Thị trường nông sản tuần qua

20:57' - 15/08/2020
BNEWS Trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT), Mỹ, giá các loại nông sản giao kỳ hạn đi ngược chiều nhau trong phiên ngày 14/8, trong đó giá ngô và đậu tương giảm, còn giá lúa mỳ tăng. 

*Thị trường nông sản Mỹ

Trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT), Mỹ, giá các loại nông sản giao kỳ hạn đi ngược chiều nhau trong phiên ngày 14/8, trong đó giá ngô và đậu tương giảm, còn giá lúa mỳ tăng.

Giá ngô giao tháng 12/2020 giảm 0,75 xu Mỹ (0,22%) xuống đóng cửa ở mức 3,38 USD/bushel. Giá đậu tương giao tháng 11/2020 giảm 0,75 xu Mỹ (0,08%) xuống 8,9875 USD/bushel. Còn giá lúa mỳ giao tháng 9/2020 tăng 3,25 xu Mỹ (0,65%) lên 5 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Các nhà giao dịch trên sàn CBOT ước tính các quỹ đã mua 3.200 hợp đồng ngô, 4.100 hợp đồng lúa mỳ và 1.400 hợp đồng đậu tương.

Công ty tư vấn AgResource có trụ sở tại Chicago lưu ý rằng các thương nhân vẫn chưa rõ về mức độ thiệt hại đối với vụ ngô ở bang Iowa do gió mạnh quét qua đây hôm đầu tuần 10/8 khiến một số diện tích trồng ngô bị ảnh hưởng.

Giá lúa mỳ giao kỳ hạn phục hồi nhờ hy vọng rằng Trung Quốc sẽ đặt mua lúa mỳ Mỹ. Tuy nhiên, AgResource cho biết giá lúa mì FOB tại Biển Đen đang giảm do vụ thu hoạch lớn ở Bắc Bán cầu. Australia dự kiến sẽ thu hoạch từ 27 đến 30 triệu tấn lúa mỳ từ tháng 11/2020 đến đầu năm 2021. Vụ thu hoạch lúa mỳ của Canada cũng sẽ khá lớn và có khả năng ghi nhận mức cao kỷ lục.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thông báo khoảng 1.260.000 tấn đậu tương đã được xuất khẩu sang Trung Quốc. Cơ quan này ước tính Trung Quốc đã đặt mua 1,5 đến 1,6 triệu tấn đậu tương trong tuần này.

Dự báo thời tiết cho thấy nhiệt độ ấm hơn sẽ trở lại vào tuần tới và độ ẩm trong không khí cao hơn sẽ kéo theo mưa dông trong tuần cuối cùng của tháng 8/2020.

*Thị trường gạo châu Á

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam đã leo lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2011 trong tuần này giữa bối cảnh nguồn cung vẫn bị hạn chế do những biện pháp hạn chế được áp đặt để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan tại các trung tâm gạo lớn trong đó có Ấn Độ và Thái Lan.

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam trong ngày 13/8 đã tăng lên 480-490 USD/tấn so với mức 470 USD/tấn trong tuần trước.

Một nhà giao dịch tại tỉnh An Giang, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cho hay vụ thu hoạch Hè-Thu đã kết thúc, và các nhà giao dịch không thể mua thóc từ Campuchia gần đây do đường biên giới với nước này vẫn đang tạm đóng. Trước đây, các nhà giao dịch trong nước thường mua khoảng 1.000 tấn gạo từ Campuchia mỗi ngày.

Số liệu sơ bộ cho thấy khoảng 161.050 tấn gạo đã được vận chuyển tại cảng thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 8/2020, hầu hết trong số đó được chuyến tới châu Phi và Cuba. Tuy nhiên, các thương nhân khác cho biết không có hợp đồng xuất khẩu mới nào được ký gần đây vì gạo Việt Nam hiện đắt so với các đối thủ cạnh tranh.

Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được giao dịch ở mức 382-387 USD/tấn trong tuần này, tăng so với mức 380-385 USD/tấn trong tuần trước.

Một nhà xuất khẩu tại Kakinada thuộc bang miền nam Andhra Pradesh của Ấn Độ cho hay hầu hết các nhà máy xay xát gạo đang hoạt động với công suất thấp do thiếu hụt lao động. Do nguồn cung bị hạn chế để xuất khẩu, các thương nhân đang nâng giá bán gạo.

Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm đã tăng lên 465-500 USD/tấn so với mức 463-485 USD/tấn của tuần trước do đồng baht mạnh lên. Một nhà giao dịch gạo Thái cho hay lo ngại về vấn đề nguồn cung đã giữ giá gạo ở mức cao.

*Thị trường cà phê thế giới

Giá cà phê thế giới đi ngược chiều nhau trong phiên ngày 14/8, trong đó giá cà phê Robusta giao dịch ở mức cao của 8 tháng. Những dấu hiệu về nguồn cung cà phê hạn chế đã giúp hỗ trợ giá mặt hàng này.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta giao tháng 9/2020 trên sàn ICE Europe – London tăng thêm 3 USD, lên 1.445 USD/tấn. Trong khi đó, giá cà phê Arabica giao cùng kỳ hạn trên sàn ICE US – New York giảm 1,5 xu Mỹ xuống 114,7 xu Mỹ/pound.

CeCafe ngày 12/8 báo cáo xuất khẩu cà phê xanh tháng Bảy của Brazil đã giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 2,7 triệu bao.

Nguồn cung cà phê tiếp tục thắt chặt giữa bối cảnh lượng cà phê Arabica dự trữ do ICE giám sát đã giảm xuống mức thấp của 39 tháng là 1,392 triệu bao hôm 13/8 và lượng cà phê Robusta dự trữ đã giảm xuống mức thấp của một năm rưỡi hôm 14/8.

Nguồn cung cà phê Robusta đã giảm sau khi Tổng cục Hải quan Việt Nam ngày 12/8 báo cáo xuất khẩu cà phê tháng 7/2020 của Việt Nam đã giảm 22% so với cùng kỳ xuống 141.282 tấn và xuất khẩu cà phê trong thời gian từ tháng 1-7/2020 của Việt Nam đã giảm 1,01% xuống 1,05 triệu tấn. Cơ quan Dịch vụ Nông nghiệp Nước ngoài (FAS) của USDA vào ngày 10/6 dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2020/21 của Việt Nam sẽ giảm 3,5% so với cùng kỳ xuống 30,2 triệu bao. Việt Nam là nước sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới.

Bên cạnh đó, giới đầu cơ đang trông ngóng vào cuộc gặp gỡ cuối tuần nhằm đánh giá lại Thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc, tuy không kỳ vọng gì nhiều./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục