Thỏa thuận về di cư giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ chưa phát huy hiệu quả

13:06' - 08/01/2016
BNEWS Số lượng người tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ tìm đến EU giảm không đáng kể, bất chấp việc Brussels đã cấp cho Ankara 3 tỷ euro hồi tháng 11 năm ngoái để nước này hạn chế dòng người di cư đổ đến châu Âu.
Thỏa thuận về di cư giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ chưa phát huy hiệu quả. Ảnh: Reuters/TTXVN.

Phát biểu tại một hội nghị ở Amsterdam, Hà Lan, ông Timmermans Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban châu Âu (EC) phụ trách giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư cho biết ông sẽ tới Thổ Nhĩ Kỳ cuối tuần này để thảo luận vấn đề trên với giới chức Ankara.

Ông đồng thời nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ phải nỗ lực hơn nữa để thực hiện các điều khoản của kế hoạch hành động chung đạt được giữa hai bên tháng 11/2015.

Theo số liệu của Liên hợp quốc, số người tị nạn đến Hy Lạp, một nước thành viên EU, đã vượt mức 3.000 người/ngày trong hai tuần vừa qua. Mặc dù con số này thấp hơn mức "đỉnh" hơn 5.000 người/ngày được ghi nhận hồi đầu tháng 12/2015 nhưng vẫn là quá cao so với kỳ vọng của giới chức Hy Lạp và EU.

Nhiều nhà lãnh đạo tin rằng sự sụt giảm này là do điều kiện thời tiết xấu trên biển gây khó khăn cho người di cư hơn là nhờ các nỗ lực ngăn chặn của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Timmermans khẳng định mối quan hệ của EU với Thổ Nhĩ Kỳ vẫn "tích cực", song Brussels sẽ cần phải làm việc với Ankara để cải thiện hiệu quả các hoạt động hợp tác giữa hai bên.

"Chúng tôi đã nhìn thấy những kết quả ban đầu đáng khích lệ", ông nói, "nhưng chúng ta còn cách xa mức độ hài lòng và còn rất nhiều việc phải làm để đạt được những gì đã thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ".

Phát biểu của ông Timmermans được đưa ra giữa lúc có những lo ngại gia tăng tại Đức - quốc gia đầu tàu của EU trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư - rằng chiến lược tập trung vào Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chặn dòng người tị nạn sẽ không mang lại kết quả nhanh chóng.

Nhiều chính khách Đức tỏ ra nghi ngờ chiến lược này, nhất là sau khi các báo cáo của cảnh sát tại thành phố Cologne cho biết nhiều đối tượng nam "có vẻ bề ngoài là người Bắc Phi và Arab" đã tấn công, quấy rối hàng chục phụ nữ trong dịp mừng Năm mới 2016 ở trung tâm thành phố hồi tuần trước.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lên án các vụ tấn công, song nhiều tổ chức chống nhập cư đã nhân vụ việc này để công kích chính sách đối với người tị nạn của bà Merkel. Chỉ tính riêng năm qua, Đức đã tiếp nhận 1 triệu người tị nạn.

Tại Slovakia, trong một phản ứng trước vụ việc hơn 1.000 người đàn ông được mô tả có hình dáng người Arập và châu Phi tấn công, cướp và quấy rối tình dục phụ nữ ở Cologne (Đức) đêm Giao thừa vừa qua, Thủ tướng Slovakia Robert Fico ngày 7/1 tuyên bố nước này sẽ không tiếp nhận thêm bất cứ người xin tị nạn nào là người Hồi giáo.

Ông Fico khẳng định chính sách tị nạn và nhập cư cứng rắn của Chính phủ Slovakia là “hoàn toàn đúng đắn”, nhất là sau những gì đã xảy ra ở Cologne. Ông tuyên bố “chúng tôi không muốn thấy những gì tương tự ở Cologne xảy ra trên đất nước Slovakia”.

Chính trị gia theo đường lối dân chủ xã hội này cũng đánh giá việc hội nhập của những người nhập cư Hồi giáo vào nền văn hóa và tôn giáo ở châu Âu là vô cùng khó khăn. Ông cho rằng văn hóa tiếp đón và cởi mở của châu Âu mà Đức là nước đi đầu đã thất bại và một châu Âu đa văn hóa là một “sự ảo tưởng”.

Người đứng đầu chính phủ Slovakia khẳng định nước này sẽ tiếp tục kiên quyết bác bỏ cơ chế phân bổ người tị nạn mà Berlin và Brussels theo đuổi. Slovakia thậm chí còn đã đệ đơn kiện lên Tòa án châu Âu ở Luxembourg về việc EU định áp dụng cơ chế phân bổ người tị nạn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục