Thời tiết cực đoan thúc đẩy xu hướng di dân ở Ấn Độ

16:03' - 26/10/2021
BNEWS Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện với tần suất ngày càng lớn và khắc nghiệt hơn đã phá vỡ giới hạn chống chịu cũng như khả năng phục hồi của người dân.

Ngày 26/10, các nhà nghiên cứu cho biết việc gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan ở Ấn Độ - từ hạn hán, lũ lụt cho tới các đợt nắng nóng nghiêm trọng và các đợt mưa đá lớn - đang thúc đẩy tình trạng di cư vì khí hậu khi những người nghèo nhất buộc phải rời bỏ nhà cửa, đất đai và kế sinh nhai của họ. 

Viện Môi trường và Phát triển Quốc tế (IIED) đã khảo sát hơn 1.000 hộ gia đình tại 3 bang có hiện tượng di cư phổ biến ở Ấn Độ là Uttar Pradesh, Madhya Pradesh và Rajasthan. Kết quả cho thấy gần 70% số người được hỏi cho biết họ đã di cư ngay sau khi xảy ra các đợt thiên tai như vậy. 

Nghiên cứu chỉ ra rằng xu hướng di cư theo mùa tăng cao ở những người chịu tác động của hạn hán và lũ lụt - nguyên nhân khiến mùa màng thất thu - hoặc tác động của các trận lốc xoáy gây ảnh hưởng tới hoạt động đánh bắt cá. Đây là một trong những yếu tố đầu tiên để xác định mức độ tác động của biến đối khí hậu đối với xu hướng di cư tại Ấn Độ. 

Các nhà nghiên cứu cho biết nhiều người nghèo cùng cực ở Ấn Độ - như các hộ nông dân nhỏ - ngày càng khó có thể chống chịu trước những thiệt hại do thời tiết cực đoan gây ra khi quốc gia Nam Á này đang gồng mình ứng phó với tình trạng mực nước biển dâng cao, với các đợt nắng nóng gay gắt hơn và các cơn lốc xoáy dữ dội hơn.

Ông Ritu Bharadwaj, nhà nghiên cứu cấp cao tại IIED, đồng tác giả nghiên cứu trên, nhấn mạnh: "Quy mô di cư vì khí hậu thật đáng kinh ngạc. Hạn hán, mực nước biển dâng và lũ lụt ngày càng gia tăng áp lực lên những người đang phải vật lộn để vượt qua khó khăn, buộc họ phải rời bỏ nhà cửa để có thể sinh tồn.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện với tần suất ngày càng lớn và khắc nghiệt hơn đã phá vỡ giới hạn chống chịu cũng như khả năng phục hồi của người dân. Những mất mát, thiệt hại mà họ phải chịu đựng là rất lớn. Họ di cư bởi họ đang ở giai đoạn tuyệt vọng." 

Theo bảng xếp hạng Chỉ số Rủi ro Khí hậu Toàn cầu 2021 của nhóm nghiên cứu Germanwatch, Ấn Độ nằm trong tốp 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

Chỉ riêng trong năm 2020, nước này đã phải hứng chịu nạn châu chấu tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, 3 cơn lốc xoáy, một đợt nắng nóng, lũ lụt trên toàn quốc đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người và buộc hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa.

Báo cáo đầu tiên đánh giá về tình trạng biến đổi khí hậu của Ấn Độ, được công bố năm 2020, đã dự báo nhiệt độ sẽ tăng 4,4 độ C vào cuối thế kỷ này nếu thế giới vẫn vận hành như hiện nay và không có hành đồng gì. Trong kịch bản này, tần suất xảy ra các đợt nắng nóng sẽ cao gấp 4 lần, cường độ lốc xoáy sẽ tăng và mực nước biển dâng thêm 30cm.

Báo cáo cho biết thêm rằng nhiều người rời bỏ nhà cửa do không còn nhiều công việc nhà nông và tìm việc tại các công trường xây dựng hoặc trên các cánh đồng bông ở Maharashtra, Gujarat và New Delhi.

Hơn 70% hộ gia đình tham gia khảo sát cho biết hạn hán xảy ra thường xuyên hơn trong 5 đến 10 năm qua, từ đó dẫn tới gia tăng xu hướng di cư trong vô vọng, khi mọi người cảm thấy không còn lựa chọn nào khác để sinh tồn.

Nhà nghiên cứu Bharadwaj nhấn mạnh giới chức cần phải lập kế hoạch cho hàng trăm triệu người có thể sẽ phải di cư trong những thập kỷ tới do biến đổi khí hậu. Bên cạnh việc cải tiến các cơ chế hiện hành, cũng cần phải chủ động các biện pháp phòng ngừa trước khi xảy ra thảm họa. 

Trong khi đó, IIED cho biết các chương trình bảo trợ xã hội của Ấn Độ hiện chưa tính tới các hiện tượng thời tiết cực đoan và không được hoạch định để chống chịu trước các tác động của khí hậu.

Theo nghiên cứu của IIED, đề án quốc gia đảm bảo việc làm ở nông thôn - trong đó cam kết 100 ngày làm việc mỗi năm cho mọi hộ gia đình - không đóng vai trò như "một mạng lưới an toàn khả thi" do chậm trễ trong việc trả lương và thiếu minh bạch.

IIED nhấn mạnh việc đảm bảo di cư an toàn cho những người buộc phải di dời do các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu nên gắn với việc làm được thanh toán lương trước và đảm bảo linh hoạt các quyền bảo trợ xã hội./.

>>Ấn Độ đặt mục tiêu xuất khẩu 100 tỷ USD hàng dệt may trong 5 năm tới

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục