Thiết kế và thực thi các tiếp cận chính sách vì người nghèo nông thôn

20:30' - 30/06/2016
BNEWS Dự án đã kiên trì thực hiện các nghiên cứu đánh giá rủi ro và dễ bị tổn thương của người sản xuất nhỏ và người nghèo nhằm xây dựng những chính sách hỗ trợ họ trong việc quản lý, đối phó với rủi ro.
Hội thảo tổng kết dự án “Thiết kế và thực thi các tiếp cận chính sách vì người nghèo nông thôn để giải quyết vấn đề rủi ro và dễ bị tổn thương ở cấp quốc gia”. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Chiều 30/6, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) và Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) đã tổ chức hội thảo tổng kết dự án “Thiết kế và thực thi các tiếp cận chính sách vì người nghèo nông thôn để giải quyết vấn đề rủi ro và dễ bị tổn thương ở cấp quốc gia”.

Dự án “Thiết kế và thực thi các tiếp cận chính sách vì người nghèo nông thôn để giải quyết vấn đề rủi ro và dễ bị tổn thương ở cấp quốc gia” được Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) và Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) đồng tài trợ, triển khai từ năm 2012 tại 4 nước là Việt Nam, Campuchia, Lào và Nepal.

Trong suốt quá trình thực hiện, dự án đã kiên trì thực hiện các nghiên cứu đánh giá rủi ro và dễ bị tổn thương của người sản xuất nhỏ và người nghèo nhằm xây dựng những chính sách hỗ trợ họ trong việc quản lý, đối phó với rủi ro, nâng cao năng suất và thu nhập.

Các cơ quan Chính phủ và các bên liên quan cũng đã được tăng cường năng lực trong việc thực hiện phân tích, xây dựng và thực hiện chính sách. Đồng thời, thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự và khu vực tư nhân trong đối thoại và thực thi chính sách; chia sẻ kinh nghiệm và bài học từ việc thực thi các chính sách hỗ trợ người nghèo tại bốn nước trên.

Qua nghiên cứu nhận diện, phân tích các rủi ro do biến đổi khí hậu, phân tích các rào cản ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, ông Trần Văn Thể, Viện Môi trường nông nghiệp đề xuất, đầu tiên là cần pháp triển hệ thống hạ tầng cho khu vực này như thủy lợi, giao thông nông thôn và giao thông nội đồng, hệ thống cung cấp nước sạch…

Để hỗ trợ tài chính và đầu tư, cần mở rộng và ưu tiên triển khai các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu cấp quốc gia cho vùng này; phát triển các chương trình, dự án đặc thù cho miền núi ứng phó với hiện tượng thời tiết đặc thù để đản bảo an ninh lương thực, phát triển và đa dạng sinh kế cho nông dân vùng cao.

Bên cạnh đó, để phát triển thị trường sản phẩm nông nghiệp cho vùng miền núi phía Bắc, ông Trần Văn Thể cho rằng, cần hỗ trợ địa phương tỏ chức lại thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhằm nâng cao lợi nhuận cho nông dân từ sản xuất nông nghiệp. Tăng cường tổ chức hoạt động của thị trường gắn kết thị trường với sản xuất và du lịch văn hóa, sinh thái; hỗ trợ để tăng cường thương mại, ổn định giá cả hàng hóa nông sản vùng cao.

Tại hội thảo các diễn giả cũng đã trình bày về những nghiên cứu về đối tác công – tư cho sự phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam; nghiên cứu thí điểm về chính sách phát triển tổ hợp tác trong thương mại hóa nông nghiệp của Việt Nam – trường hợp lúa gạo ở tỉnh Thái Bình. Bên cạnh đó, các thông tin, kinh nghiệm và bài học từ dự án đã được chia sẻ với các bên liên quan và các đối tác phát triển khác.

Theo ông Nguyễn Song Hà, đại diện FAO tại Việt Nam đánh giá, quy mô dự án triển khai không lớn nhưng có ý nghĩa lớn. Kết quả dự án sẽ đóng góp trong việc thiết kế và thực thi các chính sách dài hạn cho Việt Nam. Đây là kết quả bước đầu, cần có sự phối hợp, kết nối với các chương trình, dự án của các tổ chức khác để chính sách ngày càng hoàn thiện trong bối cảnh Việt Nam gia nhập TPP./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục