Thứ trưởng Đặng Huy Đông: Không có sự bao cấp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa

12:50' - 09/06/2016
BNEWS Tôi xin khẳng định, không có sự bao cấp. Cơ chế ưu đãi, hỗ trợ chỉ dành cho những đối tượng doanh nghiệp nào hoạt động có hiệu quả; có tiềm năng phát triển, có trí tuệ và ý tưởng đổi mới sáng tạo…
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông. Ảnh: TTXVN

Nhiều nội dung trong dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận xã hội.

Trong số đó có một số hỗ trợ cơ bản dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa như cải thiện môi trường kinh doanh, tiếp cận tín dụng tại ngân hàng thương mại, tại quỹ và các định chế tài chính khác; hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp; năng lực công nghệ; đào tạo, tư vấn và thông tin; mặt bằng sản xuất kinh doanh; mua sắm công; xúc tiến và mở rộng thị trường…

Tại hội thảo tham vấn dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tổ chức từ ngày 9-11/6 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đã có cuộc trao đổi với báo chí về các nội dung liên quan.

Phóng viên (PV): Với 97% doanh nghiệp hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng do yếu thế nên khả năng tiếp cận nguồn lực của khu vực kinh tế tư nhân rất thấp. Đây có phải là xuất phát điểm của việc xây dựng dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa không, thưa ông?

Thứ trưởng Đặng Huy Đông: Tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, mức độ trên 90% doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa là điều hết sức bình thường.

Ngay như Nhật Bản, có khoảng 99,7% là các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa song họ hoạt động hết sức hiệu quả, đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội.

Vì thế, cần thay đổi cách nhìn nhận về khu vực kinh tế tư nhân với 97% doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam. Không nên mãi gọi họ là “đội quân thuyền thúng”, khi lực lượng kinh tế này đóng góp tới 40% GDP và tạo việc làm cho 52% số người lao động trong xã hội.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận tài chính, đất đai, công nghệ và mở rộng thị trường…

Điều đó lý giải sự hạn chế về năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân; sự dễ tổn thương trước những thay đổi của chính sách; của môi trường xã hội. Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất thiếu niềm tin phát triển, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế đang ngày càng diễn ra sâu và rộng như hiện nay.

Với sự hỗ trợ của Dự án quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID GIG), dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được soạn thảo xuất phát từ nhu cầu nói trên.

Luật được xây dựng nhằm đưa ra cách tiếp cận hỗ trợ toàn diện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, thông qua thiết lập đồng bộ các chính sách, các chương trình hỗ trợ có chọn lọc, phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế của đất nước; lợi thế của từng địa phương và nguồn lực của quốc gia, nhằm tăng số lượng, nâng cao chất lượng hoạt động của khu vực kinh tế này.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được hưởng nhiều ưu đãi, hỗ trợ. Ảnh minh họa: TTXVN

Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn được hỗ trợ giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 5% trong thời hạn tối đa 5 năm kể từ khi bắt đầu hoạt động.

Khu vực kinh tế này còn được ưu đãi trong mua sắm công, trong đầu thầu các dự án, trong việc hình thành chuỗi phân phối sản phẩm quốc gia khi doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ…

Theo dự thảo Luật, sẽ có 5 chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa gồm Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp; Chương trình hỗ trợ chẩn đoán và tư vấn nâng cao hiệu quả sản xuất; Chương trình hỗ trợ phát triển cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị; Chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo và Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hội nhập.

Các chương trình hỗ trợ sẽ được triển khai và phân chia theo 2 cấp độ: Một là các chương trình mang tính phổ cập, không hạn chế về ngành, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hai là các chương trình mang tính trọng tâm, lựa chọn những doanh nghiệp nhỏ và vừa có tiềm năng, năng lực nhất định về hỗ trợ.

PV: Như vậy các đơn vị trung gian cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có được hưởng lợi gì không, thưa ông?

Thứ trưởng Đặng Huy Đông: Cũng theo dự thảo Luật thì Chính phủ khuyến khích các ngân hàng thương mại mở rộng cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Khi các ngân hàng thương mại đạt tỷ lệ 30% dư nợ tối thiểu cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay với lãi suất ưu đãi theo các mục tiêu phát triển thì sẽ được hưởng các hỗ trợ theo quy định.

Ngoài ra các tổ chức, cá nhân trung gian, cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa như các cơ sở ươm tạo, đơn vị sự nghiệp công lập, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp cá nhân đủ điều kiện và năng lực cung cấp dịch vụ; các nhà đầu tư phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp; các nhà đầu tư xây dựng – kinh doanh các khu dịch vụ dùng chung nhằm hỗ trợ nghiên cứu, thiết kế, đo lường, phân tích, thí nghiệm, chế tạo mẫu, thử nghiệm, sản xuất thử nghiệm…cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng sẽ được ưu đãi theo các quy định của Chính phủ.

PV: Theo ông, với rất nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi như vậy, liệu khu vực kinh tế này sẽ ra sao ?

Thứ trưởng Đặng Huy Đông: Tôi xin khẳng định, ở đây, không có sự bao cấp. Cơ chế ưu đãi, hỗ trợ chỉ dành cho những đối tượng doanh nghiệp nào hoạt động có hiệu quả; có tiềm năng phát triển, có trí tuệ và ý tưởng đổi mới sáng tạo…

Đáng lý, việc luật hóa các quy định, văn bản pháp luật và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải được thực hiện sớm hơn.

Đây là việc làm cần thiết; đúng đắn và phù hợp với các thông lệ và cam kết quốc tế. Nhất là khi nhiều hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương giữa Việt Nam và cộng đồng kinh tế thế giới như TPP, như EVFTAs… sẽ sớm có hiệu lực trong nay mai.

Vấn đề chỉ là chuyện khả năng hỗ trợ. Theo tôi, khả năng hỗ trợ là không bao giờ đủ.

Tuy nhiên, với việc cùng tham gia xây dựng, triển khai và giám sát thực thi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cùng với việc nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành…sẽ khắc phục được những vấn đề còn tồn tại hiện nay như sự rải rác và chưa thống nhất về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa; sự thiếu nhất quán và lựa chọn đối tượng hỗ trợ; khắc phục tâm lý và tình trạng xin cho.

Quan trọng nhất là thay đổi cách tiếp cận về việc hỗ trợ và cung cấp những dịch vụ công thiết yếu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Từ đây, sẽ phát huy vai trò của một Nhà nước kiến tạo, một Chính phủ phục vụ, tận tâm vì người dân và vì doanh nghiệp.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục