Thu hút các dự án FDI tạo ra sự liên kết với khu vực trong nước

21:06' - 16/07/2016
BNEWS Chúng ta tăng cường thu hút nhưng phải có chọn lọc; theo đó, chọn những dự án có công nghệ, quản trị tốt và chọn những dự án tạo ra sự liên kết với khu vực doanh nghiệp trong nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Tiên Minh - TTXVN

Phát biểu tại hội nghị toàn quốc ngành kế hoạch và đầu tư tổ chức ngày 16/7 tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá, đây là 6 tháng của nhiệm kỳ đầu tiên giai đoạn 2016-2020, nhiều chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhiều Nghị quyết của Chính phủ, Quốc hội cần phải quán triệt, thống nhất nhận thức, hành động ngay từ đầu năm.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư với tư cách là cơ quan tham mưu tổng hợp và chiến lược của Chính phủ cần tính toán, cân đối, có số liệu, dự báo tình hình thị trường trong nước và quốc tế; đồng thời, lập kế hoạch và tổ chức thực hiện thật tốt các giải pháp.

  Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tiên Minh - TTXVN

Cùng với đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo cũng được dự báo phục hồi và tiếp tục tăng trưởng trong những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, một số dự án đầu tư lớn trong ngành công nghiệp hoàn thành và đi vào sản xuất trong quý II/2016, sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

Về sản xuất nông nghiệp, vẫn còn dư địa trong việc tái cơ cấu sản xuất ngành trồng trọt theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng có chất lượng, giá trị cao hơn. Ngành thủy sản 6 tháng đầu năm chỉ tăng 1,33%, rất thấp so với các năm trước (khoảng 5-6%) nên có tiềm năng và còn dư địa phát triển. Nếu tập trung khắc phục các khó khăn, lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có thể tăng khoảng 1,8-2% trong 6 tháng cuối năm.

Bên cạnh đó, một số ngành, lĩnh vực như: xây dựng, dịch vụ, du lịch còn nhiều tiềm năng tăng trưởng (ngành xây dựng 6 tháng đầu năm đạt đạt 8,8% là mức cao nhất trong 8 năm qua).

Ngoài ra, việc ký kết và thực hiện các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới được kỳ vọng sẽ mang lại những đột phá về đầu tư kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu…

Cần các giải pháp mang tính bền vững

Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đặt ra trong năm 2016 đạt 6,7%, tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này thì 6 tháng cuối năm tăng trưởng GDP phải đạt 7,6%, cao hơn trên 2 điểm phần trăm so với 6 tháng đầu năm. "Đây sẽ là nhiệm vụ hết sức khó khăn và thách thức, đòi hỏi các Bộ, ngành, địa phương phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm 2016, một trong những giải pháp được Phó Thủ tướng Đình Huệ nhấn mạnh là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài: "Chúng ta tăng cường thu hút nhưng phải có chọn lọc; theo đó, chọn lọc những dự án phù hợp với định hướng tái cấu trúc của nền kinh tế, chọn những dự án có công nghệ, quản trị tốt và chọn những dự án tạo ra sự liên kết với khu vực doanh nghiệp trong nước".

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, giai đoạn hiện nay là "thiên đường" của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, các địa phương cần có các giải pháp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đồng thời, cần tập trung vào các giải pháp cho phát triển nông nghiệp…

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chỉ đạo các địa phương mở rộng diện tích để bù lại sản lượng đã bị thiếu hụt của vụ Đông Xuân. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam điều tiết tiến độ khai thác dầu thô theo tín hiệu giá dầu thô trên thị trường thế giới; đồng thời, cần có những giải pháp đẩy mạnh tổng cầu trong nước.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Tiên Minh - TTXVN

Theo người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư, trước mắt, cần phải kiên trì các giải pháp căn cơ, mang tính bền vững, lâu dài. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô là nhân tố then chốt; trong đó, kiểm soát lạm phát là mục tiêu quan trọng điều hành lãi suất và tỷ giá ngoại tệ theo hướng ổn định; tập trung cao độ phục hồi đà phát triển của sản xuất, kinh doanh, nhất là nông nghiệp và công nghiệp chế biến, tận dụng cơ hội của các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới để thúc đẩy xuất khẩu.

Bên cạnh đó, thực hiện ngay các giải pháp để tăng cường giải ngân các nguồn vốn đầu tư, nhất là nguồn vốn đầu tư công và đầu tư trực tiếp nước ngoài, đóng góp đáng kể vào việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng GDP. “Sự hồi phục của doanh nghiệp cũng sẽ trở thành động lực quan trọng, mang tính quyết định trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm và thời gian tới”, Bộ trưởng nhấn mạnh

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ chí Minh cho rằng, Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh cần tăng cường thông tin để doanh nghiệp hiểu biết hơn về Hiệp định thương mại TPP; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghiệp phụ trợ và tạo môi trường tốt cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hà Nội cho biết, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới của Hà Nội lên rất tăng nhanh. Dự kiến, giai đoạn 2016-2020, Hà Nội sẽ có 400.000 doanh nghiệp, tăng gấp đôi với số doanh nghiệp hiện nay là 200.000 doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng quá tải trong công tác thực hiện đăng ký thành lập doanh nghiệp. Do đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, cần có một cuộc cách mạng mạnh mẽ nhằm đơn giản hóa về thủ tục thực hiện đăng ký kinh doanh qua mạng cho các doanh nghiệp.

Cùng với việc hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh, các cấp, các ngành phải xử lý nghiêm những trường hợp gây phiền hà, cửa quyền trong quan hệ xử lý các công việc của doanh nghiệp và của người dân để tạo sự lan tỏa, đưa các Nghị quyết và các chỉ đạo của Chính phủ xuống đến các cấp, các ngành và các đơn vị cơ sở.

Nhiều ý kiến của các địa phương cũng cho rằng, hiện nay, nguồn vốn đầu tư công còn hạn chế, chúng ta cần phải lựa chọn những dự án thật sự cấp bách, cấp thiết, đặc biệt phải quan tâm và quán triệt chủ trương này trong xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, trước hết phải tập trung xử lý cơ bản số nợ đọng xây dựng cơ bản để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bố trí đủ vốn cho các dự án đầu tư thực sự cần thiết, cấp bách, có quy mô, công năng, cấp hạng phù hợp, cân đối đủ nguồn vốn để thực hiện, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư, tạo động lực phát triển.

Với các giải pháp trên, người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư kỳ vọng: "Nếu chúng ta thực hiện kịp thời các giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và các rào cản, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu kế hoạch năm 2016 đã đề ra, tạo tiền đề cho việc thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm 2016-2020"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục