Thị trường việc làm - động lực giúp kinh tế Mỹ chống lại suy thoái

05:30' - 05/11/2019
BNEWS Sau khi không đạt được mục tiêu tăng trưởng 3% trong năm 2018 bất chấp những tác động từ dự luật cải cách thuế, kinh tế Mỹ tiếp tục thể hiện dấu hiệu mất đà.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN

Con số 4%, 5% hay thậm chí 6% là tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ mà Tổng thống Donald Trump đã "hẹn" vào tháng 12/2017. Ngay cả trong bản đề xuất ngân sách do Chính quyền của ông đưa ra vào tháng Ba năm nay, dự báo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế hàng đầu thế giới là 3% hoặc mức cao hơn từ nay đến năm 2024. Đây sẽ là năm cuối cùng trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, nếu vị Tổng thống này tái đắc cử trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020.

Trong quý III/2019, GDP, điều chỉnh theo lạm phát, chỉ tăng 1,9% so với năm trước, chậm hơn so với con số tăng trưởng 2% ghi nhận trong quý II/2019. Câu hỏi đặt ra đối với ông Trump và hàng triệu người lao động Mỹ, đó là sự giảm tốc này sẽ còn đi đến đâu?

Những dấu hiệu tăng trưởng yếu đi của nền kinh tế lớn nhất thế giới xuất hiện vào cuối năm 2018. Lĩnh vực xây dựng nhà đi xuống do lãi suất cho vay mua nhà trả góp cao hơn trước tác động của động thái tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cùng với việc giá nhà tăng khiến người mua do dự khi ra các quyết định mua nhà.

Bên cạnh đó, xu hướng suy giảm trong lĩnh vực sản xuất và thương mại toàn cầu gây áp lực nặng nề lên các nhà sản xuất Mỹ. Số đơn đặt hàng mới giảm liên tục từ tháng 9/2018 đến tháng 5/2019. Các nhà quan sát đã hồi hộp chờ đợi trong nhiều tháng qua để xem liệu sự ảm đạm trong ngành công nghiệp và xây dựng có lan sang lĩnh vực dịch vụ. Đa số lao động Mỹ đang làm việc trong ngành này.

Mối quan ngại trên cuối cùng đã khiến Fed hành động. Hầu hết trong các cuộc họp chính sách trong năm 2018, ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Khi nền kinh tế thế giới bắt đầu lao đao, Fed dần thay đổi hướng đi. Đầu tiên là tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất, sau đó cắt giảm 0,25% trong cả tháng Bảy và tháng Chín năm nay.

Chủ tịch Fed Jerome Powell khẳng định các động thái trên là “sự điều chỉnh giữa chu kỳ”, bởi ông lo ngại thị trường sẽ diễn giải sự cắt giảm lãi suất là chỉ dấu cho thấy hồi kết của giai đoạn bùng nổ kinh tế Mỹ dài nhất này đã cận kề.

Sau khi Fed hạ lãi suất cơ bản, lãi suất cho vay mua nhà trả góp cũng giảm. Lãi suất trung bình đối với các khoản cho vay mua nhà trả góp thời hạn 30 năm vốn tăng lên xấp xỉ 5% một năm trước đã giảm xuống còn 3,75%. Điều đó đã thổi “làn gió mới” cho ngành xây dựng nhà ở, với mức tăng 20.000 ngôi nhà xây dựng mới vào tháng 9/2019 so với cùng kỳ năm ngoái.

Đầu tư trong lĩnh vực này đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP trong quý III/2019, lần đầu tiên trong gần hai năm qua. Việc giảm lãi suất cơ bản cũng đã giúp dập tắt tín hiệu cảnh báo "đỏ" về nguy cơ thoái kinh tế, đó là đường cong lợi suất. Tình trạng đường cong lợi suất đảo ngược xảy ra khi lợi suất trái phiếu chính phủ dài hạn thấp hơn lợi suất trái phiếu ngắn hạn, thường xuất hiện khoảng một năm trước khi nền kinh tế bắt đầu rơi vào suy thoái.

Kinh tế Mỹ đã chứng kiến hiện tượng này trong mùa Hè song đến nay đã đảo chiều. Giá cổ phiếu, khá ảm đạm hồi tháng Năm, đã lội ngược dòng để chạm mức cao kỷ lục, nhờ tâm lý lạc quan của nhà đầu tư trước các báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp sắp công bố, cũng như triển vọng của một thỏa thuận đình chiến giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ngày 30/10, Fed đã quyết định giảm lãi suất cơ bản đi 0,25% điểm phần trăm, từ biên độ 1,75-2% xuống còn 1,5-1,75%. Giới phân tích cho rằng với động thái này, Fed dường như có thể tuyên bố chiến thắng trong trận chiến chống lại suy thoái kinh tế.

Các thị trường kỳ vọng Fed sẽ giữ mức lãi suất này trong ít nhất sáu tháng tới. Ông Powell nhấn mạnh rằng Fed sẽ theo dõi các số liệu kinh tế chặt chẽ, đồng thời cho biết lập trường của chính sách tiền tệ hiện tại vẫn phù hợp... Phần lớn các nhà hoạch định chính sách của Fed cho rằng Fed nên tiếp tục tăng lãi suất vào năm 2020.

Sự tự tin của Fed có thể là hơi sớm. Các số liệu kinh tế yếu kém gây sức ép lên kinh tế Mỹ hồi đầu năm đã giảm bớt, nhưng tâm lý lo ngại đã gây ra ảnh hưởng không nhỏ. Người tiêu dùng vốn luôn là động lực thúc đẩy nền kinh tế tiến lên bất chấp những cơn gió ngược. Họ tiếp tục chi tiêu, nhưng niềm tin dường như đã bị lung lay.

Chi tiêu tiêu dùng cá nhân tăng trưởng với tốc độ 2,9% trong quý III/2019 (so với cùng kỳ năm 2018). Đây là con số không tồi, nhưng vẫn thấp hơn tương đối so với mức tăng 4,6% ghi nhận trong quý II/2019. Doanh số bán lẻ trong tháng Chín giảm 0,3%. Các chỉ số về niềm tin người tiêu dùng cũng đi xuống.

Trong khi đó, các công ty cũng đang đưa ra quyết định một cách thận trọng, niềm tin kinh doanh giảm sút. Mối lo ngại của các chủ doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tư. Đóng góp của đầu tư nhà ở vào tăng trưởng GDP quý III/2019 đã không bù đắp được sự sụt giảm lớn trong đầu tư ở các lĩnh vực khác. Số liệu đầu tư yếu kém đặc biệt gây khó chịu cho các nhà kinh tế trong Chính quyền Tổng thống Trump, những người cho rằng chính sách cải cách thuế của Tổng thống sẽ khuyến khích sự bùng nổ trong đầu tư kinh doanh.

Niềm tin kinh doanh có thể phục hồi trong những tháng tới nếu Mỹ và Trung Quốc có thể thực sự tuyên bố đình chiến. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại chỉ là một yếu tố nhất định, điều quan trọng hơn là tăng trưởng kinh tế yếu đi trên toàn thế giới. Cả châu Âu và Nhật Bản đều đang tiến gần đến bờ vực suy thoái, trong khi xu hướng giảm tốc trong tăng trưởng tại Trung Quốc bắt đầu có dấu hiệu giảm bớt. Bước ngoặt trong vận may kinh tế của Mỹ, nếu có, sẽ bắt đầu từ sự lạc quan trong nước.

Hy vọng đó phần nhiều dựa vào thể trạng của thị trường lao động. Bức tranh việc làm là nguồn động viên bền bỉ nhất cho tương lai nền kinh tế. Tốc độ tuyển dụng đã chậm lại; mức lương đã tăng 1,4% trong 12 tháng qua, chậm hơn so với mức 1,8% ghi nhận trong năm trước, nhưng đây là diễn biến dễ hiểu bởi ngày càng ít người thất nghiệp.

Tỷ lệ thất nghiệp 3,5% vẫn là mức rất thấp. Chừng nào các công ty tiếp tục thuê thêm lao động và tiền lương tiếp tục tăng, người tiêu dùng vẫn có khả năng duy trì mức chi tiêu của họ đủ để thúc đẩy nền kinh tế thoát khỏi suy thoái.

Trong bối cảnh còn nhiều yếu tố bất ổn trong bức tranh kinh tế Mỹ, Fed có thể sẵn sàng giảm lãi suất nếu cần thiết. Niềm tin là điều gì đó dễ duy trì hơn là khôi phục và rủi ro lạm phát gia tăng đã giảm trong những tháng gần đây. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân đã tăng với tốc độ 1,5% hàng năm trong quý III/2019, dưới mức mục tiêu 2% của Fed và thấp hơn mức tăng 2,4% trong quý II/2019./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục