Thiên tai và những vấn đề đặt ra trong phát triển kinh tế

16:47' - 02/07/2018
BNEWS Cuối tháng 6 vừa qua, mưa lớn đã diễn ra trên diện rộng, tại hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc gây sạt lở lớn, thiệt hại cả về người và kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng thăm hỏi, động viên, chia sẻ với bà con bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ ở thôn Tham Còn, xã Cao Bồ thuộc huyện Vị Xuyên. Ảnh: Minh Tâm/TTXVN

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông Hoàng Văn Thắng về việc ứng phó, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và việc quản lý khai thác cát để giảm thiểu tình trạng sạt lở ven sông, ven biển.

Phóng viên: Thứ trưởng đánh giá thế nào về những tác động của thiên tai, đặc biệt là những loại hình thiên tai cực đoan đã và sẽ tác động ở nước ta?

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng: Việt Nam nằm ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, đồng thời vùng phát triển của chúng ta lại nằm ở đồng bằng của những lưu vực sông; trong đó, có 2 lưu vực sông rất lớn là sông Hồng và sông Mê Kông nên chúng ta luôn phải hứng chịu thiên tai. Lịch sử đã chứng kiến rất nhiều thiên tai lớn tác động đến Việt Nam.

Trong những năm gần đây cho thấy, liên quan đến thiên tai có 2 vấn đề mới. Thứ nhất là thiên tai và phát triển. Thứ hai thiên tai và biến đổi khí hậu. Giữa thiên tai và phát triển cũng đặt ra những vấn đề mới. Đó là những vấn đề về phát triển bền vững, tác động cả trong và ngoài quốc gia.

Chẳng hạn, thượng nguồn Mê Kông theo nghiên cứu gần đây nhất của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế đã có đánh giá, lượng bùn cát phù sa từ thượng nguồn về đồng bằng đã giảm đi 70% và sẽ tiếp tục giảm. Lượng phù sa bùn cát đã thiếu hụt dẫn đến những vấn đề như sạt lở ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cả bờ sông, bờ biển.

Khu vực miền núi cũng có những tác động giảm chất lượng rừng ở một số khu vực làm gia tăng mưa lũ và gia tăng rủi ro thiên tai, rồi những tác động như mở đường... Một mặt rất tốt cho phát triển kinh tế nhưng mặt khác cũng làm gia tăng sạt lở, rủi ro thiên tai. Ở khu vực miền Trung, nhiều công trình hạ tầng, nhà cửa, giao thông làm cản dòng chảy của lũ và gây nên lũ.

Như vậy, câu chuyện đầu tiên phải nói đến là các nguyên tắc phát triển bền vững phải được thực thi mới giảm nhẹ được rủi tro thiên tai.

Thứ hai là biến đổi khí hậu và thích ứng biến đổi khí hậu. Rõ ràng biến đổi khí hậu dù kịch bản nào cũng gây ra tác động hết sức bất lợi. Trước mắt là gia tăng rủi ro thiên tai ở góc độ là cường độ, tần suất xuất hiện các đợt thiên tai. Cùng với đó là nước biển dâng tạo ra những hệ sinh thái mới.

Nếu không thay đổi mô hình phát triển, vẫn phát triển những mô hình sử dụng nhiều nước ngọt dứt khoát sẽ xuất hiện những thiên tai như: thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn... Cho nên câu chuyện giữa biến đổi khí hậu với thiên tai và phát triển là những vấn đề cần sự phối hợp chặt chẽ với nhau.

Tôi cho rằng, trong những năm tới, vấn đề sạt lở bờ sông, bờ biển, miền núi sẽ diễn ra mạnh mẽ. Nếu chúng ta mở rộng sản xuất kể cả những vùng khô hạn thì vấn đề hạn hán vẫn tiếp tục đặt ra, cộng với những lo ngại về thiên tai lớn do biến đổi khí hậu đặt ra nhiều nhiệm vụ phải làm.

Phóng viên: Cuối tháng 6 vừa qua, mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Tình trạng này gần như diễn ra hàng năm, vậy chúng ta cần có phải pháp căn cơ nào để ứng phó với tình trạng này?

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng: Mới vào đầu mùa mưa bão cho nên phải tăng cường năng lực khả năng ứng phó của các địa phương bằng cách tiếp tục cảnh báo sớm về mưa lũ.

Theo đó, chính quyền địa phương cần sớm phục hồi cơ sở hạ tầng đã bị thiệt hại, liên tục hướng dẫn bà con cách ứng phó. Về lâu dài, tiếp tục triển khai chương trình di dân khỏi vùng có nguy cơ cao. Đồng thời, tiếp tục nâng cao khả năng tự ứng phó của chính quyền cơ sở cũng như người dân.

Lâu dài hơn là từng bước ổn định dân cư miền núi. Những vùng như vậy cần phải bảo vệ rừng theo hướng có tính chất trữ nước tốt, hỗ trợ sinh kế để giảm tình trạng phá rừng làm nương rẫy, hỗ trợ bà con sản xuất thâm canh tốt… Chúng ta phải lựa chọn những vùng có nguy cơ cao để làm trước.

Phóng viên: Tình trạng sạt lở ven sông, ven biển cũng đang diễn ra nghiêm trọng, đặc biệt ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Một trong những tác nhân lớn là bởi tình trạng khai thác cát quá mức. Theo Thứ trưởng, cần quản lý khai thác cát như thế nào?

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng: Như tôi đã nói Ủy hội sông Mê Kông quốc tế đã có đánh giá toàn diện về phát triển thượng nguồn của Mê Kông và đưa ra đánh giá, lượng bùn cát, phù sa từ thượng nguồn về vùng hạ du đã giảm đi 70% và sẽ tiếp tục giảm nếu các kịch bản phát triển trong giai đoạn tới.

Theo đánh giá của tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế, lượng khai thác cũng đã khai thác xấp xỉ lượng còn lại, cộng với việc lòng sông tiếp tục đưa bùn cát ra biển. Như vậy, các đáy sông sẽ hạ thấp dẫn đến nhà cửa ở các vùng đất yếu sẽ bị sạt lở.

Việc khắc phục từ khai thác cát cũng chỉ khắc phục được một phần cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Thứ nhất là phải rất quyết liệt trong khai thác cát và cần có giải pháp thay thế chứ không thể cấm.

Về thể chế phải có một cơ quan chủ trì quản lý lượng khai thác cát, vị trí khai thác là ngành tài nguyên môi trường chứ không thể là nhiều ngành ra quyết định như hiện nay.

Thứ hai là phải thay đổi cách sống sát ven sông, kênh rạch. Tổng cục Phòng chống Thiên tai đã đưa ra dữ liệu đáng quan tâm là trong vòng khoảng 15 năm qua, khu vực ven sông đã phủ kín các nóc nhà. Do đó, cần phải rà soát để không được xây dựng mới và những chỗ nguy cơ cao thậm chí phải di rời. Đây là việc làm tốn kém nhưng chắc sẽ phải làm. Bên cạnh đó có biện pháp cứng để ngăn chặn xâm thực bờ biển vì lượng bùn cát không về nên khó có hi vọng là có thể bồi lấp.

Phóng viên: Xin cảm ơn Thứ trưởng!

>>> Nỗ lực thông đường sau mưa lũ ở huyện biên giới Mường Tè, Lai Châu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục