Quốc hội giám sát việc bảo vệ môi trường của Tập đoàn EVN và Vinachem
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì các buổi làm việc.
*Đẩy mạnh chuyển dịch năng lượng xanh trong ngành điệnTại buổi làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Đoàn giám sát đã trao đổi, thảo luận, đặt câu hỏi và đại diện các bộ, ngành liên quan, EVN đã có các giải trình để làm rõ hơn những kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam trên hai phương diện: việc hoàn thiện các thể chế, chính sách pháp luật; việc tổ chức thực hiện các chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường.
Đoàn giám sát đã dành sự quan tâm đến việc chấp hành các quy định về quản lý khí thải công nghiệp, và các vấn đề cụ thể như hệ thống thu gom tách nước thải tại Trung tâm Điện lực Phú Mỹ, cũng như những phản ánh của cử tri về bụi than và tro xỉ tại Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân, đặc biệt là Nhiệt điện Vĩnh Tân 4. Lộ trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 cũng cần được đánh giá toàn diện hơn về lượng khí phát thải hàng năm của EVN và hiệu quả các giải pháp đầu tư.
Giải trình các vấn đề đã được Đoàn giám sát nêu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Anh Tuấn cho biết, kiểm soát khí thải, nước thải và chất thải rắn, khí thải, hầu hết các nhà máy nhiệt điện, than của Tập đoàn đã đầu tư hệ thống xử lý khí thải, bao gồm các loại lọc bụi, tĩnh điện, khử SO2 và NOx đáp ứng các quy chuẩn Việt Nam. Tuy nhiên, một số nhà máy cũ như Phả Lại 1, Ninh Bình chưa được lắp đặt đầy đủ các hệ thống này.
Về nước thải, tất cả các nhà máy điện đều có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn, một số đơn vị đã tách riêng hệ thống thoát nước mưa và nước thải theo yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Về tro, xỉ, giai đoạn 2021 - 2025, EVN đã phát sinh 42,21 triệu tấn tro, xỉ, trong đó đã tiêu thụ tái sử dụng được 43,91 triệu tấn, đạt 174%, chủ yếu cho sản xuất vật liệu xây dựng và san lấp.
Về chất thải rắn, EVN đã thực hiện nghiêm việc phân loại, lưu giữ và chuyển giao cho các đơn vị có chức năng giấy phép xử lý theo đúng quy định.
Về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và trung hòa carbon, EVN đang triển khai chiến lược chuyển dịch năng lượng công bằng và nghiên cứu các công nghệ mới như điện gió ngoài khơi, đốt trộn sinh khối amoniac, kinh tế tuần hoàn và đánh giá tác động của doanh nghiệp đến môi trường (ESG).
Chỉ đạo buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan ghi nhận những nỗ lực đáng kể và kết quả tích cực của EVN trong việc bảo vệ môi trường gắn với việc thực hiện nhiệm vụ của mình, đã đầu tư công nghệ kiểm soát ô nhiễm, xử lý chất thải và đang chuyển dịch sang nguồn năng lượng sạch. Điều này thể hiện cam kết của EVN đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững chung của đất nước.
Tuy nhiên, qua báo cáo của EVN và ý kiến phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý vẫn những khó khăn, vướng mắc. Đó là: Ngành điện vẫn đối mặt với những thách thức lớn từ công nghệ cũ, việc xử lý tro, xỉ, quản lý phát thải khí nhà kính và đòi hỏi về nguồn lực đầu tư. Những vấn đề này sẽ ảnh hưởng không tốt đến môi trường, sức khỏe cộng đồng và tiềm ẩn rủi ro, gây cản trở cho sự phát triển bền vững của chính Tập đoàn.
Do đó, trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đề nghị EVN phải quyết liệt hơn nữa, xác định nhận thức rõ ràng bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, là yếu tố sống còn cho sự phát triển. Chủ động rà soát, hoàn thiện hệ thống quản lý môi trường nội bộ, bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn; tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch năng lượng xanh và đầu tư công nghệ tiên tiến; nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.
Kết luận buổi làm làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát, Lê Quang Huy đề nghị, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội và của các thành viên Đoàn giám sát, báo cáo của EVN cần rà soát, hoàn thiện thêm thông tin số liệu về công tác bảo vệ môi trường và những kiến nghị cụ thể mà các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Về một số tồn tại, hạn chế cơ bản do yếu tố khách quan tác động như tình hình tro xỉ chưa tiêu thụ được còn phải lưu tại bãi thải xỉ ở Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân và yêu cầu phải áp dụng quy chuẩn kỹ thuật môi trường về khí thải theo quy định mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, Đoàn giám sát đề nghị EVN khắc phục khó khăn, tiếp tục đầu tư giải quyết.
*Quản lý chặt chẽ hóa chất, chất thải nguy hại
Tại cuộc làm việc với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Đoàn giám sát đề nghị Vinachem cung cấp số liệu các dự án, cơ sở đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và cấp giấy phép môi trường trong giai đoạn từ ngày 1/1/2022 đến 30/6/2025, đồng thời làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường.
Đoàn cũng đề nghị Tập đoàn cung cấp số liệu cụ thể về phát thải khí và nước thải công nghiệp thực tế, so sánh với mức phát thải được cấp phép; báo cáo hiện trạng tồn đọng tro xỉ, chất thải gyps tại các bãi thải tính đến nay, cũng như các biện pháp xử lý thời gian tới. Kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường trong giai đoạn 2022 – 2024 hơn 317 tỷ đồng, cần làm rõ chi cho các nội dung nào? Đoàn cũng đề nghị Vinachem báo cáo cụ thể tình hình thực hiện kiểm kê tổng lượng khí nhà kính phát thải hằng năm đối với các cơ sở thuộc diện phải kiểm kê theo quy định tại Quyết định của Thủ tướng.
Báo cáo Đoàn giám sát, ông Lê Hoàng, Phó Tổng giám đốc Vinachem, cho biết, tháng 5/2025, Tập đoàn đã ban hành kế hoạch triển khai chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững. Vừa qua, Tập đoàn đã chỉ đạo và quán triệt tới thủ trưởng các đơn vị trực thuộc nghiêm túc triển khai kiểm kê khí nhà kính.
Đến ngày 30/6/2025, tổng lượng tro xỉ, chất thải gyps, thạch cao đang tồn đọng tại các bãi thải là hơn 7,4 triệu tấn, trong đó Công ty DAP – Vinachem tồn 3,85 triệu tấn, Công ty DAP 2 – Vinachem tồn 3,63 triệu tấn. Hiện, Công ty DAP 2 – Vinachem đã phối hợp với các đơn vị triển khai dự án bổ sung dây chuyền xử lý, tái chế gyps công suất 850 nghìn tấn/năm. Tuy nhiên, đến nay, còn nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chưa được các bộ ban hành.
Chỉ đạo buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nhấn mạnh, ngành hóa chất là nền tảng cho nhiều ngành công nghiệp khác, góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đặc thù sản xuất, lưu trữ và vận chuyển hóa chất cũng tiềm ẩn những nguy cơ rất lớn đối với môi trường và sức khỏe con người, đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ, trách nhiệm cao hơn bao giờ hết.
Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận những nỗ lực đáng kể và kết quả tích cực của Tập đoàn trong việc bảo vệ môi trường gắn với việc thực hiện nhiệm vụ, trong việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải, khí thải, quản lý chất thải nguy hại và từng bước áp dụng công nghệ sạch hơn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đề nghị, trong thời gian tới, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cần nghiêm túc, chủ động tuân thủ mọi quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Luật Hóa chất năm 2025, đặc biệt là các quy định về quản lý hóa chất, chất thải nguy hại và giấy phép môi trường. Đây vừa là trách nhiệm về pháp lý, vừa là yêu cầu bắt buộc để Tập đoàn phát triển một cách bền vững.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị từ thực tiễn hoạt động của mình, Tập đoàn tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường trong thời gian tới. Tập đoàn cần có lộ trình cụ thể để cải tiến, loại bỏ dần công nghệ lạc hậu, thay thế bằng các giải pháp hiệu quả năng lượng, giảm phát thải và thân thiện môi trường, với mục tiêu là sản xuất ít chất thải hơn, chứ không chỉ xử lý chất thải tốt hơn.
Tin liên quan
-
Đời sống
Gia Lai xử lý sự cố ô nhiễm môi trường biển
21:26' - 15/07/2025
Qua kiểm tra, điểm xả thải nằm trong phạm vi dự án chỉnh trang, mở rộng tuyến đường dọc bờ kè thôn Lý Chánh - Lý Hòa, do Phòng Kinh tế - Hạ tầng và Đô thị thành phố Quy Nhơn làm chủ đầu tư.
-
Ý kiến và Bình luận
Cấm xe máy chạy xăng trên Vành đai 1 Hà Nội: Không chỉ giải bài toán môi trường
17:02' - 15/07/2025
Hà Nội sẽ thực hiện các giải pháp, biện pháp để không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1 từ ngày 1/7/2026.
-
Đời sống
Quảng Ninh với mục tiêu tăng trưởng trên 14%: Thông thoáng, minh bạch môi trường đầu tư
16:14' - 15/07/2025
Quảng Ninh đang tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt là tích cực thu hút đầu tư, khởi công các dự án đủ điều kiện, qua đó quyết tâm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng trên 14%.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Chi trả giảm phát thải khí nhà kính tại Huế giúp giữ rừng, cải thiện sinh kế
21:16'
Sau 3 năm triển khai thực hiện thí điểm chi trả giảm phát thải khí nhà kính (ERPA), thành phố Huế có hơn 205,5 nghìn ha rừng tự nhiên được đưa vào cơ chế ERPA, với tổng số tiền gần 136 tỷ đồng.
-
Kinh tế Việt Nam
Cần Thơ thúc đẩy Dự án Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh giai đoạn 2
21:07'
Ngày 16/7, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đã làm việc với Công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ về thực hiện Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh giai đoạn 2.
-
Kinh tế Việt Nam
Dự án cao tốc Hòa Liên – Túy Loan còn nhiều vướng mắc trước thời hạn thông xe
20:45'
Cao tốc Hòa Liên - Túy Loan thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, thành phố Đà Nẵng dự kiến sẽ thông xe kỹ thuật trước ngày 19/8, tuy nhiên đến nay dự án vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, bất cập.
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng yêu cầu hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 24/7/2025
20:44'
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ưu tiên hỗ trợ nhà ở cho thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng, hoàn thành trước ngày 27 tháng 7 năm 2025.
-
Kinh tế Việt Nam
Việt Nam hoan nghênh doanh nghiệp đầu tư phát triển đô thị thông minh
19:43'
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng hoan nghênh các doanh nghiệp quan tâm và có kế hoạch đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển đô thị thông minh.
-
Kinh tế Việt Nam
Hà Nội: Đổi xe để sống xanh, cần đồng hành cùng người nghèo
19:26'
Cần có sự đồng hành của nhà nước trong việc hỗ trợ người dân, nhất là những người nghèo trong việc chuyển đổi xe máy xăng sang xe điện.
-
Kinh tế Việt Nam
Đưa Cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức vào hoạt động đúng kế hoạch
19:15'
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dẫn đầu Đoàn công tác đã đi kiểm tra thực tế hiện trạng cũng như tiến độ xây dựng Cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tại Ninh Bình.
-
Kinh tế Việt Nam
Sáng kiến OCOP lan tỏa 'Bốn tốt hơn'
19:02'
Diễn đàn cấp cao liên khu vực về mô hình OCOP được tổ chức bởi Bộ Nông nghiệp và Môi trường và FAO trong hai ngày 15 - 16/7, hướng đến mục tiêu "Bốn tốt hơn".
-
Kinh tế Việt Nam
AirAsia khai trương đường bay thẳng Hải Phòng-Bangkok
18:58'
Ngày 16/7, tại Hải Phòng, AirAsia khai trương đường bay thẳng mới nhất từ Hải Phòng, Việt Nam tới Bangkok (Don Mueang), Thái Lan.