Thị trường thép ASEAN và những thách thức

08:42' - 15/05/2025
BNEWS Việc Trung Quốc gia tăng xuất khẩu thép sang ASEAN được thể hiện rõ qua số liệu xuất nhập khẩu thép vào khu vực này trong quý I/2025.

Theo giới quan sát, Trung Quốc đang đẩy mạnh tìm kiếm các thị trường mới để tiêu thụ hàng hóa và nguyên liệu thô sau khi các biện pháp thuế quan của Mỹ có hiệu lực. Điều này đặc biệt đúng với ngành thép của Trung Quốc.

 

Trên thực tế, ngay cả trước khi diễn ra cuộc chiến thương mại, Bắc Kinh đã tích cực tìm cách mở rộng khả năng tiếp cận các thị trường thép trên thế giới. Do đó, hiện đã có những báo cáo về việc thép Trung Quốc được bán phá giá tại Ấn Độ và các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Trong khi Ấn Độ nhanh chóng đáp trả bằng mức thuế tự vệ 12%, các nước ASEAN lại rơi vào thế khó.

Việc Trung Quốc gia tăng xuất khẩu thép sang ASEAN được thể hiện rõ qua số liệu xuất nhập khẩu thép vào khu vực này trong quý I/2025, với tổng lượng đạt 36,55 triệu tấn và tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo các báo cáo, con số này chiếm khoảng 70% tổng xuất khẩu thép của Trung Quốc trong giai đoạn đó.

Malaysia ghi nhận nhập khẩu thép trong cùng giai đoạn tăng 71,3%, còn Việt Nam chứng kiến mức tăng 68,5%.

Những số liệu này đã khiến Ủy ban Thép ASEAN hết sức lo ngại khi họ tìm cách bảo vệ thị trường thép nội địa. Điều đáng lưu ý là tất cả những diễn biến này xảy ra khi các sản phẩm thép của Trung Quốc vẫn chưa bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thuế quan với Mỹ, dù triển vọng u ám đã bắt đầu xuất hiện.

Các nhà hoạch định chính sách tại các nước ASEAN đang phải đối mặt với một quyết định khó khăn. Trong một thời gian dài, khối này đã hưởng lợi từ sự tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc, bao gồm cả việc nước này sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngay cả trong những giai đoạn quan hệ thương mại Mỹ - Trung có những tranh chấp, khu vực này vẫn ít chịu ảnh hưởng tiêu cực.

Theo phân tích hồi tháng 2/2025 của tổ chức chuyên tập trung nghiên cứu khu vực châu Á Asia Society, việc năng lực công nghiệp của Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh đã đẩy các quốc gia ASEAN vào giữa một cuộc khủng hoảng.

Các báo cáo chỉ ra rằng xuất khẩu của Trung Quốc sang ASEAN bắt đầu tăng từ năm 2023, đôi khi thậm chí vượt cả kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang ASEAN đã tăng 12%. Và dựa vào các dấu hiệu hiện có, con số này sẽ còn tăng hơn nữa vào năm 2025.

Trong khi đó, xuất khẩu từ các nước ASEAN sang Trung Quốc đã giảm 3% kể từ năm 2022, dẫn đến cán cân thương mại của khu vực thâm hụt đáng kể.

Báo cáo của Asia Society chỉ ra rằng một phần tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc sang ASEAN trước đây là hàng hóa trung gian [hàng hóa/dịch vụ đã rời khỏi một quá trình sản xuất, nhưng quay lại phục vụ cho quá trình sản xuất khác với tư cách đầu vào trung gian], qua đó hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu của nhiều quốc gia ASEAN.

Nhưng ngày nay, thành phẩm lại chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang khu vực, gây ảnh hưởng đến thị trường việc làm và các nền kinh tế địa phương.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào sản xuất thép tại ASEAN, làm trầm trọng thêm những lo ngại về tình trạng dư thừa công suất toàn cầu và gia tăng nguy cơ các nền kinh tế ASEAN bị áp dụng các biện pháp chống bán phá giá.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hồi tháng 6/2024 đã từng cảnh báo về tình trạng dư thừa công suất thép toàn cầu ngày một tăng. Trong đó, các nền kinh tế ASEAN có thể trở thành trung tâm sản xuất và cũng là điểm đến cho thép dư thừa của Trung Quốc.

Theo báo cáo, áp lực cũng như sự gián đoạn đối với các ngành công nghiệp nội địa tại ASEAN có khả năng sẽ còn gia tăng, đặc biệt khi Trung Quốc tăng cường sản xuất công nghiệp và chưa có nhiều biện pháp để cắt giảm hiệu quả sản lượng, hoặc thúc đẩy nhu cầu trong nước.

Các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp ASEAN sẽ phải đối mặt với một môi trường nhiều thách thức hơn trong thời gian tới với những biến động mạnh trong cục diện thương mại toàn cầu.

Để giải quyết những áp lực này, các thành viên ASEAN được khuyến nghị cần tăng cường các cơ chế ứng phó thương mại và thắt chặt phối hợp khu vực. Việc đa dạng hóa các nguồn cung đầu vào công nghiệp và đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng sẽ đóng vai trò then chốt trong việc duy trì các cơ hội xuất khẩu của ASEAN và quản lý rủi ro trong tương lai.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục