Thông qua Đề án cơ cấu lại Petrolimex giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2035

11:38' - 18/12/2022
BNEWS Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2022 của Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa thông qua Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2035.
Theo đề án này, Petrolimex tiếp tục là doanh nghiệp nhà nước trọng yếu, giữ vai trò chủ đạo trong cân đối cung cầu, đảm bảo cung cấp xăng dầu, bình ổn và phát triển thị trường, phục vụ sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước và bảo đảm an ninh quốc phòng, nhất là an ninh năng lượng.

 
Bên cạnh đó, Petrolimex tiếp tục duy trì vị thế là doanh nghiệp  lớn nhất trên thị trường Việt Nam trong kinh doanh xăng dầu ở khâu hạ nguồn, tiếp tục lấy xăng dầu làm trục chính trong hoạt động kinh doanh, giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh trọng yếu như: khí hóa lỏng, sản phẩm hoá dầu, vận tải xăng dầu, xuất nhập khẩu xăng dầu, trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu cả nước về quy mô thị trường và hiệu quả kinh tế.

Petrolimex cũng đặt mục tiêu trở thành Tập đoàn kinh tế top đầu tại Việt Nam về kinh doanh sản phẩm năng lượng sạch, thân thiện với môi trường trước năm 2035, phấn đấu kinh doanh đa quốc gia trước năm 2045.

Để hoàn thành các mục tiêu của Đề án này, Petrolimex sẽ cơ cấu lại vốn Công ty mẹ, đảm bảo có đủ năng lực tài chính để đầu tư tại các công ty con, tạo ra các doanh nghiệp trong Tập đoàn có vốn chủ sở hữu lớn, có tiềm lực về tài chính, đảm bảo nâng cao hiệu quả vốn đầu tư.

Cụ thể, Nhà nước tiếp tục nắm giữ 75,87% vốn điều lệ tại Petrolimex theo Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2021-2025. Công ty mẹ-Tập đoàn đặt mục tiêu đến năm 2025, vốn điều lệ đạt 20.000 tỷ đồng trong trường hợp cấp có thẩm quyền cho phép tăng vốn điều lệ hoặc thực hiện đầu tư bổ sung vốn nhà nước theo quy định.

Theo đề án, Petrolimex cũng sẽ sắp xếp các đơn vị góp vốn. Cụ thể, giữ nguyên loại hình doanh nghiệp với 44 công ty thành viên kinh doanh xăng dầu thuộc ngành nghề kinh doanh chính do Petrolimex sở hữu 100% vốn điều lệ; thành lập mới một số công ty TNHH MTV kinh doanh xăng dầu do Petrolimex nắm giữ 100% vốn điều lệ trên cơ sở vốn và tài sản hiện có của một số chi nhánh các công ty xăng dầu tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của Petrolimex hiện nay; giữ 65% vốn điều lệ trở lên với Công ty TNHH Liên doanh kho ngoại quan xăng dầu Vân Phong; giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ với 4 đơn vị là Tổng Công ty Gas Petrolimex-CTCP, CTCP Nhiên liệu bay Petrolimex, Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex-CTCP và Công ty xăng dầu Kiên Giang-TNHH; giữ từ 35% đến dưới 50% vốn điều lệ với 2 đơn vị là Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex và Công ty TNHH BP Petco.

Đặc biệt, Petrolimex sẽ thực hiện thoái toàn bộ phần vốn đang nắm giữ giai đoạn 2022-2023 với 2 đơn vị là Tổng Công ty xây lắp và thương mại Petrolimex và Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex.

Ngoài ra, từ nay đến năm 2024, ba đơn vị của Petrolimex là Tổng Công ty dịch vụ xăng dầu Petrolimex-TNHH MTV, Công ty Petrolimex Lào-TNHH MTV và Tổng công ty vận tải thủy Petrolimex-TNHH MTV sẽ đánh giá và hoàn thành phương án tái cơ cấu theo phương thức chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, giải thể, thoái vốn, sáp nhập./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục