Thiết lập cơ chế linh hoạt cho doanh nghiệp thích ứng với thay đổi của thị trường

18:00' - 04/11/2024
BNEWS Xu hướng chuyển đổi xanh và phát triển bền vững trên toàn cầu cũng mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), xu hướng chuyển đổi xanh và phát triển bền vững trên toàn cầu cũng mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam. Với sự ổn định về kinh tế vĩ mô, nhu cầu tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế từng bước phục hồi đang dần tạo nên nền tảng vững chắc hơn cho hoạt động của nhiều doanh nghiệp.

 

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, để tận dụng tối đa lợi ích của hội nhập quốc tế cần cần tập trung nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, nhất là năng lực cạnh tranh về nhân lực; đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục và đào tạo để nâng cao kỹ năng và năng lực lao động, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, quản lý và ngoại ngữ.

Tiếp theo là nhanh chóng cải thiện hạ tầng, đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông, thông tin liên lạc và năng lượng để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và kinh doanh. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm bớt gánh nặng thủ tục hành chính, hoàn thiện hệ thống pháp luật để tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa...

Bên cạnh đó, tăng cường quan hệ đối tác với các quốc gia và khu vực, tham gia tích cực vào các diễn đàn kinh tế quốc tế; nâng cao hiệu quả thực thi các FTA để mở rộng thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài. Để đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa các vùng miền, giữa đô thị và nông thôn, giữa phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội, các cấp ngành và toàn xã hội tích cực triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, hướng đến phát triển bền vững.

Đồng tình quan điểm này, Phó Chủ tịch thường trực VCCI Hoàng Quang Phòng cho hay, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng chủ động trong liên kết, hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp quốc tế, tham gia các tổ chức kết nối doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, theo khu vực.

Việt Nam cũng đang có quan hệ với trên 180 tổ chức xúc tiến và phòng thương mại quốc tế và là thành viên của các cơ chế, tổ chức liên kết kinh tế quốc tế và khu vực như Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC, Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN, Hội đồng Kinh doanh Đông Á, Hội đồng Kinh doanh Tiểu vùng sông Mekong, Phòng Thương mại Quốc tế, Phòng Thương mại ASEAN, Phòng Thương mại Châu Á Thái Bình Dương...

Đây là cơ hội để gia tăng mối quan hệ hợp tác quốc tế, bảo vệ lợi ích và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trực tiếp tham gia các cơ chế hợp tác, từng bước nâng cao tầm ảnh hưởng của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Quang Phòng, tình hình tiêu dùng và đầu tư toàn cầu vẫn chưa hồi phục tích cực và dấu hiệu gia tăng hàng rào bảo hộ, xu hướng phòng vệ thương mại đang diễn ra ngày càng phổ biến và các doanh nghiệp Việt còn gặp trở ngại trong hoạt động đầu tư...

Mới đây, qua khảo sát doanh nghiệp trên quy mô toàn quốc, VCCI ghi nhận rằng, chỉ 32% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tiếp theo. Con số này đang ở mức thấp thứ 2 trong suốt 18 năm mà VCCI tiến hành khảo sát. Nhưng, vẫn có một số doanh nghiệp quy mô vừa và lớn trong một số ngành quan trọng của nền kinh tế như công nghệ chế tạo, nông, lâm nghiệp và thủy sản... cho biết sẽ tiếp tục có kế hoạch mở rộng hoạt động.

Để có thể tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, đóng góp vào mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2045, ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp cũng bày tỏ kỳ vọng hệ thống quy phạm pháp luật kinh doanh sẽ nhanh chóng được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Các chính sách ban hành phù hợp với xu hướng hội nhập và yêu cầu phát triển của nền kinh tế. Bên cạnh đó, xây dựng kênh tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp, tăng trách nhiệm giải trình của các cơ quan soạn thảo chính sách.

Ở góc độ nghiên cứu, bà Nguyễn Phương Ánh, Trưởng nhóm nội dung Quản lý điều hành của MISA AMIS -  giải pháp quản trị số 1 cho doanh nghiệp nhận định: Để bứt phá và phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập, các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược toàn diện; đầu tư vào đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và tập trung vào khách hàng. Chỉ khi nắm bắt được xu hướng, linh hoạt thích ứng, các doanh nghiệp mới có thể tận dụng tối đa cơ hội và vượt qua được những thách thức trong quá trình hội nhập.

Bà Phương Ánh cho rằng, doanh nghiệp cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh, xác định rõ các thị trường trọng điểm, thị trường mục tiêu. Cùng đó, thiết lập cơ chế thích ứng và linh hoạt với những thay đổi của thị trường. Đồng thời, nâng cao kiến thức để nắm bắt và tận dụng các ưu đãi về thuế quan nhằm giảm chi phí và tiếp cận được các thị trường mới, rộng lớn hơn. Cuối cùng là tập trung nâng cao năng lực quản trị và áp dụng công nghệ  để bứt phá trong thời kỳ hội nhập.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục