Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Giá lợn hơi đang ở mức hai bên cùng có lợi

15:39' - 01/08/2022
BNEWS Những ngày gần đây, giá lợn hơi ở mức người tiêu dùng, người chăn nuôi đều có lợi là từ 68.000 - 70.000 đồng/kg.

Chia sẻ với báo chí ngày 1/8, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, sau một thời gian tương đối dài, gần 2 năm giá thịt lợn ở mức thấp, trong khi nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đã tăng từ 30-40%. Những tháng gần đây, giá thức ăn chăn nuôi có giảm, nhưng giá thành lợn hơi vẫn khoảng 60.000 đồng/kg. Ngành sẽ cố gắng điều chỉnh tốc độ tăng trưởng để giá không quá cao cũng như không quá thấp giúp người tiêu dùng và chăn nuôi đều được hưởng lợi ích từ phát triển chăn nuôi, đồng thời không ảnh hưởng tới chỉ số CPI.

Những ngày gần đây, giá lợn hơi ở mức người tiêu dùng, người chăn nuôi đều có lợi là từ 68.000 - 70.000 đồng/kg.

Vừa qua, giá lợn biến động do giá lợn các nước xung quanh có sự biến động rất lớn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cử các đoàn đi kiểm tra ở các tỉnh biên giới. Hiện khu vực biên giới cũng được siết chặt, nhưng việc lợn mảnh chở sang Trung Quốc vẫn có các hiện tượng xảy ra.

“Cùng với phát triển chăn nuôi nói chung; trong đó có chăn nuôi lợn thì việc kiểm tra, rà soát ở các tỉnh biên giới vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo nguồn cung trong nước ổn định”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, với các biện pháp thú y phòng chống dịch bệnh, quản lý biên giới, chăn nuôi an toàn sinh học… và duy trì được tốc độ tăng trưởng của các đàn vật nuôi như từ đầu năm đến nay sẽ hoàn toàn đảm bảo được nguồn cung thực phẩm cuối năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán.

 Từ đầu năm đến nay, chăn nuôi phát triển ổn định; dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát. Bên cạnh đó, Việt Nam đã có vaccine dịch tả lợn châu Phi - công cụ rất quan trọng để khống chế dịch bệnh. Các loại dịch bệnh khác như lở mồm long móng, tai xanh... đang được kiểm soát tương đối tốt.

Nhìn chung trong 7 tháng, đàn bò, đàn lợn và gia cầm tiếp tục tăng. Cụ thể: đàn bò ước tăng khoảng 2,6%; đàn lợn tăng 4,8% và đàn gia cầm tăng 1,6%; riêng đàn trâu ước giảm khoảng 1,1% nhưng mức giảm cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (2,4%). 

Ngành nông nghiệp nhận định, sản lượng thịt các loại năm 2022 vẫn đạt trên 7 triệu tấn cùng 18,4 tỷ quả trứng, trên 1,3 triệu tấn sữa. Nguồn thực phẩm vẫn đảm bảo từ nay đến cuối năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán.

Về lương thực, ngành nông nghiệp đang thúc đẩy sản xuất vụ Hè Thu, Mùa, Thu Đông nhằm đảm bảo 43 triệu tấn lúa. Với sản lượng này, Việt Nam hoàn toàn chủ động cung ứng cho nhân dân tiêu dùng 14 triệu tấn, trên 7,5 triệu tấn cho chế biến, 1 triệu tấn cho giống, chăn nuôi 3,4 triệu tấn, dự trữ 3 triệu tấn và xuất khẩu gạo khoảng 6,5 triệu tấn, tương đương 13 triệu tấn lúa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục