Thông tin nổi bật ngân hàng tuần qua

10:35' - 03/04/2022
BNEWS Chính phủ đồng ý chủ trương gia hạn thí điểm xử lý nợ xấu, Các chủ nợ lớn của FLC lên tiếng sau thông tin ông Trịnh Văn Quyết bị bắt... là một số thông tin nổi bật ngành ngân hàng tuần qua.

Chính phủ đồng ý chủ trương gia hạn thí điểm xử lý nợ xấu

Tại Nghị quyết 45/NQ-CP, Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. 

Chính phủ cũng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng để trình Quốc hội theo quy định, bảo đảm chặt chẽ, chất lượng, hiệu quả, kịp thời, đúng trình tự, thủ tục và quy định pháp luật

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước có dự thảo Nghị quyết về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42/2017. Dự thảo đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng đến ngày 15/8/2025, tương đương thêm 3 năm so với thời hạn hiện tại. Lý giải về đề xuất, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong gần 5 năm áp dụng Nghị quyết số 42, công tác xử lý nợ xấu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. 

Theo báo cáo của tổ chức tín dụng, đến 31/12/2021, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 là 412.700 tỷ đồng, giảm 6% so với cuối năm 2020 và giảm 17% so với ngày 14/8/2017 (thời điểm bắt đầu áp dụng Nghị quyết thí điểm xử lý nợ xấu). Toàn hệ thống xử lý 380.200 tỷ đồng nợ xấu theo Nghị quyết 42.

Tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 được xử lý đạt 5.670 tỷ đồng/tháng trong giai đoạn sau khi áp dụng, cao hơn khoảng 2.150 tỷ đồng/tháng so với trước khi nghị quyết có hiệu lực. 

Theo số liệu từ Công ty Quản lý Tài sản (VAMC), kết quả thu hồi từ nợ đã mua bằng trái phiếu đặc biệt giai đoạn từ 15/8/2017 đến 31/12/2021 (sau khi có Nghị quyết 42/2017) ước đạt 111.867 tỷ đồng, chiếm 64,6% tổng giá trị thu hồi nợ đã mua bằng trái phiếu đặc biệt lũy kế từ năm 2013 đến cuối năm 2021. Kết quả này cho thấy vai trò của Nghị quyết 42 trong việc nâng cao hiệu quả xử lý, thu hồi các khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt.

Các chủ nợ lớn của FLC lên tiếng sau thông tin ông Trịnh Văn Quyết bị bắt

Ngày 29/3/2022, Bộ Công An đã có quyết định khởi tố vụ án đối với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FLC.

Thông tin này đã khiến cổ đông nhiều ngân hàng đang là "chủ nợ" lớn của FLC đứng ngồi không yên.

Trong nhóm ngân hàng và các tổ chức tài chính cấp tín dụng cho FLC, chủ nợ lớn nhất hiện nay là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) với số dư đến cuối năm 2021 lên tới 1.840 tỷ đồng. Thứ hai là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với tổng dư nợ cho vay 1.747 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) với số dư 1.392 tỷ đồng đến cuối năm 2021.

Liên quan đến việc cho vay Tập đoàn FLC, ngày 30/3, Sacombank khẳng định các khoản vay của FLC Group đảm bảo tuân thủ pháp luật và an toàn.

Trong năm 2021, Sacombank đã tham gia tài trợ vốn cho FLC Group, bao gồm hãng hàng không Bamboo Airways để đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh của khách hàng. Việc cho vay này cũng phù hợp với chủ trương của Chính phủ đối với việc kích cầu du lịch và hỗ trợ các hãng hàng không sau đại dịch COVID-19. 

Hoạt động cấp tín dụng của Sacombank cho nhóm khách hàng Tập đoàn FLC được thực hiện đúng quy định pháp luật và quy định nội bộ của Sacombank. Các khoản vay có đầy đủ tài sản đảm bảo.

Sacombank cho biết tính đến thời điểm hiện tại, FLC đang hoạt động bình thường và thực hiện đầy đủ, đúng hạn nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký với ngân hàng. Và như nguyên tắc thông thường trong hoạt động cấp tín dụng đối với các khoản vay có tài sản đảm bảo, trường hợp có phát sinh rủi ro, Sacombank sẽ chủ động áp dụng các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định pháp luật để thu hồi nợ, đảm bảo an toàn cho hoạt động của Sacombank.

Cùng ngày, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết, các khoản vay của FLC tại OCB chủ yếu là vay đầu tư vào dự án, ngoài ra có một phần cho vay ngắn hạn vốn lưu động với Bamboo Airways, nhưng không nhiều.

Về khoản vay được thế chấp bằng cổ phiếu BAV của Bamboo Airways, hiện tổng giá trị tài sản đảm bảo bằng bất động sản mà OCB nắm giữ khoảng hơn 2.000 tỷ đồng, lớn hơn rất nhiều so với khoản vay của FLC tại ngân hàng (thông thường ngân hàng chỉ cho vay 70 - 80% tổng giá trị tài sản đảm bảo). 

"Chính vì vậy, nếu có rủi ro xảy ra, chỉ riêng xử lý tài sản đảm bảo là ngân hàng đã đảm bảo khả năng thu hồi nợ", ông Tùng khẳng định.

Tổng số tài sản thế chấp bằng cổ phần BAV mà OCB nhận về đảm bảo cho khoản vay chỉ khoảng 100 tỷ đồng, chủ yếu bổ sung tài sản đảm bảo cho khoản vay vốn lưu động và làm tăng trách nhiệm ràng buộc của doanh nghiệp. 

Theo ông Tùng, quan điểm của ngân hàng luôn luôn là: bất động sản luôn là tài sản đảm bảo chủ chốt, cổ phần chỉ là tài sản bổ sung.

Ngoài ra, ông Tùng cũng thông tin thêm rằng từ trước đến nay, FLC luôn trả nợ đúng hạn, chưa bao giờ xảy ra nợ xấu. FLC hoạt động trong nhiều lĩnh vực, trong đó có hai lĩnh vực kinh doanh là du lịch nghỉ dưỡng và hàng không bị ảnh hưởng do tác động của đại dịch COVID-19 và giai đoạn đáng lo nhất là năm 2020-2021 đã qua. Đến nay, các hoạt động hàng không và du lịch đều đã khởi sắc, hoạt động kinh doanh trở lại bình thường.

"Mặc dù Chủ tịch FLC bị bắt, nhưng doanh nghiệp cũng đã có lãnh đạo mới. Các bộ phận khác của FLC cũng hoạt động bình thường, bao gồm cả Bamboo Airways", ông Tùng cho hay.

Riêng với cổ phần BAV, theo lãnh đạo OCB, Bamboo Airways là hãng hàng không tốt. Trong bối cảnh nền kinh tế nói chung và ngành du lịch, hàng không nói riêng hồi phục, cổ phiếu BAV không phải là không có giá trị. Vì vậy, đến thời điểm này, OCB không có ý định bán giải chấp cổ phiếu.

LienVietPostBank chốt quyền phát hành 265 triệu cổ phiếu cho cổ đông

LienVietPostBank (HoSE: LPB) thông báo 6/4 là ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông, thực hiện phát hành 265 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp, tỷ lệ 21,3%. Thời gian chuyển nhượng quyền mua từ 14/4 đến 4/5 và thời gian nhận đăng ký mua từ 14/4 đến 6/5.

Cổ phiếu lẻ sẽ được chào bán cho các nhà đầu tư trong nước với giá không thấp hơn giá phát hành và bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm từ ngày hoàn thành chào bán. 

Trong tháng 2, VNPost bán đấu giá gần 122,2 triệu cổ phiếu LPB, tương đương 10,15% vốn LienVietPostBank với giá khởi điểm là 28.930 đồng/cp, tương đương hơn 3.500 tỷ đồng cho toàn bộ lô cổ phần. Kết quả, 7 nhà đầu tư cá nhân đăng ký mua 800 cổ phiếu, với giá trúng bình quân là 30.240 đồng/cp.

Năm 2021, lợi nhuận trước thuế đạt 3.638 tỷ đồng, tăng 50% so với năm trước và vượt 14% so với kế hoạch. 

Tính đến 31/12/2021, tổng tài sản tăng 19% so với đầu năm, lên 289.194 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 18% ở mức 208.954 tỷ đồng. Về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu tăng 10% so với đầu năm, với 2.777 tỷ đồng. Dù vậy, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm từ 1,43% đầu năm xuống còn 1,33%. Về phía nguồn vốn, tiền gửi khách hàng tăng 3% so với đầu năm, đạt 180.273 tỷ đồng.

Sacombank vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2021

Trong năm 2021 vừa qua, quy mô hoạt động của Sacombank tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Tổng tài sản hợp nhất đạt 521.117 tỷ đồng, tăng 6%, trong đó tài sản có sinh lời tăng 8,9%. Tổng huy động đạt 464.521 tỷ đồng với gần 97% huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư. Dư nợ tín dụng đạt 388.216 tỷ đồng, tăng 14%, phù hợp với hạn mức được Ngân hàng Nhà nước giao.

Công tác thu hồi, xử lý nợ xấu được đẩy mạnh, gần 14.100 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng (trong đó thuộc Đề án gần 11.800 tỷ đồng) được thu hồi, xử lý trong năm. Nếu tính cả những khoản nợ đã bán tài sản để xử lý khoản vay thành công và đang thu theo tiến độ, thì tổng doanh số thu hồi và xử lý nợ trong năm 2021 đạt hơn 22.100 tỷ đồng, một con số ấn tượng và vượt xa so với con số kế hoạch 10.000 tỷ đồng đặt ra hồi đầu năm. 

Nhờ đó tài sản tồn đọng tiếp tục giảm thêm gần 20% so với năm trước và tỉ lệ nợ xấu hợp nhất được kéo giảm về 1,47%. Hiệu quả kinh doanh cải thiện tích cực, trong đó thu thuần dịch vụ đạt hơn 4.300 tỷ đồng, tăng 16% với sự đóng góp khá lớn từ mảng bảo hiểm, thẻ và ngân hàng điện tử. Chi phí điều hành được kiểm soát chặt chẽ, tạo điều kiện trích lập dự phòng rủi ro và phân bổ lãi dự thu theo Đề án 8.260 tỷ đồng, tăng 46,6% và vượt 87,9% so với mục tiêu tại Đề án. 

Các chỉ số an toàn hoạt động luôn tuân thủ quy định và cải thiện tích cực, đặc biệt là hệ số CAR luôn duy trì trên mức 9%, đảm bảo cân bằng giữa mục tiêu an toàn hoạt động và khai thác hiệu quả nguồn vốn. Quy mô khách hàng thường xuyên giao dịch của Sacombank đến cuối năm 2021 chạm mốc gần 10 triệu. 

Sau gần 5 năm tập trung tái cơ cấu, Sacombank đã xử lý dứt điểm phần lớn các vấn đề tồn tại, vượt tiến độ các mục tiêu trọng yếu và đang bứt phá để hoàn thành trước thời hạn của Đề án. Cụ thể, Sacombank đã thu hồi và xử lý được gần 72.000 tỷ đồng các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó hơn 58.300 tỷ đồng là các khoản thuộc Đề án; đặc biệt đã xử lý được gần 15.900 tỷ đồng lãi dự thu khoanh, tương đương giảm 73,7%.

Nhiều ngân hàng hoàn thành sớm việc chuyển đổi hóa đơn điện tử

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết đã bắt đầu áp dụng hóa đơn điện tử kể từ ngày 1/4. Hóa đơn điện tử do Vietcombank phát hành được đăng ký sử dụng với các cơ quan thuế theo đúng các quy định hiện hành về hóa đơn điện tử của Chính phủ và Bộ Tài chính, có đầy đủ tính pháp lý và được cho phép sử dụng để thay thế hóa đơn giấy. 

Khi triển khai hóa đơn điện tử, Vietcombank sẽ dừng cung cấp hóa đơn giấy đến khách hàng và chuyển sang cung cấp hóa đơn dưới dạng dữ liệu điện tử theo các phương thức như: Tra cứu, tải hóa đơn tại website https://einvoice.vietcombank.com.vn; nhận hóa đơn điện tử qua địa chỉ email khách hàng đã đăng ký với Vietcombank.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) là một trong những ngân hàng đầu tiên triển khai áp dụng hóa đơn điện tử kể từ ngày 1/8/2018.

Năm 2022, ngân hàng này tiếp tục là một trong các ngân hàng tiên phong hoàn thành sớm nhất mục tiêu chuyển đổi áp dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn chứng từ trước ngày 31/3/2022 (trong giai đoạn 1 của lộ trình triển khai hóa đơn điện tử theo chủ trương của Chính phủ).

Theo lộ trình triển khai hóa đơn điện tử của Bộ Tài chính, giai đoạn 1 từ tháng 11/2021 đến tháng 3/2022, áp dụng với 6 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định và Phú Thọ. Giai đoạn 2 triển khai từ tháng 4/2022 với 57 địa phương còn lại.

Ngày 1/7/2022 là thời hạn bắt buộc phải hoàn thành chuyển đổi hóa đơn điện tử.

Giải ngân gần 4.800 tỷ đồng cho vay trả lương, phục hồi sản xuất

Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân được 4.787 tỷ đồng cho 3.561 lượt người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 1.181.578 lượt người lao động. Tính đến hết ngày 31/3/2022, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội đã phê duyệt 3.579 hồ sơ đề nghị vay vốn của người sử dụng lao động với số tiền 4.813 tỷ đồng để trả lương cho 1.225.554 lượt người lao động.

Đây là kết quả thực hiện sau 9 tháng cho vay hỗ trợ trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ (sau sửa đổi là Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 8/10/2021 và Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg ngày 6/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ) về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân được 4.787 tỷ đồng cho 3.561 lượt người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 1.181.578 lượt người lao động tại 63 tỉnh, thành phố.

Như vậy, nguồn vốn giải ngân mới hoàn thành 63,8% kế hoạch trong số 7.500 tỷ đồng nguồn vốn cân đối cho chương trình./. 

>>>Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp và người dân

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục