Thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng

17:55' - 17/04/2022
BNEWS Ngân hàng Nhà nước vừa có dự thảo Nghị định quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, tại Việt Nam một vài năm gần đây đã chứng kiến sự hình thành và phát triển của các công ty Fintech tăng nhanh chóng từ khoảng 40 công ty vào cuối năm 2016 lên đến khoảng 200 công ty ở thời điểm hiện tại với nhiều mảng, lĩnh vực hoạt động khác nhau như thanh toán, cho vay ngang hàng, chấm điểm tín dụng, quản lý tài chính cá nhân,...

Trong số đó, các công ty hoạt động trong lĩnh vực thanh toán chiếm tỷ trọng lớn với 47 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đã được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép, còn trong lĩnh vực cho vay ngang hàng (P2P Lending) là khoảng 100 công ty với nhiều công ty có vốn đầu tư nước ngoài.

 

Sự phát triển nhanh chóng, mở rộng phạm vi của Fintech đã khiến cơ quan quản lý tài chính – tiền tệ của nhiều quốc gia phải đối mặt với những khó khăn, thách thức trong quản lý, giám sát như nguy cơ rửa tiền và tài trợ khủng bố đảm bảo an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu người dùng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nhà đầu tư… 

Ngân hàng Nhà nước khẳng định hoạt động Fintech là hoạt động mới có thể gây ra các rủi ro tiềm ẩn đối với các chủ thể tham gia thị trường như các tổ chức tài chính truyền thống, khách hàng sử dụng dịch vụ và chính bản thân doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, giải pháp Fintech.

Theo Ngân hàng Nhà nước, một số loại rủi ro có thể xảy ra đối với hoạt động Fintech là rủi ro lạm dụng thị trường, rủi ro bảo mật và rò rỉ dữ liệu, rủi ro thanh khoản và rủi ro tín dụng , rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố, rủi ro hoạt động đòi nợ phi pháp…

Ngân hàng Nhà nước cho rằng, những rủi ro trên tuy đã có thể nhận diện nhưng chưa được đánh giá, làm rõ bản chất một cách đầy đủ, toàn diện và chính xác.

Tại Dự thảo Nghị định đã đề ra một số chính sách quản lý rủi ro thông qua việc quy định về trách nhiệm của các tổ chức tham gia thử nghiệm trong xây dựng khung quản lý rủi ro đầy đủ, bảo vệ người sử dụng dịch vụ; về trách nhiệm thông tin, báo cáo của các tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm Fintech; về thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình tiếp nhận, thẩm định, đánh giá Hồ sơ đăng ký thử nghiệm triển khai; quyết định việc cấp, thu hồi Giấy chứng nhận thử nghiệm, Giấy chứng nhận hoàn thành thử nghiệm; kiểm tra, giám sát Cơ chế thử nghiệm Fintech.

Các quy định nhằm đảm bảo quá trình thử nghiệm luôn được các cơ quan quản lý theo dõi, giám sát sát sao và các tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm thực hiện các biện pháp tốt nhất để phòng ngừa, ngăn chặn rủi ro.

Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước, ngay cả khi áp dụng các chính sách, biện pháp trên việc kiểm soát, triệt tiêu hoàn toàn các rủi ro xảy ra trong quá trình thử nghiệm là điều không thể. Cốt lõi Cơ chế thử nghiệm Fintech được thiết kế để nhận diện, đánh giá rủi ro, lợi ích đối với từng giải pháp Fintech và duy trì, kiểm soát rủi ro (nếu có) ở mức độ cho phép.

Do đó, trong quá trình tham gia thử nghiệm, các tổ chức thử nghiệm sẽ phải được theo dõi, giám sát, đánh giá một cách chặt chẽ bởi cơ quan quản lý nhà nước, qua đó, kiểm soát được rủi ro phát sinh (nếu có), bảo vệ lợi ích của khách hàng tốt hơn, đồng thời tránh được tác động tiêu cực so với việc triển khai trên quy mô rộng, thời gian dài.

Phụ thuộc vào mức độ tác động và ảnh hưởng của các loại hình rủi ro, cơ quan quản lý Nhà nước có thể đưa ra các nhận định, đánh giá về mức độ rủi ro, tác động của nó cũng như khả năng thất bại, thành công của các giải pháp thử nghiệm.

Trên cơ sở đánh giá này, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ triển khai các phương án phù hợp, bao gồm việc chấm dứt thử nghiệm; chứng nhận hoàn thành thử nghiệm hoặc gia hạn thử nghiệm cho tổ chức tham gia thử nghiệm.

Vì vậy, trên cơ sở nghiên cứu các thông lệ tốt nhất về chính sách quản lý hoạt động Fintech trên thế giới, căn cứ vào tình hình thực tiễn hoạt động Fintech, Ngân hàng Nhà nước đề xuất, hoàn thiện Dự thảo Nghị định với quan điểm phòng ngừa rủi ro trong phạm vi có kiểm soát mà không hạn chế, triệt tiêu hoàn toàn các rủi ro, từ đó rút ra những bài học quản lý hiệu quả, hướng đến xây dựng một khuôn khổ pháp lý thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhưng vẫn đảm bảo ổn định tài chính, bảo vệ người tiêu dùng.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, dựa vào các lĩnh vực hoạt động của các công ty Fintech tại Việt Nam, đã đề xuất lựa chọn sáu giải pháp Fintech tại dự thảo Nghị định gồm cấp tín dụng trên nền tảng công nghệ; chấm điểm tín dụng; chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng; cho vay ngang hàng; ứng dụng công nghệ chuỗi khối, sổ cái phân tán trong hoạt động ngân hàng; ứng dụng các công nghệ khác trong hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, triển khai mô hình hợp tác kinh doanh đổi mới sáng tạo phù hợp với mục tiêu của cơ chế thử nghiệm./.

>>>Ngân hàng chủ động ràng buộc công ty fintech trong bảo mật thông tin khách hàng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục