Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa tăng nhẹ

17:38' - 13/02/2022
BNEWS Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong tuần qua, giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhích lên nhẹ.
Cụ thể, lúa thường tại ruộng cao nhất là 5.600 đồng/kg, giá bình quân là 5.371 đồng/kg, tăng 46 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho cao nhất 6.850 đồng/kg, trung bình là 6.340 đồng/kg, tăng 80 đồng/kg.
 

Giá các mặt hàng gạo cũng có sự biến động không đáng kể. Giá gạo 5% tấm có giá cao nhất 9.250 đồng/kg, giá bình quân 8.900 đồng/kg, tăng 7 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 9.050 đồng/kg, giá bình quân 8.675 đồng/kg, tăng 17 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 8.850 đồng/kg, giá bình quân 8.375 đồng/kg, tăng 17 đồng/kg.

Gạo xát trắng loại 1 có giá trung bình là 9.217 đồng/kg, tăng 67 đồng/kg. Nhưng, gạo lứt loại 1 có giá trung bình là 8.321 đồng/kg, giảm 59 đồng/kg.

Riêng tại An Giang, giá các loại lúa nhìn chung không có sự biến động. Cụ thể,  Đài thơm tám từ 5.900-6.000 đồng/kg, OM 18 là 5.900-6.000 đồng/kg,  Nàng hoa từ 5.900-6.000 đồng/kg, OM 5451 từ 5.300-5.500 đồng/kg; riêng IR 50404 ở mức 5.200-5.400 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg  so với cuối tuần trước Tết Nguyên đán.

Về giá các loại gạo tại An Giang cũng không có sự biến động: Hương lài 19.000 đồng/kg, sóc Thái 18.000 đồng/kg, gạo Nàng nhen 20.000 đồng/kg, Nàng hoa 17.500 đồng/kg, gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg, gạo thơm thái hạt dài 18.000 đồng/kg; riêng gạo Jasmine từ 14.000-15.000 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; gạo thường 11.000-12.000 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg.

Tối ưu hoá hiệu quả sản xuất và cung ứng nông sản trong một hệ sinh thái hoàn thiện, đồng thời tăng cường quảng bá lúa gạo chất lượng cao của Việt Nam đến thị trường tiêu dùng nội địa và thế giới, Tập đoàn Lộc Trời đã ký kết hợp đồng với các đối tác mua bán, tài trợ sản xuất 2 triệu tấn lúa trong năm 2022.

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho biết, thông qua hợp đồng cung ứng 2 triệu tấn lúa cho các đối tác trong nước và xuất khẩu đã giúp hoàn thiện hệ sinh thái này, góp phần giải quyết "đầu ra" cho cây lúa, giảm thiểu việc "được mùa mất giá" cho bà con nông dân, giúp cho việc tổ chức mùa vụ được chủ động hơn.

Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long cũng xác định xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo đạt chuẩn và phát triển liên kết theo chuỗi giá trị trên địa bàn 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang. Diện tích lúa gạo canh tác theo liên kết của doanh nghiệp với các địa phương sẽ tăng hàng năm và đến năm 2025 đạt 30.000 ha tại mỗi địa phương.

Hợp tác với tỉnh An Giang và Kiên Giang, Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long ưu tiên canh tác quy mô lớn các giống lúa giá trị cao như: ST21, ST24, ST25 của tác giả - Thạc sĩ, Kỹ sư Hồ Quang Cua và các giống lúa khác của Viện Giống đồng bằng sông Cửu Long theo xu hướng canh tác xanh, canh tác gạo hữu cơ và cận hữu cơ trên cánh đồng lúa - tôm, phù hợp với điều kiện của từng địa phương cụ thể nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xuất khẩu và nội địa, từng bước hình thành thương hiệu gạo quốc gia.

Trong khi thị trường lúa trong nước có biến động nhẹ thì trên thị trường gạo châu Á, giá gạo xuất khẩu tại các nước xuất khẩu gạo hàng đầu châu Á giảm. Tại Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, giá gạo đồ 5% tấm giảm xuống mức thấp nhất bốn tuần qua là từ 368-374 USD/tấn, thấp hơn so với mức từ 370-376 USD/tấn trong tuần trước.

Đồng rupee của Ấn Độ giảm xuống mức thấp nhất gần hai tuần, làm gia tăng lợi nhuận của các thương nhân khi bán hàng ra nước ngoài. Một thương nhân sở hữu công ty trao đổi thương mại toàn cầu có trụ sở tại Mumbai cho biết nhu cầu thấp của những người mua gạo trắng lớn do các quốc gia khác chào bán giá gạo cạnh tranh.

Ngoài ra, Bộ trưởng Lương thực Bangladesh Sadhan Chandra Majumder cho biết nước này có thể giảm 10% thuế nhập khẩu gạo để hạ nhiệt giá loại ngũ cốc chính này. Thuế nhập khẩu gạo của Bangladesh hiện là 62,5%.

Trong khi đó, tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm dao động ở mức từ 407-415 USD/tấn, thấp hơn so với mức từ 408-417 USD/tấn tuần trước đó, do biến động tỷ giá hối đoái. Một thương nhân có trụ sở tại Bangkok cho biết thị trường kém sôi động nên giá biến động không quá nhiều trong so với tuần trước.

Còn tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm trong phiên 10/2/2022 ở mức 395 USD/tấn, thấp hơn so với mức từ 395- 405 USD/tấn trong hai tuần trước đó. Thị trường Việt Nam đóng cửa nghỉ lễ Tết Nguyên đán trong tuần vừa qua.

Giới thương nhân cho biết doanh số bán vẫn chậm sau kỳ nghỉ lễ và không có khả năng tăng cho tới cuối quý một này.

Một thương nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh nói: “Philippines và Trung Quốc dự kiến sẽ là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong năm nay”. Thương nhân trên cho biết thêm rằng nhu cầu tăng cao ở Trung Quốc có thể là cơ hội cho các nhà xuất khẩu Việt Nam.

Về thị trường nông sản Mỹ, trong phiên giao dịch 11/2, giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago (Mỹ) đều tăng, với giá lúa mỳ tăng mạnh.

Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 3/2022 tăng 9,25 xu Mỹ (1,44%) lên 6,51 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn tăng 26,25 xu Mỹ (3,4%) lên 7,9775 USD/bushel. Còn giá đậu tương giao tháng 3/2022 tăng 8,75 xu Mỹ (0,56%) lên 15,83 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Triển vọng vụ thu hoạch ở Nam Mỹ tiếp tục giảm sút do thời tiết nắng khô hay độ ẩm cao tại Argentina tiếp tục kéo dài đến đầu tháng Ba.

Trong khi đó, giá ngô và đậu tương tăng lên mức cao mới, với giá đậu tương giao ngay được giao dịch trong khoảng 15,50 -16,20 USD/bushel cho đến khi có thêm số liệu về vụ thu hoạch tại Brazil. Triển vọng dài hạn của các loại ngũ cốc trên vẫn lạc quan khi sản lượng thu hoạch ở Argentina giảm hơn nữa.

Các nhà xuất khẩu Mỹ đã bán thêm 108.000 tấn đậu tương giao cho Trung Quốc từ sản lượng niên vụ mới và bán 128.000 tấn ngô lấy từ sản lượng niên vụ cũ cho Nhật Bản.

AgResource cũng dự kiến thị trường sẽ chú ý nhiều hơn đến diễn biến thời tiết ngắn hạn ở Mỹ bắt đầu vào cuối tháng Hai.

Thị trường cà phê thế giới cho thấy, trong phiên giao dịch cà phê 12/2, giá cà phê thế giới trên hai sàn tại London và New York đều đồng loạt tăng điểm.

Kết thúc phiên giao dịch mới nhất, giá cà phê Robusta trên sàn London giao tháng 3/2022 tăng 5 USD/tấn lên mức 2.284 USD/tấn. Giá cà phê Robusta giao tháng 5/2022 tăng 7 USD/tấn ở mức 2.270 USD/tấn.

Còn giá cà phê Arabica trên sàn New York giao tháng 3/2022 giảm 3,55 xu Mỹ/lb, ở mức 251,65 xu Mỹ/lb (1 lb = 0,4535 kg). Giá cà phê Arabica giao tháng 5/2022 giảm 3,2 xu Mỹ/lb, ở mức 252,25 xu Mỹ/lb.

Giới chuyên gia phân tích của ngân hàng Rabobank với trụ sở tại Hà Lan cho rằng, giá cà phê Robusta sẽ về dưới mức trung bình 2.000 USD/tấn trong quý II. Có lẽ điều này đã kích thích các giới đầu cơ quay trở lại mua ròng, giúp giá London duy trì đà tăng những ngày gần đây.

Trong khi đó, các nhà sản xuất tại Brazil vẫn mạnh tay bán, bởi giá cà phê Arabica đang đứng ở mức cao hơn 10 năm, trong khi vụ thu hoạch chính năm nay sẽ bắt đầu từ tháng Tư với cà phê Conilon Robusta và tháng Bảy với cà phê Arabica, hứa hẹn sản lượng cao theo chu kỳ "hai năm một". Điều này góp phần đẩy giá cà phê Arabica giảm trong hai phiên cuối tuần này.

Cũng trong phiên 12/2, tại Việt Nam, thị trường tiếp tục đà tăng nhẹ so với hôm qua, giao dịch quanh ngưỡng 40.900 - 41.500 đ/kg. Đây là phiên thứ 5 liên tiếp thị trường cà phê trong nước đi lên.

Hiện tại, giá nông sản hôm nay tại thị trường trong nước đồng loạt tăng ở 2 mặt hàng hồ tiêu và cà phê. Trong đó, giá hồ tiêu tăng thêm 500 đ/kg ở vài nơi, trở thành phiên thứ 4 liên tiếp đi lên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục