Thông tư hướng dẫn về giao dịch trên thị trường chứng khoán: Phù hợp xu hướng

15:50' - 01/09/2020
BNEWS Dự thảo Thông tư này là thông tin tích cực đối với thị trường chứng khoán, tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, câu chuyện chuẩn bị sẽ không phải là “một sớm một chiều”.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các bộ, ngành, các địa phương về Thông tư hướng dẫn giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng quyền có bảo đảm được niêm yết, đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán thay thế cho Thông tư số 203/2015/TT-BTC ngày 21/12/2015 hướng dẫn về giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Dự thảo Thông tư có nhiều điểm mới như quy định cho giao dịch bán khống có bảo đảm; bổ sung công cụ ngắt mạch thị trường chứng khoán; 15 tuổi được mở tài khoản chứng khoán.

Dự thảo Thông tư này là thông tin tích cực đối với thị trường chứng khoán, tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, câu chuyện chuẩn bị sẽ không phải là “một sớm một chiều”, vẫn còn một số điểm cần thêm nhiều ý kiến từ chính những người tham gia vào thị trường để có thể hoàn thiện và đưa Thông tư vào thực tiễn.

Hào hứng đón nhận

Đánh giá tổng thể về Dự thảo Thông tư, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VPS cho rằng, nội dung trong Dự thảo Thông tư hoàn toàn phù hợp với xu hướng, định hướng của một thị trường chứng khoán hiện đại mà ở đó các sản phẩm tài chính, quy định, cấu trúc sản phẩm, sự đa dạng, thời gian giao dịch cần được điều chỉnh, áp dụng cho phù hợp với tình hình thực tiễn cũng như nhu cầu giao dịch và đầu tư chứng khoán cho các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước.

Nhà đầu tư cá nhân và tổ chức nói chung đều mong chờ đón nhận việc ban hành thông tư này.

Các công ty chứng khoán sẽ càng mong đợi thông tin ban hành thông tư hơn khi thanh khoản toàn thị trường gia tăng, sản phẩm mới sẽ đáp ứng được cho các nhà đầu tư giao dịch khi thị trường tăng hoặc giảm hay cơ hội giao dịch ngắn hạn cho những người đầu cơ cổ phiếu, số lượng người chiếm tỷ lệ lớn trong phân khúc các nhà đầu tư cá nhân.

Đây có lẽ là thông tin tích cực đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhìn xa hơn, cơ hội để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lại càng rõ nét hơn trong tương lai gần.

Đánh giá về quy định mới trong dự thảo là nhà đầu tư được bán khống cổ phiếu, ông khánh cho biết, hiện nay chúng ta đang có chiều mua lên cổ phiếu và chưa có cơ hội bán xuống những cổ phiếu mà đang có kết quả kinh doanh tệ hoặc bởi các doanh nghiệp gặp những thông tin bất lợi hay đơn giản là thị trường đi vào giai đoạn điều chỉnh ngắn hạn thì nhiều cổ phiếu sẽ điều chỉnh theo.

Cơ hội để bán khống cổ phiếu khi nhà đầu tư dự báo thị trường xuống hoàn toàn phù hợp và giúp các nhà đầu tư đa dạng được chiến lược giao dịch ngắn hoặc giao dịch theo momentum (độ mạnh hay lực của xu hướng).

Ngoài ra, thời gian giao dịch từ T+2 (thanh toán giao dịch vào ngày thứ 2 sau ngày giao dịch) về T+0 (thanh toán ngay trong ngày giao dịch) là 1 bước dài tiến tới mang lại sự tiện lợi lớn giúp các nhà đầu tư có thêm nhiều lựa chọn giao dịch kể cả động thái mua nhầm cổ phiếu có thể chuyển nhanh sang các cổ phiếu triển vọng hơn.

Nhìn chung các nhà đầu tư sẽ đón nhận thông tin với sự hào hứng và quan tâm lớn.

Đồng hành cùng thị trường chứng khoán ngay từ những ngày đầu tiên thành lập, nhà đầu tư Trần Tiến Dũng tâm sự, ông mong đợi và cảm thấy vui mừng nếu dự thảo này được ban hành.

“Dự thảo Thông tư này có thể giúp thị trường phát triển lành mạnh, sôi động. Khi cho phép mua, bán T + 0 thì thanh khoản của thị trường sẽ tăng rất mạnh. Đây là mong đợi của những nhà đầu tư có kinh nghiệm”, ông Dũng nói.

Cần chuẩn bị khung pháp lý

Theo ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VPS, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các công ty chứng khoán sẽ cần có những bước chuẩn bị khung pháp lý, các danh mục cổ phiếu được bán khống, hệ thống thanh toán bù trù để không xảy ra những rủi ro hệ thống.

Hệ thống hạ tầng nâng cấp, các hợp đồng ký riêng với khách hàng, việc hướng dẫn và cung cấp thông tin sản phẩm mới...tất cả sẽ cần phải nhất quán và sự phối hợp triển khai cho hiệu quả.

Kể cả đối với sản phẩm bán khống, chỉ một số cổ phiếu chất lượng cao hoặc cổ phiếu nằm trong danh mục được cấp margin (giao dịch ký quỹ) được sàng lọc kỹ lưỡng của các công ty chứng khoán mới được xem xét cho khách hàng bán khống. Nhìn chung, câu chuyện chuẩn bị sẽ không phải là 1 sớm một chiều.

Tại Dự thảo Thông tư có nội dung người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi không mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự sẽ được quyền mở tài khoản chứng khoán với điều kiện là được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Đối với cá nhân từ đủ 18 tuổi có đầy đủ năng lực hành vi dân sự được quyền mở tài khoản chứng khoán.

Bình luận về nội dung này, ông khánh cho rằng việc phổ cập chứng khoán, phổ cập kiến thức cho nhà đầu tư kể cả những người từ 15 tuổi trở lên là cần thiết.

Những người từ 15 tuổi đã có thể tiếp cập đến kênh đầu tư chứng khoán và có nhìn nhận đúng đắn về kênh đầu tư, huy động vốn hấp dẫn này. Chúng ta có thể áp dụng đối với thị trường chứng khoán cơ sở hoặc 1 số loại hình trái phiếu chất lượng cao.

Tuy nhiên, đối với một số sản phẩm tài chính bậc cao hoặc phức tạp như Hợp đồng tương lai hay hợp đồng quyền chọn (Option Contract) sẽ không khuyến cáo hoặc có thể chưa được áp dụng đối với các nhà đầu tư trẻ tuổi.

Những sản phẩm tài chính phức tạp vẫn chỉ nên khuyến nghị đối với các nhà đầu tư chuyên nghiệp, ông Khánh nêu quan điểm

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW nhận định, trên thực tế, tài khoản chứng khoán một khi được mở ra thì sẽ liên quan đến rất nhiều giao dịch và các lệnh mua - bán cũng như người tham gia vào kênh đầu tư này cần có nhiều kiến thức liên quan đến cổ phiếu, thị trường, các doanh nghiệp...

Nhìn vào mặt tích cực, quy định cho phép người từ đủ 15 tuổi mở tài khoản chứng khoán sẽ giúp làm đa dạng hóa đối tượng mở tài khoản và đối tượng tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, quy định này sẽ mang lại một số vấn đề bất cập và khó có tính khả thi khi áp dụng.

Chính bởi vì chứng khoán là một kênh đầu tư tiềm ẩn nhiều rủi ro và rất cần có kiến thức nên cá nhân từ đủ 15 tuổi dù có quyền được mở, tuy nhiên việc tự mình tham gia vào các giao dịch là rất khó khăn.

Hơn nữa, Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.”

“Câu hỏi được đặt ra là trong trường hợp người đại diện theo pháp luật của chủ tài khoản giao dịch gây ra thua lỗ, hoặc bị lừa trên sàn chứng khoán thì ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm”, ông Hà nói.

Bên cạnh đó, theo ông Hà, người chưa thành niên mở tài khoản chứng khoán nếu như chưa nắm rõ được pháp luật và các chế tài pháp lý mà vi phạm pháp luật trong quá trình giao dịch thì pháp luật sẽ xử lý thế nào khi họ vẫn chưa có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và chưa có khả năng chịu mọi trách nhiệm pháp lý?

Theo vị chuyên gia luật, cũng có thể có trường hợp mở tài khoản chứng khoán nhưng lại để cho người khác thực hiện các giao dịch.

Với trường hợp này, pháp luật cũng chưa có quy định rõ ràng. Bên cạnh đó, các công ty chứng khoán hiện nay phần lớn vẫn quy định độ tuổi tối thiểu để mở tài khoản chứng khoán là 18 tuổi.

“Vậy thì quy định pháp luật được đưa ra sẽ có sự chênh lệch so với thực tế và cần thêm nhiều ý kiến từ chính những người tham gia vào thị trường chứng khoán để có thể hoàn thiện quy định pháp luật”, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, luật sư Nguyễn Thanh Hà nêu quan điểm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục