Thời khắc quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của Thái Lan

05:30' - 15/10/2024
BNEWS Thái Lan đang ngày càng chịu nhiều tác động từ biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng nhiệt độ tăng cao, lượng mưa lớn và lũ lụt nghiêm trọng xảy ra thường xuyên hơn.
Trang mạng của Viện Lowy (Australia) mới đây đăng bài viết cho rằng, mặc dù Chính phủ Thái Lan đã thực hiện nhiều bước để giải quyết tác động của biến đổi khí hậu, nhưng vẫn cần tăng cường thêm các nỗ lực.

Mưa lớn, lở đất và lũ quét một lần nữa tàn phá kinh tế Thái Lan. Giữa mùa gió mùa hàng năm (tháng 7-10), sự xuất hiện gần đây của hiện tượng thời tiết La Niña và hậu quả của cơn bão Yagi đã gây ra tình trạng hỗn loạn ở khu vực phía Bắc Thái Lan. Hậu quả rất nghiêm trọng. Thiệt hại ước tính đối với Chiang Rai và các tỉnh lân cận lên tới 27 tỷ baht (830 triệu USD) từ đợt lũ lụt đầu tiên. Hơn 150.000 gia đình đã bị ảnh hưởng kể từ giữa tháng 8/2024.

Thái Lan đang ngày càng chịu nhiều tác động từ biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng nhiệt độ tăng cao, lượng mưa lớn và lũ lụt nghiêm trọng xảy ra thường xuyên hơn. Trận lũ lụt tàn khốc ở Bangkok năm 2011 khiến hơn 680 người thiệt mạng và ảnh hưởng đến gần 13 triệu người, gây tổng thiệt hại lên tới 1.430 tỷ baht (46,5 tỷ USD) – tương đương 12,6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước. Lũ lụt nghiêm trọng trên khắp Thái Lan trong giai đoạn tháng 9-10/2022 đã khiến chính phủ phải chi tiêu cứu trợ lên tới 663 triệu USD, tương đương 0,13% GDP.

 
Theo ước tính từ dự án nghiên cứu Krungsri, lũ lụt năm nay có thể khiến kinh tế Thái Lan thiệt hại tới 59,5 tỷ baht (1,79 tỷ USD), làm tăng thêm mối lo ngại về kinh tế đất nước. Một số bước đã được thực hiện. Năm ngoái, chính phủ đã thành lập một cơ quan mới về biến đổi khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường để điều phối các nỗ lực liên quan đến khí hậu quốc gia.

Tuy nhiên, bài viết trên cho rằng Chính phủ Thái Lan vẫn cần nỗ lực nhiều hơn nữa. Khi các thảm họa liên quan đến khí hậu gia tăng trên toàn cầu, các quốc gia như Thái Lan phải lồng ghép nỗ lực quốc gia vào các lĩnh vực bao gồm quản lý nước, để đạt được kế hoạch ứng phó hiệu quả, đặc biệt là ở khu vực thành thị.

Dự báo lũ lụt và hạn hán, lập mô hình biến đổi khí hậu, lập bản đồ nguy cơ và đánh giá rủi ro khí hậu cần được tăng cường trên khắp Thái Lan để tinh chỉnh các dự báo thủy văn và xác định khu vực dễ bị tổn thương. Việc thu thập và dự báo dữ liệu nâng cao cho phép chính quyền và cộng đồng thực hiện các biện pháp phòng ngừa sớm hơn.

Có những lợi ích rõ ràng từ phương pháp này. Liên hợp quốc nhấn mạnh rằng khoản đầu tư 800 triệu USD vào hệ thống cảnh báo sớm có thể ngăn ngừa thiệt hại do thiên tai liên quan đến khí hậu tương đương 3-16 tỷ USD mỗi năm ở các nước đang phát triển. Chỉ cần thông báo trước 24 giờ về các sự kiện nguy hiểm sắp xảy ra là có thể giảm 30% thiệt hại sau đó.

Thành công của phương pháp này được thể hiện vào năm 2023, khi Myanmar cải thiện khả năng quản lý thảm họa đối với bão Mocha, bao gồm các cảnh báo sớm trong nước, dẫn đến số thương vong ít hơn đáng kể so với bão Nargis năm 2008 từng khiến 140.000 người thiệt mạng. Việc thiếu hệ thống cảnh báo sớm và mạng lưới radar thời tiết có thể dự đoán lốc xoáy, là những nguyên nhân chính dẫn đến số người chết cao.

Đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI) và các vệ tinh tiên tiến có thể tăng cường đáng kể việc giám sát khí hậu, thu thập và phân tích dữ liệu. Thái Lan có thể tận dụng mối quan hệ đối tác khu vực với Australia, quốc gia đã đạt được những tiến bộ lớn trong các lĩnh vực này và sở hữu chuyên môn cũng như kiến thức kỹ thuật có giá trị trong việc quản lý các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Ví dụ, dự án Cảm biến thông minh về lũ lụt và bão ở bang New South Wales của Australia đang thử nghiệm việc sử dụng AI và mạng di động để dự đoán tác động của lũ lụt bằng cách tích hợp dữ liệu thời tiết theo thời gian thực cục bộ và dữ liệu lịch sử của Cục Khí tượng để dự đoán rủi ro lũ lụt. Những tiến bộ này có thể hỗ trợ các nỗ lực phục hồi khí hậu của Thái Lan.

Cơ sở hạ tầng xanh, như vùng đất ngập nước được xây dựng và rừng đô thị, cũng có thể giúp quản lý nước mưa và tăng cường khả năng phục hồi của đô thị. Bằng cách tăng khả năng hấp thụ nước và giảm dòng chảy, cơ sở hạ tầng có thể giúp giảm thiểu lũ lụt, đồng thời cung cấp không gian giải trí.

Mặc dù có tỷ lệ không gian xanh thấp nhất Đông Nam Á, Bangkok có kế hoạch xây dựng 500 công viên vào năm 2026, bao gồm công viên tưởng niệm Vua Bhumibol Adulyadej. Công viên này, hiện đang được xây dựng và lớn hơn Công viên Trung tâm của New York (Mỹ), sẽ có 4.500 cây xanh và một vùng ngập nước được thiết kế để lọc nước mưa, đồng thời giúp giảm thiểu lũ lụt. Sáng kiến này được triển khai dựa trên việc khai trương công viên Rừng Benjakitti trị giá 20 triệu USD trong thành phố. Công viên này cũng được thiết kế để hấp thụ lượng mưa dư thừa trong các đợt gió mùa. Những dự án như vậy có thể được nhân rộng ở các khu vực dễ bị lũ lụt khác trên khắp Thái Lan.

Tuy nhiên, thách thức đang ở phía trước. Bên cạnh những hạn chế về thời gian và lập kế hoạch chiến lược để giảm tác động lâu dài của biến đổi khí hậu, việc tài trợ và quản lý cơ sở hạ tầng nước phải được chính quyền ở cấp trung ương và địa phương giải quyết. Điều này đòi hỏi sự đầu tư đáng kể, thường là 7 USD vốn cho mỗi 1 USD thu nhập.

Câu hỏi đặt ra là ai có thể tài trợ cho việc này? Tính đến cuối tháng 3/2024, nợ hộ gia đình trung bình của Thái Lan đạt mức cao kỷ lục hơn 16.400 tỷ baht (484 tỷ USD), tương đương 90,8% GDP. Điều này khiến Thái Lan, nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á, nằm trong số những quốc gia có nợ hộ gia đình cao nhất khu vực.

Để giải quyết thách thức về tài chính, chính phủ có thể tìm kiếm đầu tư từ khu vực tư nhân hoặc thiết lập quan hệ đối tác công-tư với các tổ chức đa phương. Chẳng hạn, Ngân hàng Thế giới (WB) rất quan tâm đến vấn đề này. Cục Thủy lợi Hoàng gia đã đưa ra Kế hoạch Chao Phraya 9 trị giá 9,4 tỷ USD để cải thiện việc kiểm soát lũ lụt ở khu vực Bangkok rộng lớn và WB đang thảo luận để cung cấp hỗ trợ, bao gồm 1,85 tỷ USD cho giai đoạn đầu của dự án.

Thái Lan phải đối mặt với thời điểm quan trọng của việc giải quyết các tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu, đặc biệt là lũ lụt. Mặc dù chính phủ đã thực hiện các bước để giải quyết những lo ngại này, nhưng vẫn cần phải tăng cường nỗ lực để xây dựng một tương lai có khả năng chống chọi tốt hơn với biến đổi khí hậu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục