Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích dự luật của Mỹ cấm bán máy bay F-35 cho Ankara

18:00' - 19/06/2018
BNEWS Hồi tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nói với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu rằng Mỹ quan ngại sâu sắc quyết định của Ankara mua tên lửa S-400 của Nga.
Máy bay chiến đấu F-35 của Tập đoàn Lockheed Martin. Ảnh: EPA

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim ngày 19/6 cho rằng việc Thượng viện Mỹ thông qua dự luật cấm bán các máy bay chiến đấu F-35 của Tập đoàn Lockheed Martin cho Thổ Nhĩ Kỳ là rất đáng tiếc và đi ngược lại tinh thần quan hệ đối tác chiến lược.

Đài phát thanh Haberturk dẫn lời Thủ tướng Yildirim khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ còn có những phương án thay thế khác và dự luật của Mỹ sẽ không gây tổn hại tới Ankara.

Trước đó, ngày 18/6, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật chính sách quốc phòng trị giá 716 tỉ USD, trong đó có điều khoản bổ sung cấm bán máy bay F-35 cho Ankara.

Theo kế hoạch, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mua hơn 100 máy bay chiến đấu F-35 của hãng Lockheed Martin và đang đàm phán với Washington về việc mua tên lửa Patriot.

Tuy nhiên, tháng 12 năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký thỏa thuận với Nga mua hệ thống tên lửa đất đối không S-400, coi đây như một phần trong kế hoạch của Ankara nhằm tăng cường khả năng phòng thủ trong bối cảnh các cuộc xung đột tại khu vực biên giới với Syria và Iraq gia tăng thời gian qua.

Động thái của Ankara mua S-400 đã gây khó chịu cho các nước đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Hồi tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nói với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu rằng Mỹ quan ngại sâu sắc quyết định của Ankara mua tên lửa S-400 của Nga.

Tuy nhiên, chính quyền Ankara khẳng định việc mua các hệ thống tên lửa phòng không này là để bảo vệ an ninh quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoại trưởng Cavusoglu cũng cho rằng quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ và các thỏa thuận với Nga không phải là sự thay thế cho mối quan hệ của Ankara với phương Tây, đồng thời cáo buộc Mỹ cố tình kiểm soát các hành động của Thổ Nhĩ Kỳ.

Quan hệ giữa Ankara và Washington gần đây đã trở nên căng thẳng, đặc biệt kể từ sau cuộc đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7/2016.

Việc Mỹ ủng hộ các tay súng người Kurd tại Syria cả về huấn luyện lẫn cung cấp vũ khí luôn khiến Ankara không hài lòng vì chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã đặt lực lượng người Kurd nằm ngoài vòng pháp luật./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục