Thời cơ để kinh tế bứt phá năm 2024
“Mặc dù vậy, với những bài học kinh nghiệm quý báu đã đúc rút trong năm 2023, chúng ta có thể vững tin sẽ vượt qua được những khó khăn, thách thức, nắm bắt thời cơ và tận dụng được các cơ hội thuận lợi để kinh tế Việt Nam “bứt phá” trong năm 2024”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khẳng định.
Để hiểu rõ hơn những cơ hội của nền kinh tế trong năm 2024 và trong không khí chào đón năm mới 2024, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Trần Quốc Phương xung quanh nội dung này.
Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, năm 2023, với nhiều khó khăn, thách thức nhưng kinh tế nước ta vẫn trụ vững và phát triển, Thứ trưởng đánh giá gì về điểm sáng của bức tranh kinh tế năm 2023? Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Chúng ta vừa qua một năm với rất nhiều biến động diễn ra trên thế giới và cả trong nước. Tôi cho rằng, năm 2023 là năm khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội thuận lợi. Trong bối cảnh như thế, tổng sản phẩm trong nước năm 2023 tăng 5,05%, gấp 1,68 lần mức tăng của kinh tế thế giới. Điều này phản ánh nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của toàn hệ thống chính trị trong năm qua. Thành quả này rất đáng ghi nhận, trân trọng và đáng tự hào.Nhìn lại năm 2023 trong bối cảnh hết sức khó khăn, bức tranh kinh tế xã hội có nhiều điểm sáng: kinh tế đạt mức tăng trưởng cao so với các nước trên thế giới; lạm phát được kiểm soát ở mức 3,25% thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4,5% của Quốc hội đề ra; thặng dư thương mại hàng hoá đạt mức cao nhất từ trước đến nay… Với những điểm sáng của bức tranh kinh tế, chúng ta rút ra được bài học trong chỉ đạo điều hành nên đã có những kết quả đáng khích lệ của nền kinh tế.
Bài học đầu tiên đó là sự điều hành của Chính phủ giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Cụ thể, trong những tháng đầu năm 2023 nền kinh tế vẫn phải đương đầu với những khó khăn từ năm 2022 kéo sang, Chính phủ đã thực thi hài hòa, hợp lý giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, kết hợp hiệu quả với các chính sách vĩ mô khác giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp tạo nền tảng quan trọng để Việt Nam triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu khác liên quan đến thúc đẩy tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm phục hồi, phát triển một số ngành, lĩnh vực trọng tâm.
Tiếp theo là sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ hết sức nhanh nhạy, bám sát tình hình và kịp thời đưa ra các giải pháp hết sức hiệu quả. Nhờ đó, giúp cho nền kinh tế của Việt Nam vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Mặc dù, một số chỉ tiêu so với mục tiêu đề ra từ đầu năm không đạt, nhưng xét trong bối cảnh khó khăn như vậy, kết quả Việt Nam đạt được so với các nước trên thế giới và khu vực là những kết quả tích cực.
Bài học thứ ba đó là nhận diện và giải quyết ngay những vấn đề còn hạn chế, tồn đọng của nền kinh tế mà nhiều năm qua chúng ta đã chỉ ra nhưng chưa giải quyết rốt ráo.
Cụ thể, Chính phủ đã tập trung xử lý những dự án thua lỗ, những tổ chức tín dụng đang phải tái cơ cấu. Cùng với đó, ban hành các chính sách, giải pháp mang tính cấp bách để hỗ trợ cho nền kinh tế; đặc biệt là hỗ trợ cho doanh nghiệp. Theo đánh giá, hiện nay, doanh nghiệp trong nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn và việc kéo dài thời gian thực hiện các chính sách như: miễn, giảm thuế, phí, lệ phí hay chính sách hỗ trợ về mặt tín dụng vẫn có hiệu quả trong thời gian tới.
Về giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ đã đổi mới trong chỉ đạo giải ngân, khẩn trương nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, có giải pháp xử lý kịp thời. Giải ngân vốn đầu tư công không chỉ đơn thuần là một công việc mà là tổng hòa của rất nhiều nhiệm vụ và công việc khác có tác động đến kết quả cuối cùng của giải ngân vốn đầu tư công.
Tính đến hết 12 tháng năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đã đạt hơn 81% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Nếu như so với 11 tháng trước, tháng 12/2023 đã có bước nhảy vọt rất lớn, từ 65% lên 81%, tăng thêm khoảng 16 điểm phần trăm. Vốn đầu tư công được giải ngân với tốc độ tháng sau cao hơn tháng trước, so với cùng kỳ năm trước, số vốn giải ngân cao hơn cả về số tương đối và số tuyệt đối.
Về thể chế, trong năm 2023, Quốc hội cũng đã thông qua nhiều bộ luật quan trọng, bao gồm cả bộ luật mới và bộ luật sửa đổi, bổ sung đã tác động hiệu quả hơn đến sự vận hành của nền kinh tế.
Năm 2023, Việt Nam cũng đã có bước tiến hết sức quan trọng về đột phá nguồn nhân lực, đặc biệt là sự quan tâm của Chính phủ cũng như định hướng đầu tư tại Việt Nam của những tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới về lĩnh vực công nghệ thông tin như: lĩnh vực chip, bán dẫn, công nghệ mới như hidrogen.
Và một lĩnh vực nữa, có tác động hết sức tích cực đối với kinh tế Việt Nam, đó là những thành tựu về ngoại giao trong năm 2023. Đây là những kết quả nổi bật và có tác động tích cực tới triển vọng kinh tế Việt Nam trong những năm tới; đặc biệt là những thỏa thuận, những cam kết qua những chuyến công tác của các nguyên thủ quốc gia hoặc những hội nghị song phương và đa phương lớn của Việt Nam tham gia năm 2023. Điều này sẽ tác động và có điểm rơi vào năm 2024 và những năm tiếp theo.
Phóng viên: Thứ trưởng vừa nói tới điểm sáng trong giải ngân vốn đầu tư công. Năm 2023, đầu tư công được xem như là một trong những động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, Thứ trưởng có thể nói rõ hơn về hiệu quả của nguồn vốn này?
Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Giải ngân vốn đầu tư công là một động lực hết sức quan trọng. Mặc dù, những tháng đầu năm, những quý đầu năm, các bộ, ngành, địa phương cũng hết sức lo lắng, bởi, đây là một nhiệm vụ nặng nề. Tuy nhiên, nhờ triển khai đồng bộ và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực liên quan đến đầu tư công, từ tháo gỡ những khó khăn về thể chế và các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư công, các quy định về đất đai, giải phóng mặt bằng, đến công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ như thành lập 5 Tổ công tác của Chính phủ nhằm đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Cùng với đó Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ thị và công điện chỉ đạo kịp thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, có hiệu quả hết sức tích cực đến quá trình tổ chức triển khai thực hiện ở tất cả các cấp, các ngành có giải ngân vốn đầu tư công. Cuối cùng đó là ý thức của những người thực hiện liên quan đến đầu tư công đều ý thức được rằng đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Mặc dù, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ rất khó khăn và nặng nề nhưng các bộ, ngành, địa phương cũng đã thể hiện được tinh thần quyết tâm cả trong lãnh đạo, chỉ đạo cũng như tổ chức triển khai thực hiện ở các Ban quản lý dự án. Nhờ vậy, đến nay kết quả giải ngân vốn đầu tư công hết sức tích cực. Năm 2023, cả nước đã giải ngân đạt hơn 81% và còn một tháng nữa để các bộ, địa phương thanh quyết toán những hồ sơ, khối lượng đã hoàn thành.
Phóng viên: Năm 2023, Chính phủ đã ban hành và đưa vào triển khai thực hiện nhiều chính sách, Thứ trưởng đánh giá gì về hiệu quả của các chính sách này vào năm 2024 và chúng ta cần phát huy như thế nào?
Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Phải nói rằng năm 2023, chúng ta đã xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả nhiều chính sách và giải pháp, kinh tế Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, giữ ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh tình hình kinh tế, địa chính trị thế giới có nhiều bất ổn, biến động khó lường, tác động không nhỏ đến nền kinh tế có độ mở lớn như kinh tế nước ta. Đây là kết quả hết sức rõ nét phản ánh hiệu quả của chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác đã áp dụng trong thời gian qua.
Tất cả các chính sách và giải pháp thực hiện trong năm đều tác động đến hoạt động thương mại và đầu tư, phù hợp với những diễn biến của kinh tế thế giới, tạo niềm tin mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Nhờ đó, kết quả thu hút vốn FDI cũng như giải ngân vốn FDI trong năm 2023 tăng cao.
Hiệu quả của việc ban hành và thực thi các chính sách, giải pháp trong năm là căn cứ để các tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới như: Moody's, Standard & Poor's và Fitch Ratings đều đánh giá Việt Nam có triển vọng "tích cực" sau một thời gian chứng kiến sự cải thiện môi trường vĩ mô và ổn định tài chính của Việt Nam.
Dự báo, năm 2024 tình hình kinh tế, chính trị thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều yếu tố rủi ro bất định gây hệ luỵ đến tăng trưởng kinh tế; do đó, kinh tế Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức hơn là những thời cơ thuận lợi. Mặc dù vậy, với những bài học kinh nghiệm quý báu mà Việt Nam đã đạt được trong năm 2023, chúng ta hoàn toàn tự tin sẽ vượt qua được những thách thức và tận dụng được những thời cơ và cơ hội thuận lợi đem lại trong năm 2024.
Tuy nhiên, theo tôi, một số điểm cần quan tâm, lưu ý hơn trong năm 2024 để thực hiện thành công mục tiêu đó là: tiếp tục ưu tiên tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế đã được nêu ra trong Nghị quyết 103/2023/QH15 ngày 09/11/2023 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Theo đó, chúng ta phải xác định giữ vững ổn định vĩ mô là nền tảng vô cùng quan trọng, đảm bảo nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Ổn định vĩ mô là đòi hỏi hết cấp bách trong năm 2024, khi chúng ta dự báo có một số yếu tố có thể tác động mạnh đến kiểm soát lạm phát, như: tác động của chính sách tiền lương mới, dự kiến áp dụng từ tháng 7/2024; biến động giá xăng dầu, giá điện; đòi hỏi khách quan của việc điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục và dịch vụ y tế.
Tiếp đến là những căng thẳng trên thế giới về giá năng lượng, đặc biệt là giá dầu rất là khó nắm bắt cũng như là chưa lường hết được những biến động trong năm 2024. Kèm theo đó là tác động của các xung đột địa chính trị trên thế giới có thể sẽ tác động trực tiếp tới tình hình tài chính tiền tệ toàn cầu. Qua đó, sẽ có thể tác động đến mặt bằng lãi suất, tỷ giá của đồng Việt Nam, gây áp lực lên kiểm soát lạm phát.
Cùng với đó, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2024 với lượng vốn khoảng 640.000 tỷ đồng, thấp hơn so với năm 2023. Với lượng vốn thấp hơn để phát huy được tác động của đầu tư công đối với tăng trưởng, do đó, chúng ta cần phải quan tâm đến công tác giải ngân từ những tháng đầu năm.
Phóng viên: Dự báo năm 2024 tăng trưởng của các nền kinh tế hàng đầu thế giới, là đối tác thương mại lớn, quan trọng của nước ta suy giảm so với năm 2023. Trước bối cảnh như vậy, xin Thứ trưởng cho biết, kinh tế nước ta sẽ dựa vào những động lực nào để thúc đẩy tăng trưởng?
Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Trong bối cảnh kinh tế năm 2023 rất khó khăn và có thể kéo sang năm 2024, do đó, mục tiêu về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã được đặt ở một vị trí ưu tiên.
Qua rà soát các động lực tăng trưởng, chúng ta thấy động lực từ tổng cầu thế giới, cụ thể là xuất khẩu trong năm 2023 gặp nhiều khó khăn khi nhu cầu của thị trường thế giới giảm sút và các đơn hàng của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang giảm mạnh. Theo dự báo, năm 2024, động lực về xuất nhập khẩu vẫn suy yếu, chúng ta cần tính đến những động lực còn lại, đó là động lực về tiêu dùng trong nước và động lực về đầu tư; trong đó, bao gồm đầu tư công và đầu tư nước ngoài.
Hiện, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài có mức tăng trưởng khá tốt. Hoạt động đối ngoại cấp cao và đối ngoại song phương và đa phương của Việt Nam trong năm 2023 tạo nền tảng quan trọng, tác động rất tích cực trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng và đánh giá Việt Nam vẫn là một thị trường hấp dẫn và là điểm đến lâu dài.
Cùng với đó, Chính phủ cũng tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy đầu tư tư nhân trong bối cảnh kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn. Năm 2023 số lượng doanh nghiệp đăng ký mới tăng rất mạnh, đạt gần 160.000 doanh nghiệp. Mặc dù vậy, vẫn còn điểm hạn chế đó là tỷ lệ vốn bình quân của doanh nghiệp đăng ký mới có giảm so với giai đoạn trước.
Cùng với những giải pháp thực hiện trong chỉ đạo, điều hành, chúng ta cần có những đột phá về xây dựng chiến lược cũng như xây dựng các đề án, nhiệm vụ lớn của nền kinh tế như: cơ cấu lại nền kinh tế hay đổi mới mô hình tăng trưởng… các bộ, ngành, địa phương cũng cần lưu tâm, gắn chủ đề của năm 2024, đó là năm phát triển bứt phá để Việt Nam về đích.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Tin liên quan
-
Tài chính & Ngân hàng
Tập trung cao độ trong tháng cuối giải ngân vốn đầu tư công
09:50' - 31/12/2023
Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về giải ngân vốn đầu tư công.
-
Doanh nghiệp
Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới rót vốn đầu tư vào Mexico
09:58' - 25/12/2023
Từ tháng 1-11/2023, các doanh nghiệp quốc tế đã công bố 363 dự án đầu tư vào Mexico với tổng giá trị lên tới 106,4 tỷ USD, tương đương 6,4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mexico trong năm 2022.
-
Kinh tế Thế giới
Thái Lan thu hút gần 100 tỉ baht vốn đầu tư nước ngoài
07:30' - 24/12/2023
Trong 11 tháng năm 2023, có tổng cộng 612 doanh nghiệp nước ngoài được cấp phép đầu tư và tiến hành hoạt động kinh doanh tại Thái Lan.
-
Doanh nghiệp
Kho bạc nhà nước Quảng Ninh đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
20:24' - 23/12/2023
Kho bạc Nhà nước Quảng Ninh tiếp tục kiểm soát hồ sơ thanh toán vốn đầu tư công linh hoạt theo 2 phương thức “thanh toán trước, kiểm soát sau” và “kiểm soát trước, thanh toán sau”.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Thách thức trong cung ứng nước sạch cho các đô thị Việt Nam
20:08' - 26/12/2024
Nhu cầu về nước sạch ngày càng tăng do gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Tuy nhiên, nguồn cung nước sạch đang đối mặt với nhiều thách thức, mang tính toàn cầu, đó là biến đổi khí hậu.
-
Kinh tế Việt Nam
Điều chỉnh chủ trương đầu tư cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang qua Tuyên Quang
19:28' - 26/12/2024
HĐND tỉnh Tuyên Quang đã xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết Phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) - đoạn qua tỉnh Tuyên Quang.
-
Kinh tế Việt Nam
Phó Thủ tướng: Lựa chọn “trúng, đúng” đơn vị tư vấn khi thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao
16:15' - 26/12/2024
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, mục tiêu của dự án không chỉ xây dựng được một tuyến đường sắt tốc độ cao, mà còn phát triển ngành công nghiệp đường sắt tốc độ cao.
-
Kinh tế Việt Nam
Xuất siêu nông lâm thủy sản đạt kỷ lục gần 18 tỷ USD
15:57' - 26/12/2024
Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023. Giá trị xuất siêu nông lâm thủy sản cũng đạt mức kỷ lục mới 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%.
-
Kinh tế Việt Nam
Tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng, xử lý nhà, đất tại doanh nghiệp nhà nước
15:37' - 26/12/2024
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị số 47/CT-TTg chỉ đạo tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng, xử lý nhà, đất tại doanh nghiệp nhà nước.
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ giao quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang
15:14' - 26/12/2024
Ngày 26/12/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1651/QĐ-TTg, giao quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nhiệm kỳ 2021-2026.
-
Kinh tế Việt Nam
Tinh gọn bộ máy: Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến giảm 6 cơ quan chuyên môn
15:14' - 26/12/2024
Theo ông Nguyễn Văn Nên, phải tính toán sử dụng cho phù hợp, lựa chọn người thực tài, có năng lực và khát vọng cống hiến cho sự nghiệp xây dựng phát triển Thành phố cũng như đất nước.
-
Kinh tế Việt Nam
Năm 2025, Thừa Thiên-Huế sẽ có thêm khoảng 1.000 căn nhà xã hội
12:47' - 26/12/2024
Dự án Nhà ở xã hội tại khu đất XH1 khu C – Đô thị mới An Vân Dương dự kiến sẽ được khởi công vào quý I.
-
Kinh tế Việt Nam
Sẽ đầu tư trên 3.100 tỷ đồng xây dựng hạ tầng lưới điện ở Bến Tre
12:47' - 26/12/2024
Giai đoạn 2020-2025, Tổng công ty đầu tư tại tỉnh Bến Tre với vốn đầu tư hơn 2.261 tỷ đồng; trong đó, lưới điện trung hạ thế 1.356,8 tỷ đồng và 904,4 tỷ đồng lưới 110kV.