Thổ Nhĩ Kỳ muốn theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập

06:15' - 05/08/2019
BNEWS Tờ Geopolitical Futures vừa đăng bài viết nhận định rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa S-400 từ Nga là một dấu hiệu cho thấy Ankara đang muốn theo đổi một chính sách đối ngoại độc lập.
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Cho tới khi Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận các đợt chuyển giao hệ thống phòng không S-400 đầu tiên hồi đầu tháng này, nhiều người vẫn tin rằng hợp đồng mua vũ khí Nga chỉ là một chiến thuật để đàm phán các điều khoản có lợi về mua sắm hệ thống phòng không Patriot của Mỹ, nhưng rõ ràng đây không phải là mục đích của Thổ Nhĩ Kỳ. 

Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ đã bị loại ra khỏi chương trình phát triển máy bay chiến đấu F-35. Nhiều người đang đặt ra câu hỏi tại sao Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận từ bỏ chương trình máy bay hiện đại để đổi lấy S-400, trong khi trước đó Mỹ đã đề xuất bán cho Ankara hệ thống Patriot.

Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, việc mua S-400 không chỉ là về sở hữu một hệ thống phòng thủ, mà còn là xây dựng năng lực quốc phòng của riêng mình. Kể từ đầu những năm 1980, Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng phát triển nền công nghiệp tự thân, quan tâm đến yêu cầu chuyển giao công nghệ đi kèm với việc mua vũ khí để học cách phát triển các hệ thống tương tự ở trong nước. 

Mặc dù Mỹ sẵn sàng bán cho Thổ Nhĩ Kỳ hệ thống Patriot, nhưng không quy định chuyển giao công nghệ là một phần của thỏa thuận. Thổ Nhĩ Kỳ đã ký thỏa thuận mua S-400 với Nga trước thời điểm Mỹ thông qua Đạo luật trừng phạt năm 2017, trong đó có thể áp đặt trừng phạt thứ cấp đối với Thổ Nhĩ Kỳ vì mua sản phẩm quốc phòng của Nga.

Mỹ dọa loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình F-35 chỉ sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý mua S-400. Một số nguồn tin cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ mua vũ khí Nga để làm hài lòng người Nga sau khi nước này bắn hạ máy bay Nga gần biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ năm 2015. Một tháng trước vụ việc này, Mỹ và Đức đã rút các hệ thống phòng thủ tên lửa khỏi Thổ Nhĩ Kỳ, động thái Ankara xem là thiếu trách nhiệm từ các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đối với các thách thức mà Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng hơn là tại sao Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận mạo hiểm với vị trí của nước này trong NATO, liên minh đã bảo vệ nước này khỏi kẻ thù lâu nay là Nga, để mua một hệ thống vũ khí mà hệ thống thay thế đã xuất hiện? Và tại sao Mỹ lại để một đồng minh quan trọng mua một hệ thống phòng thủ của Nga và chấp nhận đánh đổi chương trình F-35 đắt đỏ và phá hủy liên minh NATO? Câu trả lời nằm ở việc Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng sẵn sàng theo đuổi lợi ích riêng, thậm chí chấp nhận những thiệt hại trong quan hệ với các đồng minh NATO.

Trong vài năm qua, quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên căng thẳng. Mỹ ủng hộ Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF), chủ yếu bao gồm các nhóm tay súng người Kurd được Các đơn vị bảo vệ nhân dân (YPG) của người Kurd hậu thuẫn, đã gây quan ngại sâu sắc cho Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia xem YPG là cánh tay nối dài của đảng Công nhân người Kurd (PKK) có căn cứ tại Thổ Nhĩ Kỳ. 

Tuy nhiên, Mỹ bắt đầu hậu thuẫn SDF chỉ sau khi Thổ Nhĩ Kỳ từ chối can dự vào cuộc nội chiến Syria và chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí phớt lờ biên giới nước này trong nhiều năm để cho phép các phần tử IS mới được tuyển mộ vượt biên giới vào Syria và gây áp lực lớn hơn lên Tổng thống Syria Bashar Assad.

Thuế quan của Mỹ áp lên thép của Thổ Nhĩ Kỳ, từng cao gấp đôi mức thuế áp lên các mặt hàng tương tự từ các nước khác nhưng đã hạ xuống 25%, cũng là một vấn đề lớn. Một trong những tranh chấp nghiêm trọng nhất giữa Ankara và Washington là về vấn đề giáo sỹ người Thổ Nhĩ Kỳ Fethullah Gulen, người bị Ankara cáo buộc đứng sau âm mưu đảo chính thất bại năm 2016.

Do Mỹ nhiều lần từ chối yêu cầu trục xuất vị giáo sỹ này, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Mỹ có thể đã đóng một vai trò trong cuộc đảo chính. Bên cạnh đó, Mỹ cũng chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ về các hoạt động thăm dò khí đốt tại Đông Địa Trung Hải.

Việc mua S-400 chỉ là một phần trong lộ trình hướng tới mục tiêu quan trọng hơn của Ankara. Đó là chính sách đối ngoại độc lập. Mục đích lâu dài này đã hiện hình sau cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ năm 1974 vào Cyprus khiến Mỹ áp đặt lênh cấm vận vũ khí đối với Ankara. 

Tuy nhiên, tại thời điểm đó, Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh chủ chốt trong NATO, tạo thành một trong những liên kết phía Nam để kiềm chế Liên xô. Từ đầu những năm 1980, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tập trung hơn vào phát triển nền công ngiệp quân sự nội địa. S-400 là một phần trong chiến lược lớn đa dạng hóa nguồn cung vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ, chứ không phải là dấu hiệu của việc thiết lập liên minh chiến lược Ankara-Moskva. 

Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường hợp tác với Nga dù hai nước có lịch sử đối đầu lâu dài. Thương mại giữa hai nước đã tăng nhanh. Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara cũng chấp nhận sự hiện diện hợp pháp của Nga tại Syria.

Ankara và Moskva hiện đang hậu thuẫn các bên đối địch tại phía Bắc Syria. Nga hậu thuẫn Tổng thống Assad trong khi Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ các lực lượng chống Assad. Một số nhà quan sát đồn đoán Thổ Nhĩ Kỳ theo đuổi thương vụ S-400 chỉ vì Nga đe dọa để ông Assad tiến hành một chiến dịch phản công nhằm vào khu vực Idlib, chiến dịch có thể khiến hàng chục nghìn người tị nạn chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có gần 4 triệu người tị nạn Syria đang sinh sống.

Những khác biệt xung quanh thương vụ S-400 có thể có tác động đến mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-NATO. Để hiểu được những tác động này đòi hỏi phải hiểu được tại sao Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập NATO. Do lo sợ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đã gia nhập NATO. Nước này cần sự hỗ trợ từ một siêu cường để chống lại đối thủ lâu dài. Tuy nhiên, Nga hiện chỉ còn là cái bóng của Liên xô và đang đối mặt với các thách thức về kinh tế. Nga có nhiều vấn đề phải giải quyết hơn là đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ. 

Trên thực tế, Nga đã rất thận trọng để tránh đối đầu với các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria. Sức mạnh tương đối yếu của Nga đã tạo điều kiện cho Thổ Nhĩ Kỳ hành động một cách độc lập khỏi các đồng minh chống Nga, cho dù chi tiêu cho quốc phòng của Nga (khoảng 50 tỷ USD) cao hơn nhiều so với Thổ Nhĩ Kỳ). Việc theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập mà không phải đối mặt với các nguy cơ từ Nga đã cho phép Ankara xa lánh NATO, liên minh từng bảo vệ nước này khỏi Nga trong hàng chục năm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục