Thổ Nhĩ Kỳ rút vàng dự trữ từ Mỹ

06:30' - 03/05/2018
BNEWS Quyết định rút 220 tấn vàng từ Mỹ của Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ là một dấu hiệu cho thấy thời kỳ thống trị hệ thống tiền tệ toàn cầu của nền kinh tế lớn nhất thế giới sắp kết thúc.
Thổ Nhĩ Kỳ rút vàng dự trữ từ Mỹ. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Liên quan đến vấn đề này, ông Claudio Grass, đại diện của Viện Ludwig von Mises và cố vấn của Trung tâm Thụy Sỹ về kim loại quý, đã giải thích tại sao động thái của Ankara báo hiệu rằng hệ thống tài chính toàn cầu sẽ về với trật tự đa cực.

Theo ông Grass, có một vài nguyên nhân dẫn đến quyết định này, trong đó lý do chính là một đồng minh cũ thân cận của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan - Fethullah Gülen - hiện đang sống ở Pennsylvania dưới sự bảo trợ của Chính phủ Mỹ.

Ông Erdogan nói rằng Fethullah cố gắng gây ảnh hưởng đến khối quyền lực ở Thổ Nhĩ Kỳ để lật đổ mình kèm tuyên bố rằng ông Gülen đã đứng sau âm mưu đảo chính tại nước này cách đây một năm rưỡi. Vì vậy, Tổng thống Erdogan không còn tin cậy Gülen và nước Mỹ.

Mặt khác, nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang gặp khó khăn với đồng lira đang phải chịu áp lực trong một thời gian dài. Trong khi đó, Tổng thống Erdogan hoàn toàn nhận thức được rằng vàng là tiền bạc và vàng thậm chí đang được coi trọng hơn cả trong thế giới Hồi giáo. Vì vậy, quyết định của ông nhằm rút vàng dự trữ về nước cho thấy rằng ông không còn coi Mỹ là một đối tác đáng tin cậy.

Một mặt, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng mặt khác, có vẻ như ông Erdogan muốn đi theo con đường riêng của mình và vàng dự trữ cho phép ông tài trợ những dự án, giao dịch tiền tệ không cần đi qua hệ thống ngân hàng quốc tế.

Nhận định về việc liệu các nước khác có theo gót Thổ Nhĩ Kỳ hay không, ông Claudio Grass cho rằng điều này có thể xảy ra trong tương lai. Vài năm trước, thế giới đã ghi nhận xu hướng các ngân hàng trung ương bắt đầu rút vàng dự trữ về nước. Điều này cho thấy các quốc gia đã nhận thức được sự lựa chọn khôn ngoan hơn.

Ngân hàng trung ương của các nước phương Tây, ví dụ như Đức, Hà Lan và Hungary, đã rút vàng dự trữ về nước, cho thấy rằng họ đang cố gắng đa dạng hóa đồng tiền thanh toán để tránh rủi ro liên quan đến đồng USD như một đồng tiền dự trữ thế giới.

Khi nói về việc liệu nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có liên quan đến tình hình địa chính trị thế giới sau khi ông Donald Trump giữ ghế Tổng thống Mỹ, ông Grass cho hay trong 60 năm qua Mỹ đã trở thành con nợ lớn nhất thế giới.

Đồng USD là loại tiền tệ thông dụng nhất trên thế giới; thậm chí ngày nay, dự trữ USD chiếm khoảng 60% dự trữ ngoại tệ của tất cả các ngân hàng trung ương. Đồng thời, trong ngành thương mại quốc tế đồng USD vẫn là đồng tiền chính.

Việc mua vàng và rút vàng dự trữ từ Mỹ là dấu hiệu của sự tan rã và nó cho thấy rằng chúng ta đang rời khỏi thế giới đơn cực và quay trở lại thế giới đa cực. Chúng ta đang ở giai đoạn cuối của chu kỳ nợ dài hạn. Mọi thứ đều theo chu kỳ. Chúng ta vẫn in tiền “từ không khí”, chúng ta làm như vậy trong gần 50 năm, kể từ khi Tổng thống Nixon hủy bỏ tiêu chuẩn vàng.

Kể từ đó, đồng USD trở thành loại tiền tệ thông dụng nhất trên thế giới. Tuy nhiên, tình trạng này sắp kết thúc. Chúng ta không thể giải quyết cuộc khủng hoảng nợ bằng cách vay nợ nhiều hơn. Ông Grass cho rằng tất cả các cuộc chiến tiền tệ xảy ra trong mười năm qua đều phản ánh một điều thế giới đang thay đổi.

Qua các ví dụ lịch sử có thể thấy rằng tất cả các đế chế đều bị sụp đổ sau một thời gian. Đồng thời, trong 1.000 năm qua, tất cả các đế chế đều có chung một đặc điểm đó là bị sụp đổ sau khi tiền tệ của họ bị mất giá và làm suy yếu đế chế này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục