Thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0 – Bài 2: Nỗi lo về nguồn nhân lực

08:28' - 14/12/2018
BNEWS Thay đổi công nghệ nhằm mục đích tối ưu hóa hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đồng thời hội nhập quốc tế đã trở thành xu hướng trong những năm gần đây của các doanh nghiệp Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp đang "chật vật" để tìm được đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Ảnh minh họa: TTXVN

Thế nhưng, tìm đâu ra nguồn nhân lực để làm chủ những công nghệ mới đó thì vẫn là bài toán gây đau đầu cho các đơn vị, doanh nghiệp.

Là doanh nghiệp Việt Nam tiên phong trong lĩnh vực thiết bị y tế với các sản phẩm công nghệ cao như bóng nong mạch vành, hệ thống Stent mạch vành và kim luồn tĩnh mạch… thời gian qua, Công ty cổ phần trang thiết bị y tế USM Healthcare gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nhân sự chất lượng cao.

“Do công nghệ nhập từ Thụy Sỹ và Đức, khá đặc thù nên chúng tôi không thể đào đâu ra nhân sự trong lĩnh vực này”, bà Võ Xuân Bội Lâm, Giám đốc Công ty Trang thiết bị y tế USM Healthcare chia sẻ.

Để đáp ứng nhu cầu trên, Công ty USM Healthcare buộc phải gửi 10 kỹ sư của mình sang Đức để học tập với chi phí khá tốn kém và mất thời gian. Chưa kể thỉnh thoảng phải mời các chuyên gia nước ngoài về Việt Nam đào tạo, nâng cao chuyên môn tại chỗ.

Tương tự, sau khi ký kết hợp tác cung ứng linh kiện cho Tập đoàn điện tử Samsung, Công cổ phần Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên tại Tp. Hồ Chí Minh đã phải “đỏ mắt” tìm kiếm nhân sự khắp nơi. Với yêu cầu của Samsung, Công ty Minh Nguyên phải tìm được 400 nhân sự chất lượng cao.

Ông Châu Bá Long, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên thừa nhận, nhân lực là bài toán vô cùng nan giải của doanh nghiệp này khi hợp tác với các doanh nghiệp lớn.

Cuối cùng, công ty phải vận dụng nhiều cách cùng lúc như: kêu gọi các chuyên gia từ các tập đoàn đa quốc gia, các Việt kiều, đồng thời liên tục tìm kiếm, chọn lựa những kỹ sư, cử nhân, công nhân kỹ thuật vừa tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trường nghề… mới “gom” đủ đội ngũ 400 nhân viên.

Theo Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh, trong xu thế yêu cầu phải thay đổi công nghệ, các doanh nghiệp đang đứng trước bài toán khó là có được đội ngũ nhân lực chất lượng cao vừa có chuyên môn, vừa có kỹ thuật để có thể vận hành các máy móc thiết bị, hiện đại, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên điều này không hề đơn giản bởi thực tế nguồn cung trong nước vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng.

Hiện tại Tp. Hồ Chí Minh có hơn 300.000 doanh nghiệp và dự báo đến năm 2020 sẽ phát triển đến 500.000 doanh nghiệp. Các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh công nghệ thay đổi từng ngày thì nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ ngày càng tăng.

Một nghiên cứu của ManpowerGroup – công ty cung cấp giải pháp nhân sự hàng đầu thế giới cho thấy, 45% doanh nghiệp toàn cầu đang gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân sự chất lượng cao. Và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ, bởi 3 năm trở lại đây, nhu cầu tuyển dụng nhân sự chất lượng cao ở Việt Nam tăng ít nhất 20% một năm.

Tuy nhiên, thị trường lao động trong nước lại không đáp ứng đủ, đặc biệt ở lĩnh vực công nghệ thông tin dự báo sẽ thiếu hụt khoảng 500.000 đến một triệu ứng viên. Đáng chú ý, có những doanh nghiệp cần nhân sự chất lượng cho những dự án mang tính cấp thiết và nhanh chóng nhưng tốn khá nhiều thời gian để đạt được. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch hoạt động và sự phát triển của doanh nghiệp.

Sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh trong giờ thực hành về kỹ thuật cơ khí. Ảnh: Phương Vy/TTXVN

Theo Giáo sư Hồ Tú Bảo, Viện trưởng Viện John von Neumann, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh– một chuyên gia về trí tuệ nhân tạo, ứng dụng công nghệ là xu hướng nhưng công nghệ chỉ đóng vai trò phần cứng, quan trọng vẫn là ở “phần mềm”, tức là những người sử dụng và điều hành công nghệ.

“Chúng ta cần có một đội ngũ nhân lực đủ mạnh để sử dụng công nghệ và biến công nghệ thành những sản phẩm hữu ích, nếu không công nghệ cũng chỉ mãi là công nghệ”, ông Bảo nhấn mạnh. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Bảo, nguồn nhân lực trong nước hiện nay chưa thể đáp ứng nhu cầu ứng dụng và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp mà nguyên nhân là do hệ thống đào tạo chưa thể đáp ứng nhu cầu bởi đây là những công nghệ khá mới mẻ.

Cùng nhận định trên, ông Trần Nguyên Vũ, Giám đốc nhóm giải pháp phần mềm của IBM Việt Nam cho rằng: “Ở Việt Nam, nguồn nhân lực đã khó tìm, phải trả lương cao trong khi đó lại khó giữ. Trong xu hướng ứng dựng trí tuệ nhân tạo thì Việt Nam thiếu nhất chính là đội ngũ nhân lực công nghệ cao, đặc biệt là đội ngũ nhân lực về công nghệ thông tin”.

Theo ông Trần Nguyên Vũ, để ứng dụng trí tuệ nhân tạo, các doanh nghiệp lớn thường có xu hướng tự đào tạo nguồn nhân lực cho riêng mình. Trong khi đó, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ lại đi theo con đường mua sẵn công nghệ tự vận hành để tiết kiệm chi phí nhân sự.

Thực tế, dù muốn dù không thì nhân lực vẫn là bài toán khó giải quyết của nhiều doanh nghiệp Việt hiện nay bởi công nghệ thì có thể nhập ngay nhưng nhân lực đáp ứng nhu cầu thì không thể là câu chuyện một sớm một chiều.

Theo ông Nguyễn Xuân Thủy, Trưởng phòng Quản lý Công ty MTEX Việt Nam (chuyên về IC bán dẫn), chúng ta có thể phát triển các ngành công nghệ cao, hiện đại theo xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0. Tất nhiên về quy mô như thế nào, sản phẩm nào là phù hợp thì do các doanh nghiệp cân nhắc. Nhưng về nguồn nhân lực, chúng ta không nên chờ đợi cho đủ mới làm, mà hãy bắt tay vừa làm vừa đào tạo phát triển.

Để giải quyết vấn đề này, một số doanh nghiệp như công ty TNHH Nidec Việt Nam và một số công ty lĩnh vực công nghệ cao gặp khó trong việc tuyển dụng lao động trong nước đã chuyển hướng sang “săn” lao động từ thị trường các nước Malaysia, Philippines, Indonesia…về Việt Nam làm việc.

Một số đơn vị khác như Công ty TNHH Juki Việt Nam lại chuyển sang hướng tự đào tạo nhân lực. Không chỉ đào tạo cho ngay tại chỗ mà doanh nghiệp này còn đưa kỹ sư sang đào tạo ở Nhật Bản. Đã có hàng trăm lượt kỹ sư Việt Nam sang học tập tại Nhật Bản.

Cùng với đó, hiện một số trường đại học tại Tp. Hồ Chí Minh cũng chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao để phục vụ nhu cầu nhân lực trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4; trong đó, một số cơ sở đã liên kết trực tiếp với doanh nghiệp để đào tạo sinh viên bắt kịp xu thế./.

Bài cuối: Đổi mới từ đào tạo

Xem thêm:

>>Thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0 - Bài 1: Chuyển mình với công nghệ

>>Giải pháp nào để tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục