Thông qua NQ về công nhận và thi hành phán quyết của CQ giải quyết tranh chấp theo EVIPA
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, sáng 18/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) với 95,03% đại biểu tán thành.
Nghị quyết này quy định việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết chung thẩm về nghĩa vụ tài chính do cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư ban hành theo quy định tại Mục B Chương 3 của Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu được ký ngày 30/6/2019 tại Việt Nam.
Phán quyết được ban hành trong thời hạn 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực hoặc trong một thời gian dài hơn theo quyết định của Ủy ban thành lập theo Điều 4.1 của Hiệp định đối với bị đơn là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được coi như phán quyết của Trọng tài nước ngoài.
Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài phù hợp với Công ước về công nhận và thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài, làm tại New York, ngày 10/6/1958 để xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận Phán quyết đối với bị đơn là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Phán quyết được ban hành sau thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này đối với bị đơn là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được công nhận như bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án Việt Nam. Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người phải thi hành Phán quyết có tài sản ra quyết định công nhận, cho thi hành Phán quyết trên lãnh thổ Việt Nam khi người được thi hành Phán quyết có đơn yêu cầu.
Kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, Phán quyết được ban hành đối với bị đơn là Liên minh châu Âu hoặc nước thành viên Liên minh châu Âu được công nhận như bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án Việt Nam. Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người phải thi hành Phán quyết có tài sản ra quyết định công nhận, cho thi hành Phán quyết trên lãnh thổ Việt Nam khi người được thi hành Phán quyết có đơn yêu cầu.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày Hiệp định EVIPA có hiệu lực.
Trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định EVIPA, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến tán thành việc Nghị quyết chỉ quy định về nguyên tắc việc công nhận phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA và việc áp dụng pháp luật; có ý kiến đề nghị làm rõ vấn đề “công nhận” theo dự thảo Nghị quyết có cần làm thủ tục nào hay không; có ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn về thủ tục công nhận và cho thi hành phán quyết như: thủ tục nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ; cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ; thẩm quyền của Tòa án…
Về ý kiến đề nghị thu phí, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, theo quy định của Luật Phí và lệ phí, việc quy định về án phí, lệ phí Tòa án thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hiện tại, mức thu, việc thu, nộp, quản lý, miễn, giảm án phí, lệ phí Tòa án đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể, trong đó có khoản thu phí xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài. Bên cạnh đó, việc có áp dụng chính sách thu phí, lệ phí đối với việc công nhận và cho thi hành phán quyết theo Hiệp định EVIPA hay không cần được cân nhắc trong quá trình thi hành Hiệp định, trên nguyên tắc có đi có lại đối với các quốc gia tham gia Hiệp định. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không quy định vấn đề này vào dự thảo Nghị quyết.
Có ý kiến đề nghị xem xét nội dung quy định việc giao trách nhiệm cho Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan trong việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm thực hiện Nghị quyết, tránh trùng lặp với quy định của Nghị quyết của Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVIPA.
Tiếp thu ý kiến đại biểu quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý Điều 3 dự thảo Nghị quyết theo hướng: bỏ nội dung quy định về việc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để ban hành theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản để bảo đảm thực hiện Nghị quyết này và các cam kết có liên quan của Việt Nam theo quy định của Hiệp định. Đồng thời, quy định rõ nhiệm vụ của Tòa án nhân dân tối cao trong việc hướng dẫn thi hành khoản 2 và khoản 3 Điều 2 Nghị quyết này./.
Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Việt Nam sẵn sàng cho việc triển khai các hiệp định EVFTA, EVIPA
19:13' - 11/06/2020
Việc Việt Nam và EU hoàn tất phê chuẩn và sớm triển khai các Hiệp định này sẽ mang lại nhiều lợi ích cụ thể và thiết thực cho các nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân của cả hai bên.
-
Ý kiến và Bình luận
Hiệp định EVFTA và EVIPA: Bước triển khai quan trọng Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế
10:10' - 11/06/2020
Quyết định phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA của Quốc hội nước ta có ý nghĩa hết sức quan trọng, chính thức đưa Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
-
Kinh tế Việt Nam
Hiệp định EVIPA: Tăng thu hút vốn đầu tư, tiếp cận nền công nghiệp hiện đại
10:49' - 08/06/2020
Sáng 8/6, Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Thu nhập bình quân đầu người vẫn tiếp tục giảm
17:47'
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, năm 2021, thu nhập bình quân đầu người vẫn tiếp tục giảm so với năm 2020 do tác động của đại dịch COVID-19.
-
Kinh tế Việt Nam
Đề xuất kiểm toán dự án BOT tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP. HCM–Trung Lương
16:01'
UBND Tp. Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi Kiểm toán Nhà nước, đề nghị bổ sung kế hoạch kiểm toán dự án xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Trung Lương.
-
Kinh tế Việt Nam
Đón sóng phục hồi
09:01'
Trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành giao thông vận tải đã có bước phục hồi nhanh chóng, thể hiện qua những con số tăng trưởng mạnh của lĩnh vực hàng không.
-
Kinh tế Việt Nam
Thiết lập nhiều hình thức tiêu thụ nông sản
08:27'
Rải vụ các loại nông sản, đặc biệt là trái cây đang khá thành công và mang lại hiệu quả kinh tế cao ở nhiều vùng sản xuất.
-
Kinh tế Việt Nam
Kiểm tra tiến độ dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo
22:00' - 02/07/2022
Ngày 2/7, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo đoạn qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
-
Kinh tế Việt Nam
Hình ảnh các hạng mục sắp về đích cao tốc Tiên Yên - Móng Cái
20:23' - 02/07/2022
Cao tốc Tiên Yên-Móng Cái dự kiến sẽ đưa vào khai thác tạm thời từ ngày 1/8/2022, do đó trên công trường đang đẩy mạnh thi công 3 ca để hoàn thành mục tiêu trên.
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4
19:12' - 02/07/2022
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản số 4114/VPCP-KGVX ngày 2/7/2022 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19.
-
Kinh tế Việt Nam
4 địa phương ký kết phối hợp triển khai đường vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh
17:08' - 02/07/2022
Ngày 2/7, UBND Tp. Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch xây dựng đường vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh và công tác chuẩn bị dự án đường vành đai 4 Tp. Hồ Chí Minh.
-
Kinh tế Việt Nam
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Không chủ quan, bám sát diễn biến của bão số 1
15:50' - 02/07/2022
Sáng 2/7, từ đầu cầu trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp trực tuyến về phòng chống cơn bão số 1 (tên quốc tế là CHABA), có sức gió mạnh nhất cấp 11-12, giật cấp 15.