Thị trường thể thao điện tử đón nhận “cú hích” lớn

22:03' - 11/05/2021
BNEWS Đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến thị trường và khiến nhu cầu chơi game di động tăng trưởng mạnh trên toàn cầu.

Việt Nam cũng có chung xu hướng này khi mọi chỉ số về lượt tải, số lượng game đều tăng trưởng mạnh so với năm 2019.

Doanh thu kho tải của thị trường game tăng trưởng vượt bậc

Theo báo cáo: “Ứng dụng di động 2021” do Appota phát hành, trong năm 2020 các khách hàng đã giành tổng cộng 168 triệu USD cho việc trả phí mua các ứng dụng game di động trên kho tải CH Play và App Store.

So với năm 2019, doanh thu qua kho tải của thị trường này đã chứng kiến mức tăng vượt bậc 40% và dự báo đạt 205 triệu USD vào năm 2021.

Theo đó, smartphone là thiết bị chơi game phổ biến nhất tại Việt Nam với tỷ lệ 85%, trong khi thiết bị laptop/PC chỉ chiếm 45%.

Trong đó, có tới 87% các trò chơi di động tại Việt Nam sử dụng có chứa quảng cáo khiến đây vẫn là hình thức thương mại hóa phổ biến nhất.

Ngoài ra, việc trả phí cho các nội dung trong ứng dụng cũng là một hình thức thương mại hóa được áp dụng phổ biến và chiếm đến 40% số lượng ứng dụng, do việc phân phối và bán các sản phẩm, dịch vụ ảo trong trò chơi đã trở thành một hình thức đem lại doanh thu đặc trưng của các trò chơi điện tử.

Esport trên di động tăng “đột biến” sau đại dịch

Thể thao điện tử tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ trong năm 2020 và trở thành một hình thức giải trí phổ biến trong giai đoạn đại dịch COVID-19.

Theo cuộc khảo sát của Appota cho thấy có tới 80% người chơi cho rằng họ đã giành thêm nhiều thời gian tiếp xúc với các nội dung eSports trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Cụ thể, trung bình người chơi dành 2 giờ 55 phút mỗi ngày để chơi các trò chơi eSports, số thời gian trung bình để xem livestream hoặc các giải đấu eSport là  2 giờ 10 phút.

Cũng theo thống kê từ Appota, trong nửa cuối năm 2020, các trò chơi di động được tải nhiều nhất trên iOS là các trò chơi eSports nổi tiếng, còn các trò chơi được tải nhiều nhất trên Android là những trò chơi casual, nhập vai với quy mô nhỏ.

Vì vậy, các trò chơi eSports được đầu tư về nội dung và có nhà phát hành chính thức tại Việt Nam sẽ dễ dàng giữ chân được người dùng hơn so với các trò chơi casual khác.

Các nền tảng phát sóng trong nước cũng ghi nhận sự tăng trưởng đột biến đối với các nội dung eSports, điển hình như số lượt xem trên Facebook Gaming đã tăng 81,37% trong giai đoạn đại dịch COVID-19, lượt tương tác và độ phủ cũng tăng lần lượt 50% và 79,6%.

Có thể thấy rằng, nhờ đặc tính vận hành trực tuyến, thể thao điện tử vẫn trụ vững trước làn sóng COVID-19 và tiếp tục vận hành thay vì phải đóng băng như thể thao truyền thống./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục