Thông tin nổi bật ngành ngân hàng tuần qua

18:04' - 16/01/2022
BNEWS Ngân hàng tuần qua nổi bật với các thông tin xoay quanh việc cấp tín dụng đấu giá khu đất ở Thủ Thiêm, lợi nhuận ngân hàng năm 2021, biến động nhân sự ngân hàng cấp cao...
 

*Không có tổ chức tín dụng nào tham gia cho vay đấu giá đất Thủ Thiêm

Theo ông Nguyễn Văn Du, quyền Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu tất cả các tổ chức tín dụng rà soát và báo cáo về hoạt động cho vay, dự thầu và đặt cọc tiền để tham gia đấu giá quyền sử dụng đất ở Thủ Thiêm, Tp.Hồ Chí Minh.

Đến nay, hầu hết các tổ chức tín dụng đều đã có báo cáo về vụ việc, chỉ còn một vài tổ chức tín dụng chưa báo cáo và xin báo cáo muộn vài ngày. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước còn rà soát qua Trung tâm Thông tin Tín dụng (CIC) về việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp tham gia, trúng đấu giá quyền sử dụng đất ở Thủ Thiêm.

Qua rà soát, có 4 công ty là: Công ty cổ phần Dream Republic, Công ty cổ phần Sheen Mega, Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh thương mại Bình Minh và Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt (trực thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) là các doanh nghiệp trúng đấu giá.

“Kết quả rà soát cũng cho thấy, không có tổ chức tín dụng nào tham gia cho vay đặt cọc đấu giá đất Thủ Thiêm liên quan đến 4 công ty trên”, ông Nguyễn Văn Du cho biết.

*Citi rút khỏi mảng bán lẻ ở Việt Nam

Tập đoàn Citigroup ngày 14/1 thông báo sẽ bán các bộ phận tài chính tiêu dùng của mình ở Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam cho Ngân hàng United Overseas (UOB) của Singapore.

Theo thỏa thuận, UOB sẽ mua lại các danh mục cho vay tín chấp và có bảo đảm, quản lý tài sản và các đơn vị tiền gửi cá nhân của Citi – những bộ phận tạo nên hoạt động kinh doanh tài chính tiêu dùng của Citi tại bốn thị trường trên.

Citigroup sẽ vẫn giữ quyền kiểm soát các mảng kinh doanh tài chính tổ chức của mình ở Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.

UOB sẽ trả cho Citigroup bao gồm giá trị tài sản ròng cũng như khoản phí bảo hiểm 690 triệu USD của các bộ phận được mua lại.

Mảng tài chính tiêu dùng của Citi có tổng giá trị ròng khoảng 4 tỷ SGD (2,97 tỷ USD) với lượng khách hàng khoảng 2,4 triệu người tính đến ngày 30/6/2021.

Khoảng 5.000 nhân viên thuộc mảng tài chính tiêu dùng cũng như nhân viên hỗ trợ tại bốn thị trường của Citi dự kiến sẽ chuyển đến UOB khi thỏa thuận nêu trên hoàn tất.

Citi cho biết họ hy vọng thương vụ sẽ giải phóng khoảng 1,2 tỷ USD vốn cổ phần hữu hình và tăng lượng vốn này thêm hơn 200 triệu USD.

*Lợi nhuận ngân hàng tiếp tục được hé lộ

Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) vừa trở thành ngân hàng đầu tiên công bố báo cáo tài chính với lợi nhuận cả năm vượt 7% so với kế hoạch, đạt 311 tỷ đồng. Kết quả này không quá bất ngờ khi ngay trong nửa đầu năm 2021, Bản Việt đã công bố vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Đóng góp chính vào việc hoàn thành lợi nhuận đến từ sự tăng trưởng về quy mô tài sản và tín dụng, thu nhập từ xử lý nợ và quản lý chặt chẽ chi phí hoạt động của ngân hàng.

Tuy nhiên, tính riêng trong quý IV/2021, lợi nhuận sau thuế của Bản Việt chuyển từ lãi ở báo cáo cùng kỳ năm trước sang lỗ ở kỳ này. Giải trình nguyên nhân biến động, ngân hàng cho biết chủ yếu do tác động bất lợi của dịch COVID-19, thực hiện đúng chỉ đạo chung của Ngân hàng Nhà nước, Bản Việt trích lập dự phòng toàn bộ đối với danh mục tín dụng của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đồng thời thực hiện các chính sách miễn giảm lãi, cơ cấu nợ, miễn giảm phí... cho khách hàng.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tuy không công bố con số cụ thể lợi nhuận năm 2021 nhưng cũng đã tiết lộ việc hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch đại hội đồng cổ đông đề ra. 

Trong đó, Vietcombank đã nâng bộ đệm dự phòng bao nợ xấu lên mức cao kỷ lục là 424%. Dư nợ tín dụng năm 2021 của ngân hàng đạt khoảng 963.670 tỷ đồng, tăng 14,99% so với cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) ở mức 0,34%. Tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức 0,63%, thấp nhất trong số các tổ chức tín dụng có quy mô lớn.

>>>Lợi nhuận ngành ngân hàng được dự báo như thế nào trong năm 2022?

*Biến động nhân sự ngân hàng cấp cao

Ông Từ Tiến Phát vừa chính thức được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) nhiệm kỳ 2022-2025.

Ông Từ Tiến Phát đã có quá trình làm việc hơn 25 năm, từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng và đạt nhiều thành tựu trong công việc tại ACB.

Trước đó, Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cũng đã thông qua Nghị quyết miễn nhiệm chức danh Giám đốc Tài chính Tập đoàn (CFO) đối với ông Trịnh Bằng từ ngày 11/1/2022. Đồng thời bổ nhiệm ông Alexandre Charles Emmanuel Macaire làm người thay thế.

Ông Alexandre Macaire tốt nghiệp ngành Actuarial Finance của trường National School of Statistics and Economic Administration tại Pháp. Ngoài ra, ông cũng hoàn thành các chương trình về Toán học, Vật lý và Chính trị học tại đại học Ecole Polytechnique và Institute of Political Studies.

Trước khi gia nhập Techcombank, ông Alexandre Macaire đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo cao cấp tại HSBC trong 15 năm, phụ trách các mảng Ngân hàng Đầu tư, Quản lý vốn và Tài chính. 

*OCB sẽ phát hành riêng lẻ cho Aozora

HĐQT Ngân hàng Phương Đông (HoSE: OCB) thông qua phương án tăng vốn điều lệ và phát hành cổ phiếu. 

OCB sẽ chào bán 882.341 cổ phần riêng lẻ cho Ngân hàng Aozora với giá 25.571 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm từ ngày kết thúc đợt phát hành. 

Ngân hàng cũng sẽ chào bán 5 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phần mới phát hành chịu hạn chế chuyển nhượng 4 năm kể từ ngày phát hành, sau mỗi năm sẽ được chuyển nhượng 25%.

Thời gian phát hành cổ phiếu ESOP và phát hành riêng lẻ dự kiến trong quý I, sau khi được Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán chấp thuận.

*VPBank mua hơn 97% cổ phần Chứng khoán ASC

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB) vừa công bố thông tin về việc thông qua mua/nhận chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Chứng khoán ASC.

Cụ thể, HĐQT VPBank vừa có Nghị quyết chấp thuận đầu tư mua/nhận chuyển nhượng 26,186 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ 97,42% vốn tại ASCS. Bên chuyển nhượng là các cổ đông hiện hữu của công ty chứng khoán.

Trước đó, tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư tổ chức hồi đầu tháng 11/2021, lãnh đạo VPBank cho biết, ngân hàng đang cân nhắc việc mở thêm một công ty chứng khoán để mở rộng mạng lưới kinh doanh, khách hàng cũng như gia tăng các sản phẩm bán chéo.

Mới đây, VPBank cũng thông báo lấy ý kiến cổ đông về điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ mức 15% lên 17,5% vốn điều lệ. 

Lý giải về sự điều chỉnh này, ngân hàng cho biết theo luật, tỷ lệ sở hữu tối đa của một tổ chức nước ngoài không được vượt quá 15% và tổng mức sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài không được vượt 30% vốn điều lệ ngân hàng.

Tại đại hội thường niên 2021, cổ đông ngân hàng đã thông qua việc giữ "room" ngoại ở mức 15% để có đủ tỷ lệ chào bán cho các cổ đông chiến lược nước ngoài mới theo các hình thức khác nhau, có thể làm tăng hoặc không tăng vốn điều lệ. 

Tuy nhiên, trong trường hợp VPBank chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài mới đến tối đa 15% vốn điều lệ (tính theo mức vốn sau khi phát hành), VPBank cần giữ mức sở hữu tối đa nước ngoài trước khi chào bán là 17,5%.

Do đó, việc điều chỉnh là đủ để ngân hàng triển khai phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài mới, đồng thời tạo điều kiện linh hoạt hơn cho các cổ đông nước ngoài hiện tại mua bán trên thị trường chứng khoán.

*2,26 triệu khách hàng với dư nợ hơn 3,9 triệu tỷ đồng đã được miễn, giảm, hạ lãi suất

Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo báo cáo nhanh từ các Tổ chức tín dụng (TCTD), đến 27/12/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khoảng 780.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ trên 301.000 tỷ đồng; Lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu từ 23/1/2020 khoảng 616.000 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do dịch COVID-19. 

Đến 27/12/2021, các TCTD đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 2,26 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ hơn 3,9 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt trên 7,6 triệu tỷ đồng cho khoảng 1,32 triệu khách hàng.

Lũy kế từ 23/01/2020 đến 20/12/2021, tổng số tiền lãi TCTD miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng gần 37.500 tỷ đồng. Trong đó, 16 ngân hàng thương mại (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã thực hiện có kết quả việc giảm lãi suất cho vay theo cam kết với Hiệp hội ngân hàng, tổng số tiền lãi đã giảm lũy kế từ 15/7/2021 đến 30/11/2021 cho khách hàng là khoảng 18.095 tỷ đồng, đạt 87,78% so với cam kết.

Về việc triển khai chương trình cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất với lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm theo Nghị quyết 68/NQ-CP và gần nhất là Nghị quyết số 126/NQ-CP: Đến 28/12/2021, NHCSXH đã giải ngân trên 63 tỉnh, thành phố với số tiền hơn 2.011 tỷ đồng đối với 2.333 đơn vị sử dụng lao động để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất cho 530.474 lượt người lao động.

Các TCTD cũng tiếp tục thực hiện các giải pháp về miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do dịch Covid-19. Ước tính số lượng giao dịch được miễn phí chiếm khoảng 80%.

Dự kiến tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng và qua hệ thống chuyển mạch bù trừ (hệ thống Napas) đã giảm cho khách hàng từ năm 2020 đến hết năm 2021 khoảng 2.557 tỷ đồng và giảm trên 250 tỷ đồng tiền khai thác dịch vụ thông tin tín dụng trong năm 2021./. 

>>>Kiểm soát chặt tín dụng ở các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục