Thu tiền tỷ từ vị ngọt mật ong tràm giữa bưng biền Đồng Tháp Mười

09:24' - 24/11/2018
BNEWS Anh Trần Thành Long ở xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông là một ví dụ điển hình, khi thu về tiền tỷ mỗi năm từ việc khởi nghiệp từ nghề nuôi ong lấy mật giữa bưng biền Đồng Tháp Mười.
Kết hợp du lịch, anh Trần Thanh Long, hướng dẫn khách du lịch tìm hiểu về quy trình sản xuất mật ong hương tràm. Ảnh: Chương Đài/BNEWS/TTXVN

Trong những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp được khơi dậy một cách mạnh mẽ ở nhiều tỉnh, thành, trong đó có Đồng Tháp. Nơi đây, đã xuất hiện những thanh niên khai thác “tài nguyên bản địa” để khởi nghiệp và đã thành công.

Anh Trần Thành Long ở xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông là một ví dụ điển hình, khi thu về tiền tỷ mỗi năm từ việc khởi nghiệp từ nghề nuôi ong lấy mật giữa bưng biền Đồng Tháp Mười.

Anh Trần Thành Long được sinh ra và lớn lên trong một gia đình gốc nông dân, chủ yếu là làm ruộng và trồng cây màu.

Sau thời gian hoàn thành chương trình Đại học chuyên ngành Ngữ Văn, anh về công tác tại Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thanh huyện Tam Nông từ năm 2013.

Anh Long chia sẻ, làm truyền thông phụ trách mảng nông nghiệp cộng thêm gắn với việc ruộng đồng từ nhỏ nên bản thân tôi trăn trở vì sao thu nhập của người nông dân bấp bênh, nông sản chưa có giá trị cao, trong khi họ "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời".

Nhận thấy khu vực gần nhà với khu A4, thuộc Vườn Quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông, với lợi thế là khu vực rừng Tràm đặc dụng với diện tích hơn 2.000ha, anh Long cùng gia đình vợ đã quyết định dựa vào nguồn "tài nguyên bản địa" để phát triển nghề nuôi ong lấy mật.

Anh Long phân tích, cây tràm thường nở hoa 2 đợt, từ tháng 8 đến tháng 10 và từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau.

Đây là nguồn hoa rất phong phú thích hợp cho nghề nuôi ong, đặc biệt, nguồn hoa tràm rừng ngoài màu sắc và hương vị rất riêng.

Ngoài ra, mật và phấn tràm rừng cũng không bị ảnh hưởng thuốc bảo vệ thực vật nên sẽ tạo ra nguồn mật sạch. Yếu tố thứ hai quyết định đến năng suất và chất lượng của mật ong là nguồn ong giống.

Tại địa phương cũng có loài ong bản địa, tuy nhiên, hạn chế của loài ong này là vòi hút ngắn nên khả năng lấy mật thấp.

Trong khi đó, ong mật giống Ý có nhiều ưu điểm là con to, vòi hút sâu, sức tụ đàn lớn, cho mật và phấn hoa nhiều.

Sau khi tìm hiểu kỹ về đặc tính sinh học của loại ong mật giống Ý và kỹ thuật nuôi, cách chăm sóc loài ong ngoại nhập này, năm 2016, anh Trần Thành Long cùng gia đình quyết định đầu tư 80 triệu đồng mua 50 đàn ong mật giống Ý để nuôi, mỗi tháng ước thu được 50 lít mật ong hương tràm thương phẩm nguyên chất.

Sản phẩm mật ong hương tràm được tạo ra có chất lượng, không đủ cung ứng, năm 2017 gia đình anh Long đã trang bị thêm các dụng cụ, máy móc sản xuất và tăng quy mô lên 200 đàn ong.

Ảnh: Chương Đài/BNEWS/TTXVN

Do thường xuyên có được khối lượng mật ong hương tràm nguyên chất nên Thành Long đã thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh và đăng ký thương hiệu độc quyền là “Mật ong Hương Tràm Hút Dẻo".

Theo thống kê, từ đầu năm 2017 đến cuối tháng 6/2018, cơ sở đã xuất bán 18 tấn mật ong nguyên chất các loại, doanh thu ước đạt 1,8 tỷ đồng.

Anh Long nói, hiện tại, cơ sở đã tăng lên 450 đàn ong, sản lượng mỗi tháng cho ra thị trường từ 2 tấn mật ong Hương Tràm nguyên chất.

Các sản phẩm của cơ sở đã được đưa đến những điểm tham quan du lịch trong tỉnh Đồng Tháp và bày bán tại các Phiên chợ Hàng Việt về nông thôn; Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao và một số siêu thị…

Điều đáng mừng là cơ sở mật ong Hương Tràm Hút Dẻo đã liên kết được với doanh nghiệp chế biến mật ong để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, từ đây mở ra một cơ hội mới cho sản phẩm quê.

Sử dụng sản phẩm mật ong trong dịp phiên chợ Nông nghiệp xanh tỉnh Đồng Tháp vào cuối tháng 10/2018, chị Phan Thị Kim Quý ngụ tại thành phố Cao Lãnh bày tỏ, mật ong hương tràm chẳng những có mùi thơm, vị ngọt đặc trưng mà còn giàu chất dinh dưỡng, đặc biệt điểm cộng của sản phẩm này là hoàn toàn tự nhiên.

Khi sử dụng có thể chữa trị một số loại bệnh như: viêm họng, đau dạ dày, ho… bởi loại mật ong này có tác dụng sát khuẩn tốt, làm lành các vết thương nhanh, làm đẹp và sáng da… đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng.

Tận dụng tài nguyên thiên nhiên để tạo ra bước đột phá trong hành trình khởi nghiệp là điều rất đáng tự hào.

Tuy nhiên không chỉ dừng lại ở việc nuôi ong lấy mật, chàng thành niên Trần Thành Long còn hướng tới kết hợp khai thác du lịch.

Ông Nguyễn Văn Quang - Phó Chủ tịch Hội nông dân huyện Tam Nông cho biết, Vườn quốc gia Tràm Chim là một khu rừng đặc dụng với các cảnh quan tiêu biểu, các hệ sinh thái đất ngập nước đặc thù của vùng đất trũng Đồng Tháp Mười.

Đây là khu Ramsar thứ tư của Việt Nam, thứ 2.000 của thế giới, mỗi năm thu hút gần 200 nghìn lượt khách.

Cho nên, việc liên kết để du khách đến tham quan du lịch là một hướng đi hoàn toàn phù hợp. Không chỉ vậy, một khi khách tham quan được trải nghiệm, được trực tiếp thấy quy trình sản xuất sẽ an tâm hơn trong sử dụng, tiếng lành sẽ đồn xa.

Anh Huỳnh Minh Thức, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Đồng Tháp đánh giá, dự án mật ong hương tràm không chỉ khai thác được tiềm năng tài nguyên bản địa tạo nguồn thu nhập lớn cho gia đình, đồng thời còn tạo ra công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

Từ đó, góp phần hạn chế tình trạng phá rừng, đánh bắt trái phép trong rừng Tràm Chim. Đây cũng là mô hình mang tính khả thi về kinh tế, kết nối và quảng bá du lịch địa phương.

Với những lợi thế rất riêng và cách khai thác đúng đắn, Dự án mật ong hương tràm của anh Trần Thành Long đã đạt giải 3 Cuộc thi Dự án Khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp năm 2017, giải khuyến khích cuộc thi dự án khởi nghiệp nông nghiệp của BSA năm 2017.

Đồng thời, cá nhân anh Long đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong khởi nghiệp năm 2017, bằng khen về thanh tích xuất sắc trong học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2018 và là một trong những người đạt danh hiệu gương điển hình tiên tiến học và làm theo gương bác toàn quốc giai đoạn 2016 - 2020./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục