Thỏa thuận thương mại Mỹ - Nhật có hiệu lực từ 1/1/2020

12:58' - 31/12/2019
BNEWS Thỏa thuận thương mại giữa Nhật Bản và Mỹ sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2020, qua đó mang lại lợi ích tiếp cận thị trường dễ dàng hơn cho hàng hóa của mỗi nước.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Buenos Aires, Argentina ngày 30/11/2018. Ảnh: AFP/ TTXVN

Thỏa thuận thương mại giữa Nhật Bản và Mỹ sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2020, qua đó cho phép các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ tiếp cận nhiều hơn tới thị trường Nhật Bản, trong khi các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản sẽ tạm tránh được các mức thuế bổ sung.

Thỏa thuận trên sẽ bãi bỏ hoặc cắt giảm thuế đối với 7,2 tỷ USD hàng xuất khẩu của Mỹ, bao gồm thịt bò, và giúp các nông dân Mỹ có vị thế ngang hàng với các đối thủ cạnh tranh Australia và Canada - những nước đã cùng với Nhật Bản tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.

Theo thỏa thuận, Nhật Bản sẽ ngay lập tức hạ mức thuế từ 38,5% xuống còn 26,6% đối với thịt bò Mỹ và giảm dần mỗi năm cho đến khi xuống 9% vào năm 2033. 

Về phía Mỹ, nước này sẽ giảm thuế đối với các sản phẩm công nghiệp của Nhật Bản, như một số thiết bị sản xuất hoặc linh kiện cho các bộ phận điều hòa không khí.

Trong khi ô tô và linh kiện ô tô của Nhật Bản tránh bị Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp mức thuế 25%. Hiện Mỹ vẫn duy trì mức thuế 2,5% hiện nay đối với ô tô và linh kiện ô tô. Theo thỏa thuận trên, thuế ô tô sẽ tiếp tục được đàm phán.

Thịt lợn, phô mai và rượu vang nằm trong số những mặt hàng của Mỹ sẽ có sự tiếp cận lớn hơn đối với thị trường Nhật Bản, có nghĩa người tiêu dùng Nhật Bản có thể mua được với mức giá rẻ hơn.

Trong khi đó, Mỹ cũng sẵn sàng tăng nhập khẩu thịt bò wagyu thông qua việc dỡ bỏ hạn ngạch 200 tấn/năm.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nhất trí tiếp tục đàm phán để có một thỏa thuận thương mại toàn diện hơn giữa nền kinh tế số một và số ba thế giới, khi hai nền kinh tế này chiếm gần 30% GDP toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục