Thịt lợn tiêu thụ tại các siêu thị ở Bình Dương tăng mạnh

16:06' - 15/03/2019
BNEWS Tại Bình Dương, dù số lượng lợn tiêu thụ tại các chợ truyền thống giảm khoảng 10%, nhưng số lượng tiêu thụ thịt lợn tại các siêu thị lại tăng đáng kể.

Là một tỉnh có số lượng đàn heo lớn nhì vùng Đông Nam Bộ, tại Bình Dương tính đến thời điểm hiện nay chưa phát hiện ổ dịch nào.

Người dân chọn mua thịt lợn tại một siêu thị ở Bình Dương tăng. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN

Tại một số khu chợ ở địa bàn tỉnh Bình Dương, giá thịt lợn vẫn dao động ở mức 70.000 – 80.000 đồng/kg cho thịt đùi, thịt thăn, thịt vai; 100.000 đồng/kg cho thịt ba chỉ và 120.000 – 140.000/đồng cho thịt sườn, giảm từ 10.000 – 20.000 đồng/kg so với thường ngày.

Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi Cục Thú y tỉnh Bình Dương cho biết, hiện tại ở tỉnh Bình Dương sức tiêu thụ thịt lợn tại các chợ trên địa bàn tỉnh đã giảm khoảng 10%. Tại các siêu thị, người tiêu dùng lại tin tưởng và sử dụng thịt lợn nơi đây tăng cao hơn so với trước.

Ông Hoàng Long, Giám đốc Co.opMart Bình Dương cho biết, trước đây, mỗi ngày hệ thống siêu thị bán hết khoảng 600 - 700 kg thịt lợn, nhưng hiện tại con số này là hơn 1 tấn với mức giá không đổi.

Thịt đưa vào hệ thống siêu thị có nguồn gốc rõ ràng và qua các khâu kiểm tra từ hãng sản xuất cũng như đầu vào của siêu thị và các khâu kiểm tra thường xuyên của các cơ quan chức năng.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương cũng vừa có công văn chỉ đạo các đơn vị phối hợp vào cuộc kiểm soát chặt chẽ thực phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, có biện pháp phòng ngừa và xử lý dịch tả lợn châu Phi.

Qua đó, Đoàn kiểm tra liên ngành về phòng chống dịch bệnh động vật và vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Bình Dương đã ra quân kiểm tra, phát hiện hơn 10 trường hợp các đối tượng vận chuyển trên 350 kg thịt lợn vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực.

Để hạn chế dịch bệnh lây lan, cơ quan thú y cũng khuyến cáo người chăn nuôi nên chủ động ngăn chặn dịch bằng phương pháp sinh học như vôi bột các lối ra vào, chuồng nuôi, kiểm soát chặt chẽ người ra vào cơ sở và mua lợn giống ở các cơ sở uy tín, có kiểm dịch.

Không bán chạy bán tháo lợn nghi bệnh hoặc lợn bệnh. Người kinh doanh không giết mổ vận chuyển lợno bệnh, nghi bệnh.

Về phía người tiêu dùng cũng không nên e ngại thịt heo, mà có thể yên tâm sử dụng thịt heo tại các cơ sở uy tín, có kiểm soát giết mổ, có đóng dấu, dán tem kiểm định theo quy định pháp luật./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục