Thông tin cung ứng hàng hóa tác động thế nào tới tâm lý thị trường?

08:38' - 19/04/2020
BNEWS Thời gian qua, khi tình hình dịch bệnh COVID-19 có diễn biến phức tạp đã khiến người dân tại một số địa phương có tâm lý hoang mang, mua hàng tích trữ.

Để chủ động phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ đã sớm yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu tại địa phương có dịch bệnh, xử lý các khó khăn vướng mắc trong quá trình cung ứng hàng hóa.

Nhưng vẫn có những hành động đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ vừa qua cho thấy thị trường Việt Nam còn bị ảnh hưởng khá nhiều vào yếu tố tâm lý.

Trong khi thực tế, lượng hàng hóa mà Việt Nam có thể cung cấp rất dồi dào, thậm chí còn dư thừa cho xuất khẩu. Các ngành chức năng còn có các kịch bản cung ứng trong các trường hợp.

Ghi nhận ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý dưới đây của phóng viên TTXVN cho thấy, để tránh những cảnh tương tự tái diễn, Nhà nước cần xây dựng cũng như cung cấp đầy đủ thông tin tới người dân về tình hình sản xuất, hệ thống an ninh lương thực, thực phẩm.

*Ông Trần Duy Đông-Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương): Xây dựng kịch bản cung ứng hàng hoá trong mọi trường hợp

Thực tế là thị trường Việt Nam còn bị ảnh hưởng khá nhiều vào yếu tố tâm lý. Điều này cho thấy rõ trong các dịp cuối năm, Tết Nguyên đán hoặc các đợt thiên tai hay dịch bệnh như cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi. Đặc biệt, trong điều kiện dịch COVID-19 ảnh hưởng đến toàn xã hội, tâm lý người tiêu dùng lại càng dễ bị tác động.

Thời gian qua, khi tình hình dịch bệnh COVID-19 có diễn biến phức tạp đã khiến người dân tại một số địa phương có tâm lý hoang mang, mua hàng tích trữ.

Do vậy, để bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho thị trường, Bộ Công Thương đã triển khai kịp thời các biện pháp góp phần nhanh chóng ổn định thị trường và tâm lý của người dân. Vụ Thị trường trong nước đã trực tiếp yêu cầu các địa phương xây dựng phương án bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu ứng phó dịch COVID-19 theo 5 cấp độ.

Cụ thể, các địa phương gửi phương án về Bộ Công Thương và trong đó, mỗi phương án được yêu cầu đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn cung cho 13 mặt hàng thiết yếu gồm gạo, dầu ăn, mì gói, gia vị, nước chấm, trứng gia cầm, thuỷ hải sản, rau củ quả…

Ngoài ra, các địa phương phải tính được nhu cầu hàng hoá thực phẩm với 13 loại mặt hàng trên để cân đối trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng yêu cầu mỗi doanh nghiệp sản xuất và phân phối có số lượng dự trữ và cung ứng hàng hoá thiết yếu, với kế hoạch triển khai thực hiện theo 5 cấp độ của Ban Chỉ đạo quốc gia.

Đồng thời, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các Sở Công Thương các địa phương, các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn các tỉnh chủ động nguồn hàng dự trữ, luôn bảo đảm nguồn cung cho thị trường kể cả khi thị trường có nhu cầu tăng cao.

Chính vì vậy, về cơ bản thị trường các mặt hàng thiết yếu; trong đó có mặt hàng thịt lợn đã giữ được ổn định. Những hiện tượng mua hàng tích trữ chỉ xảy ra cục bộ và nhanh chóng được xử lý, tạo niềm tin tốt hơn cho người tiêu dùng.

Thời gian tới, nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trong mọi tình huống thiên tai dịch bệnh, Bộ Công Thương sẽ liên tục theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường và đôn đốc, yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh thành phố cập nhật kịch bản ứng phó theo từng cấp độ diễn biến của dịch bệnh; phương án cung ứng hàng hóa theo từng trường hợp.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nhu yếu phẩm như: lương thực, thực phẩm… báo cáo năng lực cung ứng trong toàn hệ thống các mặt hàng trong giai đoạn dịch bệnh đang diễn biến phức tạp để có phương án điều phối hàng hóa cho các địa bàn cần hỗ trợ.

Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với các cơ quan báo chí, thông tin truyền thông cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác tới người dân về tình hình cung cầu các hàng hóa thiết yếu để ổn định tâm lý của người dân.

* Ông Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Xây dựng Hệ thống thông tin an ninh lương thực

Muốn đảm bảo được vấn đề an ninh lương thực thì theo tôi thông tin là quan trọng nhất.

Trước đây hệ thống này đã có nhưng gần đây bị bỏ bẵng một thời gian không cập nhật. Trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, không chỉ dịch COVID-19 mà có thể những biến động khác có thể gây ra tính bất ổn cao. Do đó, Hệ thống thông tin an ninh lương thực cần được Nhà nước tập trung xây dựng,  đầu tư và phát triển.

Hiện hệ thống  thông tin lương thực khá yếu, không nắm được sản xuất bao nhiêu, có bao nhiêu. Sự phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Bộ Công Thương cần có sự chặt chẽ hơn. Chẳng hạn trong điều hành xuất khẩu gạo vừa qua, đến lúc cần thông tin, cơ quan quản lý mới đi điều tra, khảo sát, như vậy có sự chủ quan, không có sự chủ động. Cơ quan quản lý Nhà nước cần lường trước được các tình huống có thể xảy ra và trong tương lai cũng sẽ có những bất ổn xảy ra.

Hiện nay, ngành nông nghiệp phải đảm bảo an ninh lương thực theo nghĩa mới là không chỉ phải đảm bảo đủ khối lượng mà phải đảm bảo cả về an toàn thực phẩm và dinh dưỡng.

Trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp quốc có mục tiêu số 2 về an ninh lương thực. Thực hiện mục tiêu này, Việt Nam cũng đã xây dựng chương trình không còn nạn đói để phát triển nông nghiệp dinh dưỡng.

Trong những năm tới, Chính phủ cần đầu tư vào nông nghiệp dinh dưỡng để tập trung phát triển các vùng khó khăn, xa xôi, vùng bị ảnh hưởng nặng bởi biến đổi khí hậu… Ở đó cuộc sống người dân rất khó khăn và chúng ta phải tạo an ninh lương thực cấp địa phương. Những vùng khó khăn này, Nhà nước cần có các chính sách đặc biệt.

Hiện nay biến đổi khí hậu đang có nhiều vấn đề mới mà Việt Nam chưa đề cập được như việc phải gieo cấy sớm ở Đồng bằng sông Cửu Long để tránh hạn, mặn. Các vùng khác như Tây Nguyên, miền Trung… cũng cần được Chính phủ và ngành nông nghiệp nghiên cứu và có các giải pháp ứng phó như vậy. Hay việc đầu tư nghiên cứu để thay đổi cơ cấu giống cây trồng sao cho thích ứng với các điều kiện sản xuất khó khăn.

* Chuyên gia nông nghiệp, Giáo sư Võ Tòng Xuân: Thông tin đầy đủ về tình hình dự trữ cũng như sản xuất

Vai trò của nông nghiệp là bảo đảm lượng thực, thực phẩm cho cả nước. Trong mọi hoàn cảnh, nếu giữ vững được điều này thì xã hội sẽ không bị xáo trộn. Nông nghiệp Việt Nam đã thực hiện vai trò này trong hơn 30 năm qua với một hệ thống bảo đảm an toàn cho lương thực, thực phẩm.

Nếu chẳng may có thiên tai thì ngành nông nghiệp cũng khôi phục nhanh chóng, bởi chúng ta đã có các giống lúa chỉ cần từ 90-100 ngày là có được một vụ thu hoạch, trong 2 năm có thể sản xuất được 5 vụ.

Việt Nam đã có vùng sản xuất lúa gạo tốt, không ảnh hưởng bởi hạn, mặn nhờ có hệ thống thủy lợi tích nước bảo đảm cho sản xuất. Trong khi các nước khác, kể cả Thái Lan, Malaysia, Philippines… cũng không đạt được tiêu chuẩn đó. Một trong những yếu tố đảm bảo được an ninh trong thời gian qua là Việt Nam đã đầu tư được hệ thống thủy lợi khá tốt và ở đó có vùng chuyên để sản xuất lương thực tốt, an toàn.

Vừa qua, Đồng bằng sông Cửu Long bị thiệt hại về hạn, mặn, nhưng so với lượng sản xuất của cả vùng, cả nước thì đây là con số rất nhỏ, chỉ chiếm khoảng 2% diện tích sản xuất của vùng. Ở vùng này đã có một vụ Đông Xuân được mùa, trong khi Thái Lan dự báo sẽ thiệt hại khoảng 2 triệu tấn.

Việc dè dặt trong xuất khẩu gạo vừa qua cho thấy cơ quan chức năng nắm thông tin yếu. Bên cạnh đó, trong biến động của nền kinh tế có liên quan đến an ninh lương thực cũng cho thấy, các thông tin không chính xác được đưa ra dẫn đến tình trạng người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ, thậm chí mua cao hơn cả nhu cầu tiêu dùng rất nhiều. Điều này tạo ra nhu cầu ảo, gây ra thiếu ảo. Ngoài ra, một số đối tượng trục lợi sẽ thu mua, ôm hàng đầu cơ để tạo ra giá cao.

Do đó, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ cần thông tin đầy đủ về tình hình dự trữ cũng như sản xuất để cho nhân dân thấy Việt Nam có đủ lương thực, thực phẩm, đảm bảo được an ninh lương thực. Thậm chí, sau khi phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, với số lượng hàng hóa dư thừa, Việt Nam còn có thể chia sẻ với các nước.

Bảo đảm an ninh lương thực, tránh xáo trộn xã hội, điều đầu tiên cần là tin tưởng và khẳng định chắc chắn Việt Nam có đủ nguồn cung với số lượng cụ thể./.

>>Nông nghiệp với vai trò trụ đỡ trong cơn bão dịch

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục