dịch nhận định chi phí vận chuyển gia tăng tiếp tục là yếu tố khiến giá gạo ở mức cao.

Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng nhẹ lên mức từ 483-487 USD/tấn, so với mức từ 480-485 USD/tấn của tuần trước. Một thương lái có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Các nhà nhập khẩu đang chuyển hướng sang các thị trường khác (Thái Lan và Ấn Độ) mua gạo 5% tấm để được hưởng giá thấp, tuy nhiên vẫn có một số đang mua gạo thơm Jasmine từ Việt Nam".

Ngoài ra, một thương lái khác cho hay tình trạng thiếu hụt container vẫn đang diễn ra và gây khó khăn đối với hoạt động vận chuyển ngũ cốc.

Tại thị trường nông sản Mỹ, giá các mặt hàng nông sản trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) của Mỹ đều tăng mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 18/6, dẫn đầu là mặt hàng ngô.

Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 12/2021 tăng 33,75 xu Mỹ (6,34%) lên 5,6625 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 9/2021 tăng 22,75 xu Mỹ (3,54%) lên 6,6575 USD/bushel, còn giá đậu tương giao tháng 11/2021 tăng 60,25 xu Mỹ (4,81%) lên 13,13 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Giá nông sản kỳ hạn CBOT tăng cao do Trung Quốc bắt đầu chương trình thu mua nông sản trong mùa vụ mới từ khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương. Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago lưu ý rằng trong mùa vụ mới, ngô và đậu tương là những loại ngũ cốc dẫn đầu xu hướng tăng giá.

Theo AgResource, Trung Quốc đã đặt mua từ 6 - 8 chuyến hàng đậu tương của Mỹ. Đây sẽ là lần đầu tiên Trung Quốc mua đậu tương của Mỹ trong những tuần gần đây và có khả năng bắt đầu một đợt thu mua kéo dài. AgResource vẫn nhận định rằng Trung Quốc sẽ đặt và nhập khẩu khoảng từ 40 - 44 triệu tấn đậu tương của Mỹ trong niên vụ 2021/2022.

Thị trường cà phê thế giới cho thấy, giá cà phê phiên 19/6 tăng. Theo đó, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 7/2021 tăng 15 USD/tấn ở mức 1.584 USD/tấn, giao tháng 9/2021 tăng 18 USD/tấn ở mức 1.616 USD/tấn.

Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 7/2021 tăng 0,2 xu Mỹ/lb ở mức 149,75 xu Mỹ/lb, giao tháng 9/2021 tăng 0,15 xu Mỹ/lb ở mức 151,75 xu Mỹ/lb (1 lb=0,4535 kg).

Sau phiên điều chỉnh giảm mạnh, giá cà phê đã lấy lại được đà tăng. Nguyên nhân chủ yếu do tỷ giá đồng USD giảm giúp các sàn hàng hóa và kim loại phục hồi. Phiên vừa qua cũng là ngày các thị trường bước vào thời điểm thông báo giao hàng đầu tiên.

Trước đó, thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất cơ bản USD trước thời hạn do lạm phát quá mức cùng với việc Ủy ban Chính sách tiền tệ (Copom) Brazil quyết định tăng lãi suất cơ bản đồng real lần thứ ba liên tiếp thêm 0,75% lên mức 4,25%/năm, đã kéo giá cà phê 2 sàn trên giảm sâu.

Hầu hết các thị trường hàng hóa chuyển sang sắc đỏ sau các phiên họp chính sách của Fed trong ngày thứ Tư./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục