Thời điểm "vàng" cho hợp tác khôi phục du lịch nội địa

17:40' - 16/05/2020
BNEWS Trước bối cảnh đất nước dần trở lại bình thường sau dịch COVID-19, Tổng cục Du lịch nhận thấy đây là thời điểm "vàng" để phá băng giúp khôi phục du lịch nội địa.

Với mong muốn tìm các giải pháp, cách làm, đặc biệt là sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, qua đó kích cầu du lịch nội địa sau đại dịch COVID-19, chiều 16/5, tại Thanh Hoá, Hội đồng tư vấn Du lịch Quốc gia (TAB), Tổng cục Du lịch Việt Nam phối hợp cùng Công ty Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) tổ chức Hội nghị "Giới thiệu thời điểm vàng để khám phá du lịch Việt Nam".

 

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du Lịch cho biết, trước bối cảnh đất nước dần trở lại bình thường sau dịch COVID-19, Tổng cục Du lịch nhận thấy đây là thời điểm vàng để phá băng. Việc kích cầu hiện nay giúp các doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn, đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp, hãng hàng không, vận tải du lịch cùng hợp tác kích cầu để khôi phục du lịch nội địa.

 

Bà Emily Nguyễn, Giám đốc ngành Apps và Du lịch, Việt Nam, đại diện Google Châu Á - Thái Bình Dương nhận xét, COVID-19 đã khiến nhu cầu du lịch đến các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương giảm 8,6% so với năm ngoái. Tuy nhiên, chúng ta bắt đầu thấy có sự phục hồi về nhu cầu du lịch ở Việt Nam từ giữa tháng 4 đến nay khi giãn cách xã hội được nới lỏng. Sự phục hồi này đa phần nhờ vào nhu cầu du lịch nội địa. Tìm kiếm liên quan đến chuyến bay nội địa chiếm 85% trong 30 ngày vừa qua và tăng 85% trong thời gian cùng kỳ. Các điểm đến được nhiều người tìm kiếm nhất trong 30 ngày qua lần lượt là Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Đà Lạt, Phú Quốc, Nha Trang, Huế, Quy Nhơn...

 

Nói về xu hướng tìm kiếm qua google thời gian qua, bà Emily Nguyễn chia sẻ, khách du lịch Việt Nam quan tâm nhất hai vấn đề các sản phẩm bảo vệ và giảm giá khi đặt vé máy bay hiện nay. Họ cũng quan tâm hai dịch vụ tương tự khi đặt phòng khách sạn. Trong 6 tuần gần đây, lượng tìm kiếm liên quan tới du lịch biển đảo ở Việt Nam tăng gấp đôi. Những điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất là Vũng Tàu, Phú Quốc, Nha Trang, Quy Nhơn, Vịnh Hạ Long...

 

Cũng trong 6 tuần qua, lượng tìm kiếm liên quan tới công viên, vườn quốc gia ở Việt Nam đã tăng thêm 25%. Mọi người chú ý đến các địa điểm như Phong Nha Kẻ Bàng, vườn quốc gia Ba Vì, Vườn Quốc gia Cúc Phương, hang Sơn Đoòng, vườn quốc gia Cát Tiên, rừng Cúc Phương. Một vài hãng máy bay và công ty du lịch đã có các chương trình hỗ trợ tốt cho khách hàng trong thời gian này là Bamboo Airways, Philippine Airlines, Traveloka”, bà Emily Nguyễn thông tin.

 

Dưới góc độ địa phương, ng Hồ An Phong, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình chia sẻ, mục tiêu của chúng ta hướng đến là khách nội địa trong thời gian vắng bóng khách quốc tế.

Nói là phát triển nội địa, nhưng thực lực của thị trường chưa thực sự mạnh, khi trẻ em phải đi học, hoạt động sản xuất cần duy trì... nên chỉ kích cầu nội địa để lấy đà khôi phục hoàn toàn, tạo ra một ưu thế mới.

Tất cả các tỉnh, đặc biệt là địa phương có điểm du lịch trọng điểm của Việt Nam, từ chính phủ đến bộ, ngành, địa phương có các giải pháp tình thế rất kịp thời. Hiện cơ chế nhà nước đã rất thông thoáng, doanh nghiệp của chúng ta rất sáng tạo.

 

Từng có kinh nghiệm với cuộc khủng hoảng Formosa 2017, chúng tôi chỉ mất 6 tháng để phục hồi hoàn toàn, nên không quá bi quan. Địa phương chúng tôi chịu đựng được, tin tưởng cộng đồng du lịch sẽ phục hồi, nhưng chúng tôi lo cho các doanh nghiệp lớn.

Khi mạng lưới quốc tế giảm, thì đường bay nội địa phải tăng cường và bước đầu phải chấp nhận lỗ, do đó sức khoẻ của các hãng vận chuyển nội địa rất quan trọng. Tôi đề nghị Bamboo Airways tăng cường chuyến đến Đồng Hới, Quảng Bình”, ông Hồ An Phong đề xuất.

Ông Phan Thiên Định, đại diện của tỉnh Thừa Thiên Huế - Đối cho rằng, để phát triển du lịch nội địa chúng ta cần phải tạo ra hệ sinh thái là các nhà hàng, dịch vụ, khách sạn. Ví dụ tại Huế,  trong giai đoạn đầu, trước lễ 30/4 tới 7/5, chúng tôi đã miễn phí vé thăm quan Đại Nội. Sau đó, chúng tôi tiếp tục đề nghị Hội đồng nhân dân giảm 50% phí tham quan từ ngày 8/5 đến 8/7. Sau đó, UBND tỉnh được pháp chủ động giảm phí tham quan.

 

Chúng tôi đánh giá hoạt động của các đơn vị lữ hành trong thời gian tới gặp nhiều khó khăn vì khách hàng có xu hướng đi theo nhóm cá nhân hoặc gia đình nhiều hơn. Việc đặt hàng đi du lịch qua mạng là tất yếu. Vì vậy, chúng tôi mong muốn hỗ trợ cho các đơn vị xây dựng MV quảng bá qua mạng; thúc đẩy gói kích cầu du lịch, giảm giá phòng, đưa ra các gói giảm giá 20% - 30%; xây dựng chương trình điểm đến an toàn, ở khách sạn 4 sao với chi phí phải chăng... Chúng tôi cũng đề nghị chính phủ mở lại đường bay Huế - Hà Nội, Huế - Vinh để đáp ứng nhu cầu của khách đến Huế và mong chính phủ sớm có chính sách hỗ trợ”, ông Phan Thiên Định thông tin.

 

Ông Cao Tường Huy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho hay, trước đại dịch COVID-19, du lịch Quảng Ninh cũng như cả nước đã vượt qua những cuộc khủng hoảng như Sars 2003, khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008, H5N1...Chúng tôi cho rằng, mỗi lần chúng ta khó khăn thì chúng ta lại sáng tạo, vươn lên tìm ra những giải pháp căn cơ để vượt qua. Chúng tôi đã họp bàn đưa ra rất nhiều giải pháp cụ thể.  

Trong đó có giải pháp quan trọng để kích cầu du lịch phải kể đến là  Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã họp ban hành nghị quyết hỗ trợ kích cầu với rất nhiều ưu đãi, như miễn giảm lệ phí với tất cả khách đến tham quan Hạ Long, khu du tích Yên Tử, bảo tàng...

Về sản phẩm mới, ông Cao Tường Huy cho hay, tỉnh Quảng Ninh động viên các doanh nghiệp cho ra sản phẩm mới trong tháng 5-6 như tour du lịch chăm sóc sức khoẻ trên Yên Tử. Đồng thời, tăng cường quảng bà kích cầu du lịch, du lịch an toàn, thành lập Liên minh Kích cầu Du lịch Quảng Ninh để phấn đấu Quảng Ninh luôn là điểm đến an toàn, hấp dẫn trong mắt du khách.

 

Là một doanh nghiệp của nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng từ dịch COVID-19, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC đánh giá, có thể nói du lịch biển bao giờ cũng là thời điểm vàng, là tiềm năng nhưng lại không được phát huy đúng mức. Chúng ta hiện chưa thực sự tìm ra giải pháp để thu hút khách du lịch mà chỉ chờ đợi người ta tìm đến với mình.

 

Đối với FLC, chúng tôi luôn tìm cách thu hút du khách tới. Như tỉnh Thanh Hóa từ năm 2015 tới giờ, chúng tôi không ngừng quảng bá hình ảnh du lịch Sầm Sơn, đầu tư có bài bản, tâm huyết. Điều này giúp tăng lượng du khách tới Thanh Hóa từ 3 triệu lên 9 triệu khách trong năm 2019. Tỉnh thứ hai chúng tôi làm du lịch là Bình Định. Trước khi FLC vào, chỉ có ba chuyến bay một tuần rồi sau đó tăng lên 3 chuyến bay một ngày. Khi chúng tôi tới, có 47 chuyến bay một ngày", ông Trịnh Văn Quyết nhìn nhận.

 

Để kích cầu du lịch trong thời gian tới, ông Trịnh Văn Quyết thông tin, “BambooAirways kết hợp với hệ sinh thái của FLC tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo. Ngoài đưa ra các gói combo cho khách hàng, chúng tôi kết hợp với nhiều doanh nghiệp làm tour du lịch, quần thể nghỉ dưỡng, giúp những người không có điều kiện cũng có cơ hội đi du lịch. Có thể thời gian tới người Việt sẽ có xu hướng đi du lịch trong nước nhiều hơn. Điều tôi mong muốn là những người làm du lịch hãy tuân thủ quy định, không "chặt chém" khách hàng, luôn lịch sự, niềm nở thì du lịch chắc chắn sẽ "phất"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục