Thiện chí hay thận trọng đối với đầu tư từ Trung Quốc

05:30' - 28/11/2017
BNEWS Theo bài viết trên trang mạng của Globe and Mail, Mỹ và Canada có cách tiếp cận khác đối với các khoản đầu tư và những thương vụ tiếp quản doanh nghiệp của các công ty Trung Quốc tại hai nước này.

Nhà Trắng cần thận trọng khi Trung Quốc mở rộng đầu tư vào các ngành công nghệ và công nghiệp mới. Ảnh: AFP/TTXVN

Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung đang kêu gọi chính quyền có biện pháp giám sát chặt chẽ hơn các khoản đầu tư hoặc những thương vụ tiếp quản doanh nghiệp của các công ty Trung Quốc và cấm các cơ quan Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước hoặc bị nhà nước kiểm soát mua lại tài sản của Mỹ. 

Báo cáo thường niên trình lên Quốc hội Mỹ của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung được công bố ngay trước thềm những cuộc đàm phán thỏa thuận thương mại tự do của Chính phủ Justin Trudeau với Trung Quốc nhằm nới lỏng kiểm soát các khoản đầu tư của Trung Quốc ở Canada.

Chính phủ Canada dường như thể hiện thiện chí với Trung Quốc hơn rất nhiều so với chính phủ Bảo thủ trước đây khi cho phép doanh nghiệp của Trung Quốc tiếp quản nền tảng công nghệ cao, hành động bị cấm dưới thời cựu Thủ tướng Stephen Harper, đồng thời tiến hành và phê duyệt một thương vụ khác mà không hề thực hiện các biện pháp kiểm tra an ninh chính thức.

Ngược lại, báo cáo của Mỹ nhấn mạnh Nhà Trắng cần thận trọng khi Trung Quốc mở rộng đầu tư vào các ngành công nghệ và công nghiệp mới trên thế giới như robot, trí tuệ nhân tạo, thông tin liên lạc, công nghệ sinh học và nông nghiệp.

Báo cáo ghi rõ: "Những khoản đầu tư này dẫn đến việc chuyển giao tài sản, sở hữu trí tuệ và các công nghệ có giá trị của Mỹ. Đây là những mối hiểm họa tiềm ẩn đối với nền kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ”.

Các khoản đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ đã tăng lên đáng kể trong nửa thập niên vừa qua. Trên cơ sở tích luỹ, số tiền đầu tư vào các ngành then chốt đã tăng lên 46,2 tỷ USD trong năm 2016, gấp 10 lần so với con số 4,6 tỷ USD năm 2010.

Trong khi đó, theo Viện Nghiên cứu Trung Quốc của Đại học Alberta, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc tại Canada chỉ đạt 5,2 tỷ USD vào năm 2016, giảm một nửa so với mức 10,2 tỷ USD năm 2010.

Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung Quốc cũng cảnh báo rằng Trung Quốc đang ngày càng đóng cửa nền kinh tế của mình đối với đầu tư nước ngoài, trong khi lại tích cực thúc đẩy việc tiếp cận các thị trường tại Mỹ và các nền kinh tế mở cửa khác.

Ủy ban này cho rằng Quốc hội phải sửa đổi luật kiểm soát đầu tư nước ngoài để cấm các công ty nhà nước hoặc doanh nghiệp do nhà nước Trung Quốc kiểm soát mua các công ty của Mỹ, đồng thời đề xuất nhà nước tiến hành những cuộc điều tra bắt buộc đối với mọi giao dịch nào có thể cho phép một công ty Trung Quốc kiểm soát tài sản của Mỹ, cấm các thương vụ hoặc khoản đầu tư có khả năng "trao quyền kiểm soát các công nghệ hoặc cơ sở hạ tầng quan trọng" cho Trung Quốc.

Canada cũng có những quy định tương tự, nhưng kém chặt chẽ hơn nhiều so với những gì Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung Quốc đề xuất. Đạo luật Ðầu tư của Canada quy định chính phủ phải tiến hành một cuộc điều tra tổng thể đối với mọi thương vụ với nước ngoài có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên. 

Điều này đòi hỏi phải có các biện pháp phân tích an ninh tiêu chuẩn, và nội các có thể có những yêu cầu điều tra kỹ lưỡng hơn để dự đoán các tác động tiềm tàng đối với các lợi ích quốc phòng và an ninh của Canada đồng thời điều tra việc chuyển giao công nghệ độc quyền bên ngoài Canada.

Đại sứ Trung Quốc tại Canada Lu Shaye nhấn mạnh rằng Trung Quốc không muốn Canada tiến hành các cuộc kiểm soát an ninh quốc gia đối với các thương vụ của Trung Quốc và gọi đó là một hình thức bảo hộ.

Kể từ khi Thủ tướng Trudeau lên nắm quyền, Chính phủ Canada đã cho phép Trung Quốc mua lại nhiều công ty Canada mà không có kiểm soát an ninh. Một ví dụ là việc hãng viễn thông Hytera Communications của Trung Quốc tiếp quản công ty Norsat International Inc. tại Vancouver.

Chính phủ Canada đã không yêu cầu các quan chức an ninh của mình thực hiện một cuộc điều tra an ninh quốc gia chính thức mặc dù công ty Norsat cung cấp thiết bị viễn thông vệ tinh cho quân đội Mỹ và công ty Hytera có các giao dịch kinh doanh với các cơ quan an ninh của Trung Quốc.

Trước đó vào tháng 3, nội các Canada đã đảo ngược quyết định của chính phủ tiền nhiệm về việc ngăn chặn thương vụ bán công ty công nghệ ITF ở Montreal cho O-Net Communications (Hong Kong). Cơ quan tình báo của Canada đã cảnh cáo không nên cho phép thương vụ này vì nó sẽ cho phép Trung Quốc tiếp cận "công nghệ laser quân sự tiên tiến", tuy nhiên hợp đồng mua bán vẫn diễn ra./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục